Trường nghề thủy sản thiếu học sinh

Thứ ba, ngày 04/03/2014 06:12 AM (GMT+7)
Đó là thực trạng của Trường Trung cấp nghề thủy sản trên địa bàn Hải Phòng. Năm học này, trường vắng hẳn bóng học sinh.
Bình luận 0
Chỉ tuyển sinh được 3/19 ngành nghề

Trường Trung cấp nghề thủy sản Hải Phòng là một trong số những trường nghề từng nổi danh một thời thu hút đông đảo lượng học viên tham dự tuyển sinh và theo học. Từ năm 2008 trở về trước, lượng học sinh của trường rất đông, mỗi năm duy trì ở con số gần 1.000.

Nhưng vài năm gần đây, công tác tuyển sinh rất khó khăn, trường mở được lớp chủ yếu là các đối tượng học sinh thuộc diện phường, xã đã cơ cấu theo học và học ngay tại địa phương. Số lượng duy trì thường xuyên chỉ được khoảng trên 100 học sinh.

Trường Trung cấp nghề thủy sản Hải Phòng vắng bóng học sinh.
Trường Trung cấp nghề thủy sản Hải Phòng vắng bóng học sinh.

Có mặt tại trụ sở chính của trường, chúng tôi ngỡ ngàng vì trường hoàn toàn vắng bóng học sinh, không khí hết sức vắng lặng và ảm đạm, giáo viên thì ngồi buồn bã. Thầy Lương Văn Nguyệt- Hiệu phó chia sẻ: Những năm qua, do kinh tế khó khăn chung nên nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản trên địa bàn Hải Phòng cũng như các cơ sở sản xuất liên quan ngành nông, lâm, thủy sản hoạt động bấp bênh, manh mún. Nhu cầu tuyển dụng và cơ hội việc làm đối với lao động ngành nghề thủy sản tuy khá dồi dào nhưng không bền vững. Hơn nữa, theo thầy Nguyệt: “Cơ sở chế biến cũng tận dụng nguồn lao động phổ thông, không có bằng cấp đúng ngành nghề để giảm chi phí lương. Vì thế, lao động có nghề, được đào tạo bài bản cũng không được trọng dụng”.

Hiện tại, trường vẫn duy trì trên danh mục tuyển sinh 19 ngành nghề, tuy nhiên thực tế chỉ có 3 ngành nghề tuyển sinh được và có học sinh là nuôi trồng thủy sản nước ngọt; nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn và ngành thú y.

Học sinh vẫn sợ mạo hiểm

Đinh Ngọc Tuấn quê xã Lập Lễ (Thủy Nguyên) là một trong những học sinh nhập học năm học 2013-2014 cho biết, hiện nay học sinh tốt nghiệp THPT hầu hết không muốn học trung cấp bởi “đã mất công học thì phải học đại học trở lên”. Trong khi đó, theo Tuấn, việc học nghề hệ trung cấp cũng giúp em có nhiều kỹ năng làm việc, nhưng nếu có cơ hội, em vẫn muốn học hệ cao đẳng- đại học. “Sở dĩ em học ở trường là vì đã có chỗ nhận làm, đi học để củng cố kiến thức, có chút bằng cấp dễ làm việc. Với lại học đại học, cao đẳng cũng tốn kém”- Thanh nói.

Để cải thiện được khó khăn trong việc tuyển sinh hiện nay, các trường trung cấp nghề đều mong muốn phải nhanh chóng có sự phân luồng học sinh, thay đổi nhận thức người học để hạn chế tình trạng học kiểu hình thức, theo thị hiếu đám đông.

Thực tế tại Hải Phòng, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp đóng tàu liên kết với trường với mong muốn trường đào tạo, cung ứng nguồn lao động, doanh nghiệp cam kết tạo việc làm ngay cho học sinh sau khi ra trường và mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, sau khi triển khai kế hoạch tuyển sinh, trường cũng hoàn toàn thất bại vì không có học sinh đăng ký theo học.

Vũ Văn Phùng (quê huyện Kiến Thụy) đang theo học ngành thủy sản nước lợ cho biết, trước đó, do kinh tế khó khăn, một số doanh nghiệp đóng tàu khác trên địa bàn bị phá sản, nhiều công nhân thất nghiệp đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý người theo học. Họ sợ là bỏ tiền và thời gian theo học, lúc ra trường lại không có việc làm nên những công việc vừa làm, vừa học, kiếm được tiền ngay đã cuốn hút họ hơn cả.
Trần Phượng (Trần Phượng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem