Trường tự xưng “Quốc tế” có đánh lừa phụ huynh không?

Bảo Yến Thứ bảy, ngày 10/08/2019 06:00 AM (GMT+7)
Từ sự việc bé trai 6 tuổi tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh của trường Phổ thông Liên cấp Quốc tế Gateway (Cầu Giấy - Hà Nội) dư luận đã không khỏi đặt ra nghi vấn về tiêu chuẩn của trường “quốc tế” hiện nay.
Bình luận 0

Ngày 6/8, một học sinh lớp 1 Trường Phổ thông Liên cấp Quốc tế Gateway bị bỏ quên trên xe buýt đưa đón học sinh dẫn tới tử vong gây chấn động dư luận. Từ sự việc này, dư luận đã không khỏi đặt ra nghi vấn về tiêu chuẩn của trường “quốc tế” hiện nay.

Trao đổi với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP Hà Nội khẳng định: “Nhà nước chưa có quy định về trường quốc tế và cũng không có văn bản hay tiêu chuẩn cụ thể nào cho những ngôi trường này. Theo Điều 48 Luật giáo dục 2005 không có khái niệm, quy định nào về trường quốc tế, theo đó cũng không có tiêu chuẩn cụ thể nào cho loại hình này”.

Theo luật sư, tiêu chuẩn của thế giới về trường quốc tế gồm 3 tiêu chí: Trường phải có cơ sở ở nhiều quốc gia khác nhau; phải sử dụng các ngôn ngữ quốc tế phổ biến như tiếng Anh, không sử dụng tiếng bản địa; phải đào tạo theo chương trình được nhiều nước công nhận, có thể học lên lớp cao hơn, hoặc thi vào đại học quốc tế.

img

Trường Phổ thông Liên cấp Quốc tế Gateway tại Cầu Giấy - Hà Nội.

“Hiện nay, các trường quốc tế hầu như được hoạt động dưới mô hình là các trường tư thục. Những trường này được gắn thêm tên “quốc tế” do có yếu tố nước ngoài; thường là có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc liên kết đào tạo với nước ngoài, hoặc cả hai. Tại Việt Nam, khái niệm trường quốc tế chưa có ranh giới rõ ràng. Muốn phân biệt trường quốc tế với các trường khác thì phân biệt theo chương trình giảng dạy và đối tượng học, vốn đầu tư” – luật sư cho biết.

Ngoài ra, Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục cho phép cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài dạy kết hợp cả chương trình Việt Nam và chương trình nước ngoài đảm bảo mục tiêu giáo dục Việt Nam, dạy tích hợp.

Song, điều kiện cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đối với dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục phổ thông phải theo quy định tiêu chuẩn được đề ra như: Mức vốn đầu tư, địa điểm, văn phòng, phòng học, chương trình học, giáo viên, học sinh…

Việc đặt tên trường pháp luật quy định như sau:

Đối với trường tiểu học: Trường tiểu học và tên riêng của trường (Điều 5 Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT).

Đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ: Trường trung học cơ sở (hoặc: trung học phổ thông; tiểu học và trung học cơ sở; trung học cơ sở và trung học phổ thông; tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; trung học phổ thông chuyên) + tên riêng của trường (Điều 5 Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT).

Đối với Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng; Tên riêng của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không được đặt trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đã đăng ký, với tên của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư; không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam (Điều 29 Nghị định số: 86/2018/NĐ-CP).

“Như vậy, pháp luật không có quy định về việc đặt tên “quốc tế” mà các trường đặt theo tên nước ngoài tự nhận là trường "quốc tế" chỉ nhằm mục đích để thu hút người học. Vì có thể chương trình dạy của họ có một số giáo viên nước ngoài và chương trình dạy có một phần dạy theo chương trình của nước ngoài.

Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway cũng như nhiều trường quốc tế khác trên cả nước chưa được pháp luật công nhận là trường quốc tế. Từ “quốc tế” chỉ được gắn vào tên trường như một tên riêng, nhằm thu hút tuyển sinh và khẳng định đẳng cấp của trường. Chỉ có một số ngôi trường đặc biệt được mở ra vì mục đích ngoại giao mới thực sự được công nhận là trường quốc tế tại Việt Nam.

Nếu là trường tư thục, không có vốn đầu tư nước ngoài hoặc không phải là trường ở nước ngoài mở tại Việt Nam nhưng vẫn sử dụng tên có từ “quốc tế” thì cách đặt tên này không sai vì không vi phạm thuần phong mỹ tục và có thể xem đây là tên riêng do trường lựa chọn” – Luật sư cho biết thêm.

“Trong trường hợp các trường học tư thục không có giáo trình nước ngoài, không có chương trình học của nước ngoài, không có giáo viên nước ngoài mà lại tự nhận là trường quốc tế để thu tiền cao hơn các trường tư thục khác thì hành vi này là gian dối trong lĩnh vực đào tạo, tùy vào tính chất mức độ có thể xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định trường học có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản có thể xử lý về hành vi lừa đảo hoặc lừa dối khách hàng theo quy định pháp luật. Trong trường hợp có đơn thư tố cáo, tố giác của người bị hại, cơ quan điều tra vào cuộc xác minh có hành vi gian dối trong quan hệ dân sự nhằm chiếm đoạt tài sản, giá trị tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên thì có thể xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Còn hành vi trong kinh doanh mà gian dối với khách hàng, chiếm đoạt tiền 5.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị xử lý về tội lừa dối khách hàng.

Tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017” - luật sư phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem