Truyện cổ tích “cha muốn cưới con”: Phụ huynh nên bình tĩnh

An Du Thứ tư, ngày 20/05/2015 17:11 PM (GMT+7)
Cuốn truyện cổ tích “Các nàng công chúa chăm chỉ, dũng cảm” có chi tiết “cha muốn cưới con” do phụ huynh phản ánh đến báo điện tử Dân Việt hiện đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều. PV đã có những trao đổi với nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân trước thông tin này.
Bình luận 0

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng, trong trường hợp này cần làm rõ hai vấn đề.

Thứ nhất, nếu truyện cổ tích này là truyện cổ tích như nó vốn có thì cần kiểm tra lại xem nguyên bản của nước ngoài có đúng như các tình tiết đã dịch hay không.

img
Bìa cuốn truyện cổ tích gây xôn xao

Thứ hai là vấn đề về biên dịch và xuất bản trong loại cổ tích cho thiếu nhi thì những đề tài "nhạy cảm" (liên quan đến lịch sử, tiến hóa các tộc người về hôn nhân chẳng hạn) được giới hạn đến đâu.

“Đây là lựa chọn của những người biên dịch và của nhà xuất bản”, ông Ân khẳng định.

Về khía cạnh hôn nhân trong câu chuyện “cha muốn cưới con” được đề cập đến, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho biết, truyện cổ tích xuất hiện từ xa xưa, cho nên, tương ứng với trạng thái hôn nhân của các tộc người, thì rất có thể trong đó trạng thái hôn nhân không giống như ngày nay. 

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân giải thích: “Hôn nhân loài người đi từ bầy đàn đến các dạng nội tộc hôn, ngoại tộc hôn... chứ không lập tức đi tới dạng một vợ một chồng như trạng thái hiện nay ở các dân tộc văn minh. 

Các tộc người sống hoang dã tuy bây giờ ít thấy nhưng trên thế giới vẫn chưa hết. Họ, có chỗ vẫn sống theo bầy đàn, nhiều chỗ vẫn theo hôn nhân cận huyết, rồi có chỗ là mẫu hệ, có chỗ theo phụ hệ...

Cũng chỉ tương đối gần đây y học mới đi tới kết luận hôn nhân cận huyết sẽ mang lại nhiều nguy cơ tai hại về di truyền, đứa con sinh ra do hôn nhân cận huyết dễ bị thiểu năng hoặc tiềm ẩn các yếu tố thoái hóa khác, do vậy càng thêm lý do để ngăn hôn nhân cận huyết, nhưng đấy là nhân danh khoa học chứ chưa tính đến tập quán cư dân.  

img
Chi tiết "cha cưới con" trong cuốn truyện được nhiều người cho là loạn luân và không phù hợp

Khi còn trong hôn nhân bầy đàn, thì loạn luân là trạng thái bình thường, và khi đó người ta chưa có ý niệm loại tính giao ấy là loạn luân.

Trong các nền văn hóa các tộc người, người ta đều thấy có xu hướng cấm loạn luân, điều này cho thấy các tộc người đều biết có quá khứ xa xôi ấy (từng loạn luân, từng chấp nhận loạn luân) và đề ra các răn cấm. 

Còn các dạng thức nội tộc hôn và ngoại tộc hôn thì các nhà nghiên cứu mô tả khái quát là: nội tộc hôn là hôn nhân trong nội bộ bộ tộc, bộ lạc; ngược lại, ngoại tộc hôn là hôn nhân giữa người bộ tộc này với người bộ tộc khác. 

Hai thứ hôn nhân, nội tộc hôn và ngoại tộc hôn ấy, đương nhiên cũng nhiều khi chống đối nhau”.

Đồng thời, ông Ân cũng chia sẻ: “Tôi đã đọc một nghiên cứu, không còn nhớ của tác giả nào, cho rằng: dạng thức người cha đòi cưới con gái - chính là biểu hiện cực đoan của nội tộc hôn chống ngoại tộc hôn. 

Vậy là,  motif cổ tích kể trên, cần được hiểu như biểu hiện của xu hướng lựa chọn dạng thức hôn nhân của cộng đồng người, giữa nội tộc hôn (hôn nhân bên trong bộ tộc) và ngoại tộc hôn (hôn nhân giữa người bộ tộc này với người của bộ tộc khác).

Chỉ nên hiểu thế thôi, chứ truyện cổ tích không phải kiểu truyện "tả thực" hiện đại!”.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đưa ra lời khuyên: “Đối với vị phụ huynh "tá hỏa" khi thấy đã mua phải cuốn sách có truyện cổ tích với các tình tiết trên, tôi nghĩ nên bình tĩnh, và sau khi biết sơ sơ như vừa giải thích thì vị ấy có thể giải thích lại cho các cháu. Có thể đây là ngẫu nhiên cháu bé "bị" biết sớm một trong rất nhiều bí ẩn của cuộc sống con người trên mặt đất này".

“Hơi sớm nhưng không thừa. Và cũng không đến nỗi nguy hại lắm đâu”, ông Ân nói thêm.

Ngoài cuốn do NXB Văn học liên kết với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ văn hóa Đinh Tị xuất bản, phát hành, trong một phiên bản khác của cuốn này có ghi do công ty Đinh Tị liên kết với NXB Hồng Bàng.

Bà Trần Hải Ngọc - Phó Giám đốc công ty Đinh Tị - xác nhận cuốn sách đúng là do đơn vị này mua bản quyền và phát hành tại Việt Nam. Theo bà Ngọc, truyện Công chúa Tóc Vàng không phản cảm vì kết thúc câu chuyện, quốc vương đã nhận ra sai lầm của mình và mong công chúa tha thứ. "Ngay trong bản thân câu chuyện, chi tiết 'quốc vương muốn lấy công chúa' đã bị phủ định. Người cha sau đó đã xin con tha thứ. Nhìn vào tổng thể nội dung của câu chuyện thì rõ ràng thông điệp cuối cùng hướng đến là một vấn đề hoàn toàn khác", bà Ngọc nói.

Theo Vnexpress

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem