Truy thu và thu phí từng chữ ký số: Có khả thi?

Ngọc Phạm Thứ ba, ngày 02/05/2017 16:05 PM (GMT+7)
Bộ Tài chính đề nghị thu phí 3.000 đồng/chữ ký số/tháng từ ngày 1/1/2017 và truy thu cả trong quá khứ, trong khi Bộ Tư pháp kiến nghị xem xét lại quy định này.
Bình luận 0

img

Chữ ký số là một dạng dữ liệu mã hóa để phân biệt giữa các cá nhân, doanh nghiệp khi trao đổi tài liệu qua internet.

Liên quan đến Thông tư số 305/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017) quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số, ngày 13/4, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính xem xét lại thông tư này.

Theo đó, ngày 13/4/2017, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có công văn số 08/KL-KtraVB gửi Bộ Tài chính về kết luận kiểm tra Thông tư số 305/2016/TT-BTC. Trong công văn, Bộ Tư pháp đã chỉ rõ một số nội dung chưa phù hợp của thông tư nói trên.

Cụ thể, Điều 2 Thông tư số 305/2016/TT-BTC quy định: “Người nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số là các tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cho tổ chức, doanh nghiệp sử dụng theo quy định của pháp luật”.

Trong khi đó, theo Luật giao dịch điện tử và Nghị định số 26/2007/NĐ-CP, hiện nay, ngoài các tổ chức, doanh nghiệp đực cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (gọi tắt là doanh nghiệp CA), thì còn có các thuê bao (khách hàng của doanh nghiệp CA) cũng sử dụng dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số.

Ngoài ra, Điều 4 của Thông tư số 305/2016/TT-BTC quy định: “Mức thu phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số là 3.000 đồng/chữ ký số/tháng”. Điều này có nghĩa Thông tư số 305/2016/TT-BTC quy định thu phí đối với từng chữ kỹ số được ký trong một tháng kể từ ngày Thông tư 305/2016/TT-BTC có hiệu lực (ngày 1/1/2017).

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng, đúng ra đây được hiểu là “phí duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số” chứ không phải “chữ ký số”. Đồng thời, các doanh nghiệp CA chỉ cung cấp “chứng thư số” cho các thuê bao “tạo ra” chữ ký số phục vụ hoạt động giao dịch điện tử sử dụng chữ ký số.

Với mỗi chứng thư số, thuê bao có thể “tạo ra” nhiều chữ ký số nên rất khó xác định được số lượng chữ ký số do thuê bao ký hàng tháng. Vì vậy, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng, việc quy định về mức thu phí hàng tháng trên “chữ ký số” là không có cơ sở, không đảm bảo tính khả thi.

img

Sơ đồ minh họa quy trình sử dụng chữ ký số để kê thai thuế qua mạng internet.

Thêm nữa, qua nghiên cứu phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp CA và thực tế thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ chứng thực chữ ký số, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng, trước ngày 1/1/2017, việc “bán” dịch vụ chứng thực chữ ký số là giao dịch dân sự giữa các doanh nghiệp CA và khách hàng, theo đó các bên có thể thỏa thuận các hình thức thanh toán (trả trước một lần hoặc hàng tháng).

Do đó, dựa trên quy định của Điều 152 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Bộ Tư pháp cho rằng, quy định tại Khoản 2, Điều 7 Thông tư 305/2016/TT-BTC quy định “các doanh nghiệp CA phải nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống trạng thái chứng thư số đối với các chứng thư số được cấp trước ngày 1/1/2017” sẽ tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp.

Để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã kiến nghị Bộ Tài chính tổ chức xem xét, xử lý bãi bỏ những nội dung trái pháp luật tại Thông tư 305/2016/TT-BTC, thông báo kết quả xử lý văn bản cho Cục trước ngày 14/5/2017.

“Thông tư 305/2016/TT-BTC quy định không chỉ những các thuê bao từ ngày 1.1.2017 bắt buộc phải đóng phí, mà cả những giao dịch từ trước mốc này cũng bị truy thu. Với các thuê bao trước mốc 1.1.2017, thường thì họ đã đăng ký và đóng tiền cả gói 3 năm hoặc hơn (việc thanh toán đã hoàn thành, có hóa đơn chứng từ đầy đủ) nên để thực hiện theo đúng thông tư này, các doanh nghiệp CA phải tự thanh toán trước rồi tìm cách tính phí lại với khách hàng. Điều này là bất khả thi và tạo nhiều phức tạp khi mà thị trường đã có trên 600.000 thuê bao mua chứng thư số để tạo ra chữ ký số”, đại diện một doanh nghiệp CA chia sẻ.

Chữ ký số là công nghệ xác thực, đảm bảo anh ninh, an toàn cho giao dịch trên môi trường Internet. Chữ ký số giúp giải quyết vấn đề toàn vẹn dữ liệu và là bằng chứng chống chối bỏ trách nhiệm trên nội dung đã ký, giúp cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân yên tâm với các giao dịch điện tử của mình trong môi trường internet.

Việc ứng dụng chữ ký số đem lại cho doanh nghiệp, tổ chức rất nhiều lợi ích như tiết kiệm chi phí giấy tờ, thời gian luân chuyển trong hoạt động quản lý công văn, giấy tờ, thư điện tử; giúp đẩy nhanh các giao dịch qua mạng trong khi vẫn đảm bảo độ an toàn và bảo mật thông tin…

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hiện tại đã có 8 doanh nghiệp tại Việt Nam được cấp giấy phép Dịch vụ Chứng thực Chữ ký số công cộng, gồm: VNPT, Nacencomm, BKAV, Viettel, FPT, New-Telecom, SAFE và ViNa.

Cảnh báo ‘mượn’ chữ ký số để trốn thuế

Cục Hải quan TP vừa có thông báo các doanh nghiệp (DN) quản lý chặt chẽ chữ ký số của DN mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem