Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổng kết mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi tại tỉnh Tuyên Quang

Thu Hà Thứ năm, ngày 19/12/2024 10:26 AM (GMT+7)
Ngày 18/12, tại UBND xã Lang Quán, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang, Trung tâm Môi trường nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức nghiệm thu và tổng kết mô hình nông dân ứng dụng công nghệ sinh học xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn" năm 2024.
Bình luận 0

Tham dự chương trình có ông Trần Công Thuận - Phó Giám đốc Trung tâm Môi trường Nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang, huyện Yên Sơn và 45 hộ nông dân tham gia mô hình xã Lang Quán.

Phát biểu tại chương trình, ông Trần Công Thuận - Phó Giám đốc Trung tâm Môi trường Nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Được sự quan tâm tạo điều kiện của Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Tài chính, năm 2024 Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tiến hành triển khai Dự án Mô hình Hội Nông dân ứng dụng công nghệ sinh học xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn năm 2024 tại 5 tỉnh: Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Tuyên Quang, Điện Biên và Yên Bái. 

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổng kết mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi tại tỉnh Tuyên Quang - Ảnh 1.

Ông Trần Công Thuận - Phó Giám đốc Trung tâm Môi trường Nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại buổi nghiệm thu và tổng kết mô hình.

Đối với tỉnh Tuyên Quang, Trung ương Hội đã triển khai mô hình điểm tại xã Lang Quán, huyện Yên Sơn. Cụ thể, Dự án này được thực hiện tại xã Lang Quán từ tháng 4/2024, với 45 hộ nông dân tham gia. Các hội viên nông dân được hướng dẫn kỹ thuật sử dụng vật tư, chế phẩm sinh học để xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi; tham gia xây dựng mô hình điểm; thực hiện kỹ năng tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên tham gia mô hình.

Trung ương Hội đã hỗ trợ các loại vật tư cho các hộ của xã tham gia xây dựng mô hình điểm. Cụ thể 45 hộ tham gia với quy mô nuôi 250 con trâu bò được hỗ trợ 12.5 tấn trấu, 2.500 gói chế phẩm vi sinh, 750 kg cám gạo; tổ chức kiểm tra, giám sát xây dựng mô hình về ứng dụng công nghệ sinh học xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi.

Sau khi thực hiện mô hình, hội viên nông dân đã biết cách sử dụng vật tư, chế phẩm sinh học để xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, xử lý mùi hôi cho chuồng trại chăn nuôi, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và an toàn dịch bệnh. Đồng thời tham gia phương pháp lên men phụ phẩm cây trồng để dự trữ thức ăn cho trâu bò trong mùa đông đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổng kết mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi tại tỉnh Tuyên Quang - Ảnh 2.

Đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang nghiệm thu mô hình nông dân ứng dụng công nghệ sinh học xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi tại xã Lang Quán, huyện Yên Sơn.

Tại buổi nghiệm thu, các đại biểu đã nhấn mạnh tác dụng tích cực của mô hình đối với môi trường và kinh tế. Trên cơ sở kết quả đạt được, Hội Nông dân xã Lang Quán và Hội Nông dân huyện Yên Sơn đã kiến nghị nhân rộng, lan tỏa mô hình đến các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi nghiệm thu và tổng kết mô hình nông dân ứng dụng công nghệ sinh học, xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi góp phần bảo vệ môi trường nông thôn, đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã đánh giá cao hiệu quả ứng dụng mô hình này vào chăn nuôi của 45 hộ nông dân đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổng kết mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi tại tỉnh Tuyên Quang - Ảnh 3.

Đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang tặng hoa chúc mừng Câu lạc bộ nông dân bảo vệ môi trường xã Lang Quán, huyện Yên Sơn ra mắt.

Để mô hình được lan toả, Phó Giám đốc Trung tâm Môi trường Nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang, huyện Yên Sơn và xã Lang Quán tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc bà con sử dụng vỏ trấu, cám và chế phẩm sinh học để xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi tại hộ, cách sử dụng phân bón để bón cho cây trồng tại hộ một cách hiệu quả. Đồng thời tổ chức cho các địa phương khác đến học tập và nhân rộng mô hình.

Đồng thời, đề nghị Hội Nông dân xã Lang Quán duy trì tốt câu lạc bộ Nông dân bảo vệ môi trường đã được thành lập để thu gom rác thải sinh hoạt, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón, xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi; tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, tổ chức vệ sinh đường làng ngõ xóm, sông ao hồ, trồng cây xanh, cây hoa. Tổ chức tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn tất cả các chi Hội ở các thôn đều thành lập CLB Nông dân bảo vệ môi trường. Tổ chức cung cấp hoặc giới thiệu chế phẩm vi sinh cho bà con.

Nhân dịp này, Hội Nông dân xã Lang Quán đã ra mắt mô hình Câu lạc bộ nông dân bảo vệ môi trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem