Trường Kinh tế Quốc dân "tiết lộ" 4 trường thành viên khi lên đại học năm 2025

Tào Nga Thứ năm, ngày 26/10/2023 21:31 PM (GMT+7)
GS.TS Phạm Hồng Chương cho biết, với định hướng phát triển thành Đại học Kinh tế Quốc dân, bên cạnh việc thành lập 3 trường Kinh tế, Kinh doanh và Công nghệ, sẽ có thêm trường Quốc tế.
Bình luận 0

Chiều 26/10, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Lễ Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Khoa Quản lý Đào tạo Quốc tế, giờ là Viện Đào tạo Quốc tế.

Chia sẻ tại buổi lễ, GS.TS Phạm Hồng Chương, hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tự hào là một trong những trường đại học đầu tiên của Việt Nam hợp tác với các trường đại học nước ngoài để thực hiện các chương trình đào tạo quốc tế. 

Sắp tới sẽ có Trường Quốc tế thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân - Ảnh 1.

GS.TS Phạm Hồng Chương, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: T.N

Con số hơn 2.000 Cử nhân và 1.500 Thạc sĩ tốt nghiệp từ các chương trình đào tạo đại học và cao học của Viện trong suốt 20 năm qua đã được các nhà tuyển dụng đón nhận và đã thành công trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề, chính là minh chứng khẳng định hướng đi đúng đắn của Nhà trường trong việc tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo thông qua hoạt động liên kết đào tạo quốc tế".

Sắp tới sẽ có Trường Quốc tế thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân - Ảnh 2.

Kỷ niệm 20 năm Viện Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: T.N

Chia sẻ thêm về lộ trình lên đại học vào năm 2025, GS.TS Phạm Hồng Chương cho hay, trong những năm tới, với định hướng phát triển của Nhà trường thành Đại học Kinh tế Quốc dân, bên cạnh việc thành lập 3 trường Kinh tế, Kinh doanh và Công nghệ, Nhà trường sẽ thành lập trường Quốc tế. 

Theo thông tin từ trường, Viện Đào tạo Quốc tế đã được giao nhiệm vụ chuyển đổi mô hình hoạt động thành trường Quốc tế nằm trong Đại học Kinh tế Quốc dân, tạo điều kiện thuận lợi để hướng đến những mục tiêu cao hơn trong tương lai, cụ thể là: Đẩy mạnh và phát triển các chương trình liên kết ở bậc đại học và ưu tiên phát triển mạnh các chương trình liên kết sau đại học với các trường đối tác đến từ các nước như Mĩ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu,..

Hiện tại ở Việt Nam có nhiều trường đại học có khoa Quốc tế hoặc trường Quốc tế dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo do có sự cạnh tranh giữa các chương trình đại trà trong nước với chương trình quốc tế của các trường mà sinh viên còn có thêm lựa chọn môi trường học quốc tế ngay trong nước. 

Theo Luật Giáo dục đại học năm 2018, trường đại học và đại học là hai khái niệm khác nhau. Trường đại học, học viện đào tạo và nghiên cứu nhiều ngành, những ngành này thuộc một hoặc một vài lĩnh vực. Trong khi đó, đại học đào tạo và nghiên cứu đa lĩnh vực, gồm nhiều trường đại học và khoa thành viên.

Để chuyển thành đại học, các trường cần đảm bảo ba điều kiện: được tổ chức kiểm định hợp pháp đánh giá đạt chuẩn chất lượng; có ít nhất ba trường và 10 ngành đào tạo tiến sĩ, quy mô sinh viên chính quy trên 15.000; được cơ quan quản lý trực tiếp, các nhà đầu tư chấp thuận.

Hiện cả nước có 6 đại học, gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng và Bách khoa Hà Nội. Ngoài Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhiều trường như Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Trường Đại học Cần Thơ đã thành lập hoặc xây dựng đề án thành lập trường trực thuộc để chuyển thành đại học.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem