Truy tìm "quỹ đen" của hai cựu Tổng thống Hàn Quốc

Chủ nhật, ngày 23/06/2013 06:51 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lẽ ra sau thời gian nắm quyền lực, các tổng thống Hàn Quốc thường an nhàn hưởng đời hưu trí. Nhưng hai cựu tổng thống Roh Tae-woo và Chun Doo-hwan lại bị điều tra về chuyện lập “quỹ đen” khi họ đương quyền.
Bình luận 0

Báo Korea Times viết bình luận rằng cả hai ông đều là “những tên lừa đảo” không chịu nộp số tiền phạt vì tội tham nhũng suốt 26 năm nay.

img
Tướng Roh Tae-woo (trái) và tướng Chun Doo-hwan (phải) sau cuộc đảo chính

Lập “quỹ đen” còn khoe…

Văn phòng công tố tối cao Hàn Quốc (SPO) vừa mở cuộc điều tra, nhằm xác minh có phải cựu tài xế của cựu Tổng thống (TT) Roh thật sự là chủ nhân số tiền 3,35 tỷ won trong 9 tài khoản ở 5 ngân hàng hay không. SPO nói các nhà điều tra đã tìm thấy số tiền trên trong các tài khoản của cựu tài xế Jung, người chỉ hưởng mức lương 39 triệu won/năm, nên cuộc điều tra muốn làm sáng tỏ có phải số tiền ấy là từ “quỹ đen” của Roh.

Cuộc điều tra này được tổ chức tiếp sau việc Cục Thuế quốc gia (NTS) hồi năm ngoái điều tra về khoản thu nhập có thể đánh thuế của công ty sản xuất tủ lạnh Aurora CS do em trai của Roh làm chủ, và đã tìm thấy nhiều tài khoản được mở bằng cách mượn tên của nhiều người khác.

NTS nói 78% các tài khoản này do Jung đứng tên, một lượng tiền lớn được chuyển khoản vào các tài khoản này từ đầu năm 2005 rồi rút tiền lãi cho đến tháng 10-2009. Tay tài xế này được cho là làm việc cho Aurora CS từ năm 1998 đến năm 2011, nhưng thật ra là tài xế riêng của vị cựu TT. Vì thế, SPO nghi đó là tiền từ “quỹ đen” của Roh, nhưng ông chối, nói ông không hề dính líu số tiền ấy và không biết chúng từ đâu ra.

Hồi năm 1997, Tòa án tối cao Hàn buộc tội Roh có vai trò trong cuộc đảo chính quân sự năm 1979 (ám sát TT Park Chung-hee và tướng Chun Doo-hwan lên nắm quyền lực) và Roh còn nhận hối lộ của những doanh nhân Hàn. Roh bị tuyên án 12 năm tù và phải nộp phạt 262,8 tỷ won (233,7 triệu USD). Dù được ân xá hồi tháng 12-1997, Roh vẫn phải nộp số tiền này và trong 15 năm qua ông đã nộp phạt được 91%. Thời hạn chót trả dứt nợ phạt của Roh là ngày 10.11.2013 và hiện Roh vẫn còn nợ 23,1 tỷ won (20,5 triệu USD).

Thông tin khác nêu số tiền phạt là 300 tỷ won, tương ứng với “lời khai” của Roh trong cuốn “Hồi ký của Roh Tae-woo: quỹ chính trị và tôi”, Roh khoe từng tặng 300 tỷ won cho ứng cử viên TT Kim Young-sam trong kỳ bầu cử năm 1992 (người trở thành TT Hàn thứ 14). Roh cũng thú nhận đã chi 200 tỷ won để ông tranh cử TT năm 1987, trong đó có 140 tỷ won do tiền nhiệm Chun đưa, và 50 tỷ won từ Đảng Dân chủ tự do của ông. Roh cũng thừa nhận có lập quỹ đen hàng trăm tỷ won, ngay cả sau khi ông ta mãn nhiệm (từ 1988 - 1992.

img
Một thiếu nữ chụp tấm giấy tố cáo Chun Doo-hwan nợ tiền phạt cạnh ảnh ông hầu tòa

… Rồi đòi tiền sui gia

Năm 2001, khi Bộ Tư pháp làm đơn kiện để đòi món tiền phạt của Roh, Tòa án tối cao nói 12 tỷ won (10,4 triệu USD) trong “quỹ đen” của Roh do người em trai Roh Jae-woo kiểm soát, và 23 tỷ won (20 triệu USD) do Shin Myoung-soo kiểm soát. Sin là cựu chủ tịch tập đoàn ShinDongBang và từng là cha vợ của con trai của Roh. SPO đã thu hồi được 5,2 tỷ won từ Roh “em” và 5,1 tỷ won từ Shin.

Vài năm gần đây, Roh cũng đề nghị SPO mở cuộc điều tra đối với cựu sui gia Shin xài tiền “quỹ đen” mà không có sự đồng ý của ông tức phạm tội lạm dụng tín nhiệm. Theo đơn tố cáo, Roh muốn thu hồi số tiền để nộp lại khoản tiền ông nợ quốc gia, và nói Shin trong nhiều năm đã “kiếm lãi khẳm”, nên ông đòi Shin phải trả lại vốn và lãi.

Đêm thứ năm qua, vợ Roh là Kim Ok-sook 78 tuổi viết thư “xin” Công tố viên trưởng Chae Dong-wook giúp chồng bà thu hồi số “quỹ đen” mà Shin và em của Roh đang giữ để chồng bà có tiền nộp phạt cho chính phủ. Bà nói Roh đã 81, tuổi cao sức yếu từ năm 2007 nên rất vất vả trả nợ phạt. Bà cho biết đã kiện Roh “em” và Shin để “thu hồi vốn” nhưng bị xử thua, nên “chúng tôi sẽ không đóng một xu nào từ quỹ ấy nếu ngành công tố quyết định tịch thu”.

Quyết định khai báo muộn về khoản “quỹ đen” của Roh sau nhiều năm rõ ràng có liên quan vụ ly dị của con trai ông với con gái của Shin. Cặp này thành vợ chồng năm 1990 nhưng sau đó làm đơn ly dị ở Hong Kong và Seoul. Đảng Dân chủ thống nhất (DUP, đối lập) từng không bằng lòng chuyện Roh tố cáo bên sui gia.

Họ đòi ông phải giải thích số tiền ấy từ đâu ra: “Chúng tôi bị bất ngờ khi Roh trơ trẽn đòi điều tra quỹ đen của ông ta”. Hiện SPO nghi ngờ Roh có thể có tới 9 tỷ won (8 triệu USD) tiền mặt trong các tài khoản ngân hàng do người khác đứng tên, và một ngôi nhà hạng sang ở tỉnh Gangwong do con trai Roh Jae-hyun của Roh cùng với vợ cũ của cậu và 2 người khác đứng tên.

Roh “con” cũng làm chủ căn nhà của cha ở Seoul (trị giá 3 tỷ won) từ năm 2000 và căn hộ ở Daegu (trị giá 300 triệu won) từ năm 1999. Theo thông tin của SPO, Roh “em” 79 tuổi đã chuyển quyền sở hữu nhà cho cháu trai chứ không bán, vì Roh “anh” đưa tiền cho em mua và lệnh cho em sau khi mua xong thì chuyển cho cháu làm chủ.

img
“Cậu cả” Chun Jae-kook

Mang tội phản quốc

Roh từng là “trợ lý thân cận” của tướng Chun khi họ cùng đi lính và sau này Roh giúp Chun làm TT sau cuộc đảo chính quân sự năm 1979 lật đổ TT Park Chung-hee, cha của nữ đương kim TT Park Geun-hee, người quyết tâm đòi bằng được “quỹ đen” của Chun và Roh bằng cách chỉ đạo lập đội điều tra liên ngành từ SPO với NTS. Bà Park “phê bình” các chính phủ trước thiếu quyết tâm phát hiện-thu hồi tài sản che giấu của Chun.

Trong 8 năm Chun làm TT (1980-1988) và trong 5 năm Roh làm TT, họ đàn áp các phong trào đòi dân chủ, gồm vụ đàn áp ở Gwangju năm 1980 khiến hàng trăm người dân bị quân đội giết. Nhưng vì cuộc đảo chính, cả hai ông đều bị buộc tội phản quốc, giết người và nhận hối lộ, Chun bị tuyên án tử hình nhưng 8 tháng sau, TT Kim Young-sam ra lệnh đặc xá, tha mạng cho Chun khiến người dân phẫn nộ. Bộ Cựu chiến binh Hàn sau này tuyên bố hai cựu TT Roh - Chun khi nào qua đời sẽ không được chôn cất tại nghĩa trang quốc gia, do có quy định mới từ tháng 7.2012: cấm chôn bất kỳ người nào mang tội phản quốc ở nghĩa trang này.

“Nhà nghèo, sống nhờ anh em”

Khi bị tuyên án tù, Chun cũng bị buộc nộp phạt 220,5 tỷ won (194 triệu USD) vì làm giàu bằng nhiều trò trái phép, gồm nhận hối lộ. Nhưng ông ta chỉ mới nộp chưa tới 25% số tiền phạt, còn thiếu nợ phạt 167,2 tỷ won. Năm 2004, Chun bị “dân chửi” vì từ chối nộp phạt với lý do cả gia đình chỉ có 290.000 won (280USD) trong tài khoản ngân hàng, dù ông và gia đình sống xa hoa, 4 người con có số vốn hơn 100 tỷ won.

“Cậu cả” Chun Jae-kook có khoảng 30 tỷ won và nhà cửa làm chủ một công ty in ấn ở Seoul, cậu em Chun Jae-yong (ly dị vợ đầu để cưới một em diễn viên) có nhiều nhà và mở công ty kinh doanh nhà đất. Năm 2005, SPO phát hiện Chun “cha” có nhà to ở phía nam Seoul và tịch thu. Ông ta còn bị phát hiện thường xuyên ra nước ngoài chơi golf, cháu gái mở tiệc cưới hạng sang tại một khách sạn 5 sao. Vợ chồng Chun nói họ “sống khỏe” là nhờ anh em “chiến hữu” giúp đỡ.

Thời hạn chót để Chun nộp hết tiền phạt lẽ ra là ngày 16.4.2000 nhưng được gia hạn nhiều lần, gần nhất là hết ngày 10.10.2013. Năm 2010, Chun mới “ho” ra 3 triệu won là “thù lao” từ một cuộc diễn thuyết, nhưng số tiền ít ỏi này bị cho là để ngăn chặn chính quyền tịch thu tài sản của ông.

Khoản nộp này còn có thể do ngành công tố ép Chun, do họ bị người dân chỉ trích không tích cực thu hồi tiền hối lộ, tạo điều kiện cho Chun “câu giờ” để không bị kê biên nhà cửa: Hàn có luật rằng nếu người bị buộc nộp phạt chỉ nộp một phần nhỏ trước hạn chót, thì hạn chót sẽ được gia hạn lên vài năm. Năm 2010, dù Chun đã nhắc nhở “nên kềm chế”, bà vợ Lee vẫn tuyên bố trước nhà báo: vợ chồng bà sẽ không nộp một xu nào, vì đó là tiền đóng góp tranh cử tặng cho chồng bà. Khi được hỏi liệu con cái và người thân đều giàu có có thể nộp phạt thay, bà Lee đáp: “Ở đất nước này, mỗi người phải tự lãnh trách nhiệm, không có chuyện tập thể gánh thay”.

Theo tố cáo mới nhất của Đảng Dân chủ đối lập (DP), tổng quỹ đen của Chun là 922 tỷ won (829 triệu USD). Họ tính: Chun chiếm đoạt 100 tỷ won của Nhà Xanh khi mãn nhiệm, bị nghi nhận thêm 500 tỷ won tiền hối lộ của 30 lãnh đạo các tập đoàn. 330 tỷ won còn lại được giấu bằng nhà cửa và chia cho người trong nhà gồm 3 cậu con.

Phát hiện mới nhất là của Trung tâm nhà báo điều tra Hàn (KCIJ): “cậu ấm” đầu lòng Chun Jae-kook lập một công ty “ảo” Blue Adonis tại “thiên đường thuế” British Virgin Islands ngày 28.7.2004 với số vốn 50.000USD, sau đó “cậu” đăng ký” làm “giám đốc và cổ đông độc quyền” từ ngày 13.8.2004. Đó cũng là thời điểm ngành công tố điều tra vụ trốn thuế 7,1 tỷ won (6,28 triệu USD) của em "cậu” là Chun Jae-yong sau khi thừa hưởng một khoản tiền 16,7 tỷ won của cha và ông nội. Từ số tiền thừa hưởng ấy, sau này SPO phát hiện 7,3 tỷ won là từ “quỹ đen” của Chun “cha”.

Vì thế, SPO nghi “cậu ấm” Chun rửa tiền và trốn thuế. “Cậu” giải thích hoạt động của công ty không liên quan ông bố và không nhằm trốn thuế hoặc tẩu tán tài sản”. Cậu” nói khi chấm dứt việc học ở Mỹ năm 1989, cậu lập công ty “vỏ bọc” để chuyển số tiền học bổng còn thừa vào một tài khoản ngân hàng (do “cậu” lập ngày 22.9.2004) để chi tiêu ở Singapore theo yêu cầu của một ngân hàng Trung Đông ở Singapore: “Tôi không bao giờ đem tài sản của mình ở Hàn ra nước ngoài, và tôi hiện không có vốn liếng tài chính ở nước ngoài”. Nhưng cậu không giải thích chi tiết về nguồn gốc học bổng, tiền chi tiêu, và số tiền học bổng còn thừa là bao nhiêu.

Có nên “xử phạt lùi”?

Từ phát hiện của KCIJ, các nghị sĩ DP trình nhiều dự luật lên Quốc hội Hàn để sửa đổi luật đặc biệt để “trị tội” các công bộc: nếu được thông qua, chính phủ sẽ có quyền kê biên tài sản của con cái và người thân của phạm nhân, nếu có chứng cứ cho biết rõ nguồn gốc phi pháp của số tài sản. Và nếu phạm nhân vẫn chưa nộp đủ số tiền phạt, người ấy sẽ bị bắt lao động cải tạo. Luật cũng muốn tăng thời gian kê biên tài sản từ 3 năm hiện nay lên 10 năm.

Nhưng Đảng Saenuri cầm quyền của bà Park dù ủng hộ đề xuất gia hạn thời gian kê biên, cũng vẫn phản đối chuyện cải tạo lao động và “xử lý” người thân của tội phạm. Cựu thẩm phán Kim Gi-hyeon “hoan nghênh” dự thảo luật nhằm truy tài sản che giấu của Chun và thu hồi, nhưng nói DP toan sửa luật để “xử lùi” Chun là không thể: Hiến pháp không cho phép chuyện tịch thu tài sản của người thân của phạm nhân.

DP liền đáp: họ “bị choáng” vì đảng cầm quyền phản ứng theo hướng bảo vệ Chun. Họ nói “xử lùi” không trái luật vì đã có tiền lệ trong quá khứ, như tịch thu tài sản của “bọn cộng tác với quân phiệt Nhật” trong nhiều năm sau khi thời hạn cho phép việc kê biên này đã hết. Họ còn nói “truy thu” tài sản của người thân của Chun là không vi hiến, vì tiền đó là “tài sản ăn cắp”. Họ nói NTS và SPO nên ráng trong vài tháng nữa hoàn thành nhiệm vụ truy thu số tiền phạt và tài sản che giấu của Chun và Roh. DUP yêu cầu SPO phải làm rõ về nguồn gốc số tiền “cậu” Chun lập công ty “ảo”.

Khi “quan hết thời”

Năm 2010, Chun cùng vợ Lee Soon-ja tham dự một cuộc duyệt binh ở một trường thiếu sinh quân. Họ giơ tay chào ông và ông cũng đứng nghiêm chào lại. Chun từng học ở trường này, đến dự lễ mừng quyên được 20 tỷ won (17 triệu USD) cho trường. Vụ chào khiến địa chỉ mạng của trường thiếu sinh quân bị “đánh sập” tạm thời, sau khi bị quá tải vì những chỉ trích. Bộ Quốc phòng Hàn phải lên tiếng: “đừng làm nóng vấn đề” khi đòi Bộ trưởng QP từ chức, và động tác chào của các thiếu sinh quân “không trực tiếp tôn vinh ai”.

Từ ngày 30.4.2012, Tòa thị chính Seoul cũng chấm dứt cho cảnh sát mượn một ngôi nhà của chính quyền để cảnh sát ở khi làm nhiệm vụ canh gác nhà riêng của Chun. Họ nói sẽ không cho ai “ở chùa” nữa và phải trả lại đúng công năng là một xưởng vẽ cho các họa sĩ thuê. Theo luật, lực lượng an ninh TT sẽ bảo vệ các cựu TT trong 10 năm sau khi họ mãn nhiệm. Hết 10 năm, cảnh sát sẽ phụ trách bảo vệ và phải trả lương cho lính gác. Trong 5 năm qua, cảnh sát tốn 850 triệu won/năm để bảo vệ Chun.

Quyết định của chính quyền Seoul được người dân hoan nghênh: “Không thể lãng phí hàng trăm triệu won từ tiền dân đóng thuế cho Chun, người chẳng biết xấu hổ về những hành vi sai trái của mình”.

Cuộc đảo chính quân sự ngày 12.12.1979 đưa tướng Chun lên nắm quyền lực được xem là sự khởi đầu cho quá trình tiến lên dân chủ tại Hàn, mới nhất là việc bà Park trở thành nữ TT đầu tiên.

Bà Park là TT thứ 11 từ khi Cộng hòa Hàn Quốc được thành lập 3 năm sau khi thoát ách đô hộ của Nhật hồi năm 1945. TT đầu tiên là Rhee Syngman sau một cuộc bầu cử gián tiếp tại quốc hội. Ông có nhiệm kỳ 2 (4 năm) và giữa nhiệm kỳ thì đổi hiến pháp để ông có thêm nhiệm kỳ ba, tổng cộng 12 năm làm TT trước khi bị cuộc nổi dậy tháng 4-1960 lật đổ.

Sau một thời gian ngắn áp dụng hệ thống chính phủ điều hành quốc gia trong sự giám sát của quốc hội (TT chỉ là chức vụ danh dự), tướng Park Chung-hee (bố bà Park) làm đảo chính năm 1961 để làm TT. Ông cũng đổi hiến pháp để có thể tái tranh cử sau hơn 3 nhiệm kỳ.

Chun điều hành Hàn bằng bàn tay sắt trước khi rút lui năm 1988 do bị ép từ chức từ tháng 7.1987. Lại đổi hiến pháp vốn quy định mỗi TT chỉ có một nhiệm kỳ 5 năm, không được tìm kiếm nhiệm kỳ hai. Trong cuộc bầu cử tự do năm 1987, chức TT lại thuộc về cựu tướng Roh Tae-woo do được Chun chọn kế nhiệm. Nhiệm kỳ 5 năm của Roh mở đường cho người vận động dân chủ Kim Young-sam.

Thay Kim là nhà dân chủ Kim Dae-jung đoạt giải Nobel Hòa bình 2000 vì chủ trương làm ấm quan hệ với CHDCND Triều Tiên. Thay ông là Roh Moo-hyun, người sau khi mãn nhiệm đã tự tử vì vợ con mang tiếng tham nhũng.

 Lee Myung-bak giao chức cho bà Park từ ngày 24.2.2013. Một nhiệm kỳ 5 năm nhằm chống tham vọng làm độc tài, nhưng một số chuyên gia nói hệ thống này khiến bất kỳ TT nào cũng lâm cảnh buồn nản khi mãn nhiệm, chính phủ cũng không thể theo đuổi các chủ trương dài hơi, và không cho phép cử tri đánh giá đầy đủ các thành tựu của TT thông qua biện pháp tái tranh cử. Từ đó, họ gợi ý áp dụng hệ thống 2 nhiệm kỳ (mỗi lần 4 năm). Bà Park đã hứa nếu trúng cử sẽ thúc đẩy hệ thống này.

Theo Thế giới & Hội nhập

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem