Quanh năm nuôi vịt đặc sản tên đẹp mỹ miều, một Hợp tác xã ở Tuyên Quang đạt doanh thu 3 tỷ/năm

Bình Minh Thứ hai, ngày 07/10/2024 13:48 PM (GMT+7)
Vịt bầu Minh Hương là giống vật nuôi bản địa, được nuôi thả tự nhiên từ nguồn nước suối và được đánh giá ngon số một ở Tuyên Quang. Để liên kết, bảo tồn giống vịt bầu đặc sản này, Hợp tác xã Vịt bầu Minh Hương được thành lập năm 2018 với 7 thành viên. Hiện doanh thu mỗi năm của HTX trên 3 tỷ đồng.
Bình luận 0

Bảo tồn giống vịt đặc sản chỉ có ở Tuyên Quang

"Nếu lên Hàm Yên nếu chưa thưởng thức đặc sản vịt bầu Minh Hương thì coi như chưa đến", chị Nông Thị Lịch - Giám đốc Hợp tác xã Vịt bầu Minh Hương, xã Bình Xa, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) chia sẻ với Dân Việt.

Là cô gái Tày sinh ra và lớn lên ở thôn Đồng Cỏm, xã Bình Xa, chị Lịch am hiểu văn hóa bản sắc người Tày quê mình. 

Chị bảo, với người Tày nơi đây, vịt là một trong những con vật thiêng, được người Tày quý trọng, được lựa chọn làm làm quà biếu ngày lễ Tết. 

Đặc biệt vào rằm tháng Bảy - lễ “Pây Tái”, con gái và con rể người Tày thường đem lễ về thăm và biếu nhà ngoại đôi vịt béo để thể hiện lòng biết ơn công sinh thành, hiếu thuận đối với cha mẹ.

Từ xa xưa, vịt bầu Minh Hương nổi tiếng khắp vùng. Đây là giống vịt bản địa, được nuôi thả tự nhiên từ nguồn nước suối của cánh rừng đặc dụng Cham Chu. Vịt được nuôi tự nhiên nên thịt rất chắc, thơm, ít mở và tỷ lệ nạc, cùng với giá trị dinh dưỡng cao, mang hương vị đặc trưng mà không nơi nào có được.

"Vịt tròn lẳn, chỉ uống nước suối, ăn thức ăn từ núi rừng, cho chất lượng thịt thơm ngon khiến người ta nhớ mãi khi đã được thưởng thức. Do đó, dân bản khắp vùng cứ vào dịp lễ Tết thường tìm mua giống vịt ngon này để làm mâm cỗ, quà biếu tặng. 

Nhưng không phải hộ nào cũng có thể tìm mua được vì số lượng vịt bầu Minh Hương trong dân rất hạn chế. Mỗi nhà chỉ nuôi vài ba con, tự sản tự tiêu là chính", chị Lịch nói.

Vịt bầu - Ảnh 1.

Chị Nông Thị Lịch, Giám đốc Hợp tác xã Vịt Minh Hương (bên trái), xã Bình Xa, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) giới thiệu về sản phẩm vịt Minh Hương. Ảnh: NVCC

Nhu cầu thị trường lớn, trong khi nguồn cung có hạn. Nắm bắt được xu hướng đó, chị Lịch cùng một số hộ dân xã Bình Xa đã nhân giống, bảo tồn loài vịt bầu Minh Hương. 

Hàng ngày vào từng bản làng, thu mua mỗi nhà một ít, mua vịt to, vịt con, ấp trứng để nhân giống. Tích tiểu thành đại, chị Lịch có đàn vịt trên 200 con.

Chị Lịch nhớ lại, thời điểm đầu do chưa có kinh nghiệm tiêm phòng nên vịt giống chết la liệt do cúm gia cầm. Để "giải bài toán" này, chị đã tìm đến nhiều lớp tập huấn hơn, tìm hiểu kiến thức chăn nuôi qua sách báo, nắm vững đầy đủ kiến thức... từ đó, tự tin hơn trong chăn nuôi giống vịt đặc sản Minh Hương.

Có được nền tảng kiến thức vững chãi, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, năm 2018, chị Lịch quyết định thành lập và đảm nhận vị trí Giám đốc Hợp tác xã Vịt bầu Minh Hương. 

Đây là dấu ấn quan trọng cho việc nâng tầm thương hiệu nông sản địa phương. Các thành viên tham gia đều là những người nông dân ở 2 xã Bình Xa, Minh Hương.

 Họ cùng nhau trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi cũ và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như lựa chọn giống, thực hiện ấp nở bằng máy ấp nở trứng gia cầm tự động, chú trọng công tác thú y.

Vịt bầu Minh Hương luôn trong tình trạng "cháy hàng"

Chị Lịch cho biết, hiện nay, ngoài 7 thành viên, HTX Vịt bầu Minh Hương còn liên kết với người dân các xã Minh Hương, Tân Thành, Bình Xa và Phù Lưu với tổng đàn lên đến trên 71.000 con, sản lượng thịt xuất chuồng hàng năm đạt 130 tấn.

Để nâng cao giá trị kinh tế, các thành viên của HTX Vịt bầu Minh Hương thay vì nuôi vịt theo kiểu truyền thống đã chuyển sang nuôi vịt bầu theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm để nâng cao thu nhập.

Theo chị Lịch, để hạn chế dịch bệnh, các thành viên thống nhất xây dựng chuồng trại, phân chia ô chuồng riêng dành cho vịt đẻ và vịt thương phẩm. 

Khu chuồng nuôi được sử dụng đệm lót sinh học và tiến hành khử trùng bằng vôi định kỳ. Ngoài tuân thủ các quy trình chăm sóc, phòng dịch và tạo vùng bơi lội, HTX còn phải nuôi vịt bằng thóc, bằng chuối thái lẫn với cỏ voi. Đều đều ngày 2 lần, vịt phải có 2 bữa ăn no, còn với vịt bé thì phải cho ăn 3 bữa/ngày.

Vịt bầu - Ảnh 2.

Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu Vịt bầu Minh Hương và năm 2020 vịt bầu Minh Hương đã được công nhận đạt 3 sao OCOP. Ảnh: NVCC

Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu Vịt bầu Minh Hương. Năm 2020 vịt bầu Minh Hương đã được công nhận đạt 3 sao OCOP. Năm 2023, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) đã tổ chức Lễ trao chứng nhận ẩm thực tiêu biểu Việt Nam giai đoạn I – 2022, trong đó có Vịt bầu Minh Hương được vinh danh trong hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực tiêu biểu Việt Nam thuộc Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 - 2024”.

Đối với vịt đẻ, HTX chỉ nuôi trong khuôn viên mỗi hộ, không thả suối vì dễ bị động làm dập trứng, đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường. 

Còn vịt thương phẩm được thả ra suối theo giờ quy định. Loại này nuôi đến tháng thứ 4 thì đầu mới xanh và bắt đầu ăn khỏe nên trên 5 tháng mới có thể xuất bán, trung bình mỗi con nặng từ 1,9 kg đến 2,2 kg/con, giá bán từ 90.000 đồng đến 110.000 đồng/kg.

Để chủ động về con giống, HTX đầu tư lò ấp trứng, đảm bảo chủ động nguồn giống nuôi 5-6 lứa vịt/năm. 

Sau một tháng ấp trứng, HTX sẽ tiến hành úm vịt rồi mới thả ra chăn nuôi bình thường.

Vịt bầu - Ảnh 3.

Ngoài 7 thành viên, HTX Vịt bầu Minh Hương còn liên kết với người dân các xã Minh Hương, Tân Thành, Bình Xa và Phù Lưu với tổng đàn lên đến trên 71.000 con, sản lượng thịt xuất chuồng hàng năm đạt 130 tấn. Ảnh: NVCC

"Dù chăm sóc vịt đẻ hay vịt thương phẩm đều công phu, mất nhiều thời gian và công sức nhưng điều thuận lợi là các thành viên HTX không phải lo lắng về đầu ra vì vịt lúc nào cũng trong tình trạng cháy hàng bởi nhu cầu thị trường về loại đặc sản này rất lớn", chị Lịch chia sẻ.

Chị Lịch cho hay, vịt nuôi đến đâu đều có nhà hàng, khách sạn đăng ký về tận nơi thu mua. HTX cũng mở rộng sang dịch vụ giết mổ, đóng gói hút chân không để nâng cao giá trị và chất lượng.

Sản phẩm vịt bầu Minh Hương được tiêu thụ thông qua hệ thống siêu thị, nhà hàng và được đảm bảo kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi. Nhờ đầu ra thuận lợi, doanh thu hàng năm của HTX là khoảng 3 tỷ đồng từ bán vịt con giống, vịt thịt thương phẩm.

Hành trình từ cô nông dân người Tày đến nữ Giám đốc Hợp tác xã năng động, nhanh nhẹn của chị Nông Thị Lịch đã góp phần đưa thương hiệu nông sản của quê hương vươn xa. Nói về dự định và ước muốn của mình, chị chia sẻ: “Chị mong muốn có thêm nhân lực trẻ cùng đồng hành tìm cách quảng bá, bán hàng trong thời đại công nghệ số, để thương hiệu vịt bầu Minh Hương ngày càng nhiều người biết đến. Đồng thời, chị ấp ủ tạo ra sản phẩm từ vịt bầu sấy khô để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường”.

Vịt bầu - Ảnh 4.

Vịt bầu Minh Hương là giống bản địa, được nuôi thả tự nhiên nên thịt rất chắc, thơm, ít mở và tỷ lệ nạc, cùng với giá trị dinh dưỡng cao, mang hương vị đặc trưng mà không nơi nào có được. Ảnh: NVCC

Nhờ thành tích đạt được, năm 2024, HTX Vịt bầu Minh Hương là 1 trong 63 HTX trên cả nước được tôn vinh là HTX tiêu biểu toàn quốc do Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, thành lập.

Lễ biểu dương 63 HTX tiêu biểu sẽ diễn ra vào tối 14/10 và truyền hình trực tiếp trên kênh sóng của VTV.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem