Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh gắn kết nông dân vào chuỗi sản xuất
Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản
Khương Lực
Thứ sáu, ngày 15/07/2022 11:00 AM (GMT+7)
Trong 20 năm qua, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã đào tạo nghề, mở lớp tập huấn cho hàng chục nghìn hội viên nông dân và xây dựng, phát triển các mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ nông sản nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và đời sống các hội viên nông dân trong tỉnh.
Chiều 14/7, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức chuỗi các hoạt động kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh, đó là: chợ phiên sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và sản phẩm OCOP – năm 2022 và tọa đàm xây dựng chuỗi kiên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân và kỷ kiệm 20 năm thành lập Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh.
Trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh, chiều 14/7, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức tọa đàm xây dựng chuỗi kiên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Ảnh: Khương Lực
Ông Đào Trọng Đại, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh cho biết, trải qua 20 năm hoạt động, Trung tâm đã tổ chức 109 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho 3.450 lao động nông thôn, tỷ lệ học viên có việc làm sau đào tạo đạt trên 81%. Các học viên sau khóa học đã thành lập được các tổ nấu cỗ thuê, mở cửa hàng ăn uống, tổ hợp tác sản xuất rau, tổ nuôi trồng thủy sản.
Trung tâm đã liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức 718 lớp tập huấn cho 50.260 lượt người, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Hàng năm tổ chức trên 22 cuộc tuyên tuyền, tư vấn học nghề, tư vấn việc làm miễn phí cho người học nghề cho trên 1670 lượt người.
Cùng với việc liên kết, hỗ trợ nông dân mua phân bón trả chậm, Trung tâm đã tư vấn, cung cấp thông tin về chế độ chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp cho hội viên nông dân. Trung tâm cũng phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, HTX (Công ty XNK Nông sản Hải Phong, Công ty TNHH Foseca, Công ty TNHH Quang Kim, siêu thị Glmark, HTX rau an toàn thôn Liên Ấp) tiêu thụ nông sản cho hội viên nông dân.
Trong những năm qua, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh tiếp tục duy trì và nâng cao mô hình hoạt động của "Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp an toàn" tại trụ sở Cơ quan Hội nông dân tỉnh. Đồng thời, tham mưu và phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố triển khai chương trình "Hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho hội viên nông dân tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh do ảnh hưởng dịch Covid-19". Kết quả, năm 2021 đã hỗ trợ tiêu thụ gần 1.000 tấn nông sản các loại và 165.000 quả trứng; 6 tháng đầu năm 2022, kết nối hỗ trợ tiêu thụ gần 15 tấn nông sản các loại cho hội viên nông dân trong tỉnh.
"Với những kết quả mà Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân đã đạt được, phần nào có thể khẳng định rằng việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân là cần thiết và từng bước nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, thu hút, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, góp phần giảm bớt áp lực thiếu việc làm, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng nông thôn mới" – ông Đại nói.
Chia sẻ về việc xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm và phát triển thương hiệu tỏi đen một nhánh Gia Bình, ôngNguyễn Bình Phương, Giám đốc Công ty TNHH Nanocare R&D cho biết, cơ duyên mà ông gắn với sản phẩm tỏi đen một nhánh Gia Bình là năm 2013, bố ông bị ung thư.
Ở bệnh viện, các bác sỹ Nhật Bản họ giới thiệu sản phẩm tỏi đen một nhân để ăn nhằm hỗ trợ việc điều trị ung thư. "Một củ tỏi khoảng 5g nhưng có giá từ 50-60 nghìn đồng. Tôi thấy rất vô lý vì dân chúng ta trồng tỏi nhiều như thế tại sao lại đi mua củ tỏi với giá 50-60 nghìn đồng một củ trong khi số tiền đó ở Việt Nam mua được 2kg tỏi" – ông Phương nói.
Đau đáu với ý nghĩ như vậy, ông đã áp dụng công nghệ mới để cải tạo giống tỏi tía Gia Bình thành giống tỏi một nhánh, đồng thời chế biến tỏi đen để gia tăng giá trị sản phẩm giới thiệu ra thị trường. Từ thành công này, Công ty TNHH Nanocare R&D đã kết hợp với nông dân huyện Gia Bình để phát triển thương hiệu tỏi đen Gia Bình – đạt OCOP 4 sao - có giá trị dinh dưỡng cao hơn để phục vụ thị trường.
"Hiện nay, liên kết với nông dân công ty có 2 mô hình chính: Một là chúng tôi thuê ruộng của bà con nông dân theo chi phí 200kg thóc/sào/năm để trồng tỏi. Thứ hai, công ty hỗ trợ nông dân giống tỏi, phân bón và khoa học công nghệ để họ trồng, sau đó bán lại cho doanh nghiệp" - ông Phương nói.
Tuy nhiên, theo ông Phương, khó khăn nhất mà công ty gặp phải khi liên kết với nông dân là diện tích ruộng quá manh mún nhỏ lẻ. "Công ty phải đề nghị nông dân thu gom thêm từ các hộ khác, mỗi hộ ít nhất đạt 1ha để trồng và liên kết cùng doanh nghiệp" – ông Phương nói và cho biết nếu phải liên kết với quá nhiều nông dân thì sẽ rất khó trong việc kiểm soát về chất lượng, dinh dưỡng của sản phẩm.
Cùng với đó, ông Phương kiến nghị tỉnh Bắc Ninh tạo điều kiện về mặt bằng, vốn để doanh nghiệp có thể thu mua, tạm trữ nguyên liệu cho người nông dân. Bởi, nếu đi thuê đất công nghiệp với giá 150-200 USD như hiện nay, doanh nghiệp sẽ không kham nổi.
Phá thế nhỏ lẻ, manh mún, hỗ trợ nông dân tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp
Từ một tỉnh thuần nông, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. Mặc dù sản xuất nông nghiệp đang chiếm tỷ trọng thấp (năm 2021 chỉ chiếm 2,7% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh), nhưng trong những năm qua tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, an toàn, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị.
Ông Nguyễn Công Trình, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh cho biết, tính đến tháng 7/2022, tỉnh Bắc Ninh có 49 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn. Các sản phẩm được xác nhận trong các chuỗi là các sản phẩm từ thịt lợn như: xúc xích, thịt lợn viên, giò chả, thịt nguội, thịt hộp, mắm tép; bún, bánh phở, rau củ quả các loại…
Theo ông Trình, trong 3 năm (2019-2021), ngân sách Nhà nước của tỉnh Bắc Ninh đã hỗ trợ hơn 391 tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Cùng với việc hỗ trợ tối đa theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ, tỉnh Bắc Ninh đã bổ sung rất nhiều nội dung hỗ trợ đặc thù từ giống, vật tư, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất; phòng, chống bệnh dịch; hỗ trợ phát triển vùng sản xuất tập trung, tích tụ tập trung ruộng đất, sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, truy suất nguồn gốc…
Dù vậy, theo đánh giá của ông Trình, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Ninh cơ bản vẫn còn nhỏ lẻ, ruộng đất còn manh mún và ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị. "Việc tích tụ đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn gặp nhiều khó khăn nên rất khó hình thành liên kết bền vững" – ông Trình nhấn mạnh và cho biết thêm quy mô sản xuất, sản lượng nông sản của tỉnh chưa đủ lớn nên cũng khó thu hút các doanh nghiệp chế biến để hình thành chuỗi liên kết sâu khép kín.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Thị Hằng biểu dương sự nỗ lực và những kết quả đã đạt được trong 20 năm qua của tập thể lãnh đạo, viên chức và người lao động của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh. Đồng thời đánh giá cao việc lựa chọn nội dung chủ đề của Tọa đàm cũng như những ý kiến phát biểu tại Tọa đàm; giao Trung tâm tổng hợp, phân tích các ý kiến, đề xuất, báo cáo, tham mưu tỉnh các giải pháp triển khai trong thời gian tới.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tiếp theo, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Thị Hằng đề nghị Trung tâm tham mưu tỉnh Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; triển khai kịp thời Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách phát triển lĩnh vực nông nghiệp vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy HĐND tỉnh Bắc Ninh.
Cùng với đó, Trung tâm tiếp tục mở rộng các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân, cửa hàng giới thiệu và tiêu thụ nông sản tại các địa bàn cấp huyện, cấp xã trong tỉnh. Hỗ trợ, tăng cường kết nối trực tuyến trên internet, phát triển thương mại điện tử nhằm quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Trung tâm chủ động hơn nữa việc liên kết với các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các tổ chức, cá nhân xây dựng các mô hình trình diễn để cán bộ, hội viên, nông dân tham quan, nghiên cứu, học tập chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới về trồng trọt, chăn nuôi; xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với kết nối tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản.
Mở rộng các loại hình đào tạo, ngành nghề đào tạo, định hướng việc làm và giải quyết việc làm cho lực lượng lao động nông thôn, bảo đảm sau khi học nghề học viên tự tin tham gia sản xuất, tiếp cận thị trường lao động và nâng cao thu nhập.
Nhân dịp này, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân vinh dự được đón nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh Bắc Ninh và ông Đào Trọng Đại, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.