Trứng vịt biển, nước mắm sá sùng, gà bản Đầm Hà, mực lá Cô Tô: "Siêu phẩm" nông nghiệp đất Quảng Ninh

Nguyễn Quý Thứ sáu, ngày 15/10/2021 06:30 AM (GMT+7)
Từ những sản vật của biển cả, hay trên ruộng vườn, nương rẫy, ao nuôi… người nông dân Quảng Ninh đã biến những sản vật ấy thành những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Bình luận 0

Tại sao tôm thẻ chân trắng Quảng Ninh thơm ngon hơn vùng khác?

Nhiều năm nay, tôm thẻ chân trắng là sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp TP.Móng Cái và của tỉnh Quảng Ninh. 

Hàng nghìn người nuôi tôm thẻ chân trắng bên bờ biển trải dài của Quảng Ninh luôn nỗ lực tìm tòi, sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng con tôm, đưa sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

So với các vùng nuôi tôm khác trong nước, con tôm thẻ chân trắng nuôi ở Quảng Ninh có chất lượng khác bởi có ưu thế về môi trường, nhất là nguồn nước có độ mặn cao, rất thích hợp để phát triển trên diện rộng.

Có gì lạ ở những "siêu phẩm" nông nghiệp của Quảng Ninh? - Ảnh 1.

Tôm thẻ chân trắng của hộ anh Lê Văn Tỉnh (phường Hải Hòa, TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) còn khoảng 15 ngày nữa được xuất bán. Ảnh: Nguyễn Quý.

Anh Lê Văn Tỉnh là chủ trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng tại phường Hải Hòa, TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, cũng là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm.

Anh Tỉnh cho biết, vùng biển Quảng Ninh xung quanh có nhiều núi đá vôi, đất đồi, nên nguồn nước có nhiều khoáng chất, điều này cực tốt để tôm thẻ chân trắng phát triển. Đặc biệt, độ kiềm được ổn định từ 100 đến 110mg/lít, con tôm sẽ khỏe, nhanh lớn.

Vì thế, tôm thẻ chân trắng nuôi ở Quảng Ninh thường có vỏ màu xanh đen rất đặc trưng. Khi luộc, tôm thẻ chân trắng nuôi ở Quảng Ninh sẽ có màu đỏ sậm, vỏ cứng, bóng, thịt săn chắc và thơm ngon hơn hẳn với tôm nuôi ở vùng nước độ mặn thấp, ít khoáng chất.

Có gì lạ ở những "siêu phẩm" nông nghiệp của Quảng Ninh? - Ảnh 2.

Tôm thẻ chân trắng được đóng gói đưa vào các siêu thị. Ảnh: Nguyễn Quý.

Trứng vịt biển, nước mắm sá sùng, gà bản Đầm Hà, mực lá Cô Tô, đặc sản chỉ Quảng Ninh mới có

Là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Quảng Ninh, trứng vịt biển Đồng Rui (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) rất được khách hàng ưa chuộng, hiện nay có đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

So với trứng vịt ở các nơi khác, trứng vịt biển Đồng Rui to, vỏ dày, trứng ăn thơm, bùi, ngậy, nhiều lòng đỏ và màu đỏ sậm hơn. Nguyên nhân bởi vịt ở đây được chăn thả ở các bãi bồi ven biển, thức ăn có thành phần từ các loài nhuyễn thể tự nhiên.

Có gì lạ ở những "siêu phẩm" nông nghiệp của Quảng Ninh? - Ảnh 3.

Trứng vịt biển Đồng Rui từ lâu đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Quý.

Dưới sự tư vấn, hướng dẫn và bảo trợ của Hội Nông dân xã Đồng Rui và các cấp Hội Nông dân trong tỉnh, các hộ chăn nuôi ở đây đã thành lập HTX chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến để giúp nhau quy trình nuôi thả an toàn.

Theo các hộ chăn nuôi ở đây, cứ 1.000 con vịt biển lấy trứng thì mỗi tháng cho khoảng 18 triệu đồng, đây là mức thu nhập cao đối với người dân địa phương. Cũng nhờ nuôi vịt biển, thu nhập của người dân được nâng cao, góp phần tích cực vào hoàn thành chương trình xây dựng NTM.

Có gì lạ ở những "siêu phẩm" nông nghiệp của Quảng Ninh? - Ảnh 4.

Trứng vịt biển Đồng Rui to, vỏ dày, trứng ăn thơm, bùi, ngậy, nhiều lòng đỏ và màu đỏ sậm hơn so với những loại trứng vịt thông thường. Ảnh: Nguyễn Quý.

Sản phẩm nước mắm sá sùng Dáng Phương cũng là một trong những sản phẩm được bình chọn làm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Quảng Ninh.

Nghề làm nước mắm là một trong những nghề truyền thống của Móng Cái và cơ sở sản xuất nước mắm của ông Nguyễn Văn Phương (xã Hải Xuân, TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) đã góp phần gây dựng lại nghề truyền thống này.

Có gì lạ ở những "siêu phẩm" nông nghiệp của Quảng Ninh? - Ảnh 5.

Nước mắm Dáng Phương là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Quý.

Những giọt mắm thơm phưng phức, mặn mòi mùi muối biển, beo béo, ngậy ngậy của chất đạm hải sản, đặc biệt có sự hòa quyện của con sá sùng trứ danh của vùng biển Quảng Ninh, khiến cho mỗi người thưởng thức vô cùng hài lòng.

Nước mắm Móng Cái không chỉ đơn thuần là để thưởng thức một sản phẩm, mà hơn hết, đó là sự tìm lại dư vị văn hóa ẩm thực của người Việt nơi vùng biển địa đầu Đông Bắc tổ quốc.

Có gì lạ ở những "siêu phẩm" nông nghiệp của Quảng Ninh? - Ảnh 6.

2 sản phẩm của huyện Đầm Hà là trứng vịt biển Tân Bình và gà bản được chứng nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2021. Ảnh: Nguyễn Quý.

Tại huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh) có giống gà quý của địa phương, thịt thơm ngon nhưng một thời chẳng mấy ai biết đến.

Ngày nay, giống gà bản Đầm Hà này đã được nhân giống thành công bằng công nghệ thụ tinh nhân tạo tại HTX Sản xuất nông nghiệp Tuyền Hiền (thôn Tân Hòa, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh). Gà còn được nhân rộng ở nhiều hộ nông dân, tạo thành chuỗi chăn nuôi gà bản theo hướng bán hoang dã.

Giống gà bản Đầm Hà có thịt thơm ngon, thân tròn gọn, cổ ngắn, chân thấp, lông màu vàng sặc sỡ. Đặc biệt, gà mái vừa có râu, vừa có mũ, là nét đặc trưng rất riêng của gà bản Đầm Hà.

Có gì lạ ở những "siêu phẩm" nông nghiệp của Quảng Ninh? - Ảnh 7.

Sản phẩm mực lá đông lạnh Cô Tô được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Nguyễn Quý.

Từ vùng biển đảo Cô Tô xa xôi, sản phẩm mực lá đông lạnh của gia đình chị Lê Thị Lập (thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) vừa được Hội đồng bình chọn quyết định công nhận là 1 trong 27 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2021.

Chị Lập cho biết, mực lá Cô Tô sống ở tầng đáy biển sâu 7-8m. Muốn bắt được mực lá Cô Tô, người ta phải dùng chiếc lồng bọc lưới xung quanh, trên mái lồng có lợp lá cọ, rồi thả xuống đáy biển.

Mực lá ưa trú ngụ ở môi trường râm mát, liền chui vào làm tổ. Sau 1 ngày đêm thả lồng, người đánh bắt vớt lồng lên, đảm bảo cho con mực không bị thương, khi đưa về cấp đông vẫn giữ được mực còn sống.

Mực lá Cô Tô dày mình, có vị đậm hơn nơi khác vì biển ở đây có độ mặn cao, dù được cấp đông lâu vẫn giữ được độ tươi ngon, giòn ngọt, đặc biệt thích hợp với món xào, nướng, hay thả lẩu…

Có gì lạ ở những "siêu phẩm" nông nghiệp của Quảng Ninh? - Ảnh 8.

Lãnh đạo tỉnh và Hội Nông dân Quảng Ninh nghe giới thiệu giống ổi lê Toàn Phú (xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ) trong buổi trưng bày 27 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2021. Ảnh: Nguyễn Quý.

Sau hơn 2 tháng triển khai, chương trình "Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2021" đã thu hút 46 sản phẩm của 35 đơn vị, cá nhân trong tỉnh tham gia.

Trong đó, có 33/46 sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 - 5 sao. Trên cơ sở kết quả thẩm định và bình chọn của Hội đồng, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã quyết định công nhận 27 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2021.

Có gì lạ ở những "siêu phẩm" nông nghiệp của Quảng Ninh? - Ảnh 9.

Người tiêu dùng hào hứng mua các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh trong buổi trưng bày ngày 12/10. Ảnh: Nguyễn Quý.

Ngày 12/10, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh lần đầu tiên tổ chức tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh.

Chương trình nhằm tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất; động viên, khích lệ sự sáng tạo của các doanh nghiệp, HTX trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, góp phần liên kết, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông sản chất lượng cao; xây dựng và khẳng định thương hiệu tham gia mở rộng, phát triển thị trường, đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đồng thời, sẽ là cơ sở để lựa chọn sản phẩm thế mạnh của tỉnh tham gia chương trình bình chọn sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem