Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhân rộng mô hình hay
Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhân rộng mô hình hay
Thu Hà
Thứ bảy, ngày 28/11/2020 14:11 PM (GMT+7)
Chiều ngày 27/11, tại Hà Nội, Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam (thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) tổ chức Lễ Khai giảng khoá VII và trao bằng tốt nghiệp khoá V hệ trung cấp thú y.
Phát biểu tại lễ khai giảng, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam cho biết: Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam tiền thân là Trường Trung cấp nghề Hội Nông dân Việt Nam có nhiệm vụ đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn. Trường đang triển khai và tổ chức đào tạo ở 2 cấp trình độ: Trung cấp và sơ cấp.
Trong những năm qua, trường đã đào tạo được 604 lớp với tổng số 20.879 học viên. Trong đó: đào tạo trình độ sơ cấp, dạy nghề thường xuyên được 579 lớp với tổng số 19.741 học viên; đào tạo hệ trung cấp được 25 lớp với 1.138 học sinh; tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp cho 792 học sinh.
Đặc biệt, Trường đã đào tạo cho nông dân là người khuyết tật tại các huyện của TP.Hà Nội ở trình độ sơ cấp được 6 lớp với 180 học viên. Kết quả 100% học viên, học sinh đỗ tốt nghiệp ra trường, trong đó loại giỏi chiếm 30%, loại khá chiếm 60%. 100% các học viên, học sinh ra trường có việc làm và trên 80% có việc làm đúng với ngành nghề các em được đào tạo.
Chú trọng đào tạo nghề cho nông dân
Báo cáo tổng kết khoá V hệ trung cấp thú y, bà Mai Thị Lan Hương – Phó phụ trách Khoa nông nghiệp Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam cho biết: Tổng học sinh nhập học của khóa V hệ trung cấp thú y, niên khóa 2018-2020 là 212 học viên, chia thành 5 lớp, trong đó có 2 lớp mở tại Bình Phước và 3 lớp mở tại Quốc Oai (Hà Nội).
Theo bà Hương học viên của khoá học có nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó, học viên cao tuổi nhất là 50 tuổi, học viên ít tuổi nhất là 18 tuổi. Đa số các học viên đều chưa có việc làm đăng ký nhập học (144 học sinh, chiếm 67,9%). Một số học viên đang làm việc tại UBND xã, Hội ND, doanh nghiệp, các trang trại, cửa hàng thuốc thú y của gia đình...
Các học viên đều có nhu cầu, nguyện vọng được học tập nghề thú y với mong muốn qua khóa học trang bị cho mình kiến thức về thú y để vận dụng vào thực tiễn nhằm nâng cao nguồn thu nhập cho bản thân, gia đình.
Chương trình đào tạo Trung cấp Thú y của trường được biên soạn theo chương trình khung của Tổng cục dạy nghề - Bộ Lao động Thương binh và xã hội. Với thời lượng 698 giờ học lý thuyết; 1.852 giờ thực hành phân bổ trong 2 năm. Các học sinh được học tổng cộng 31 môn học, mô-đun.
"Nhà trường luôn có chủ trương đổi đẩy mạnh việc áp dụng phương pháp dạy học song hành lý thuyết trên lớp, thực hành tại trang trại; dạy học tích cực, tăng cường đối thoại với học sinh và thảo luận giữa các học sinh với nhau. Do đó, học sinh luôn có sự hào hứng học tập, tích cực suy nghĩ, chủ động sáng tạo hơn trong nghe giảng, thực hành, thực tập tay nghề" - bà Hương thông tin.
Sau 2 năm học, toàn khóa có 191 học sinh đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp; đỗ tốt nghiệp là 188 học sinh. Trong đó, loại giỏi có 36 học sinh chiếm tỷ lệ 19,1%, loại khá có 150 học sinh chiếm tỷ lệ 79,8 %.
Thay mặt Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN, ông Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Hội NDVN đánh giá cao những thành tích đạt được của Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Trong những năm qua, Hội NDVN rất quan tâm tới công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Ngoài chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đào tạo nghề sơ cấp, Hội còn chỉ đạo các đơn vị đào tạo dạy nghề trung cấp.
"Thời gian qua, việc đào tạo nghề của Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam đã được đổi mới theo yêu cầu của T.Ư Hội. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề theo địa chỉ đã phát huy tác dụng. Mục tiêu của lớp học đã đạt được – 100% học sinh đã có việc làm thu nhập ổn định" - Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Hội NDVN Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.
Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Hội NDVN Nguyễn Hồng Sơn cũng lưu ý Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam tiếp tục phối hợp với các đơn vị kết nối, hỗ trợ lao động sau học nghề về cả vốn, kỹ thuật, tạo đầu ra cho sản phẩm của lao động.
Trong những năm qua, Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam đã đào tạo được 604 lớp với tổng số 20.879 học viên, trong đó: đào tạo trình độ sơ cấp, dạy nghề thường xuyên được 579 lớp với tổng số 19.741 học viên; đào tạo hệ trung cấp được 25 lớp với 1.138 học sinh; tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp cho 792 học sinh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.