Truyện dự thi: Giã từ nông dân

Phạm Đức Long Chủ nhật, ngày 27/09/2020 16:00 PM (GMT+7)
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" của tác giả Phạm Đức Long (Gia Lai).
Bình luận 0

Trong lúc cả làng này hân hoan hơ hớ, hắn không biết nên buồn hay vui nữa. Vào ra cứ ngơ ngẩn, như rớt như mất cái gì...! Âu con người cứ phải theo thời cuộc. Người ta sống được mình sống được! Nghĩ vậy mà hắn vẫn mơ mơ...

Hắn là một nông dân thực thụ. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nhưng siêng năng chịu khó. Hắn ít học, mà sáng dạ. Làm cái gì cũng có mẹo mực và khôn vặt. Hầu như việc gì, nhìn qua hắn cũng đều làm được. Người đời bảo hắn khéo tay. Lại lắp xắp suốt ngày, chẳng mấy khi ngưng nghỉ. Càng làm hắn càng vui càng sướng, nhất là thứ công việc tự nghĩ ra chẳng giống ai. Cái dáng rong rong lại ngăm ngăm, đôi bàn tay gầy guộc khẳng khiu mà lanh lợi tháo vát. Hắn làm bằng mẹo nhiều hơn dùng sức. Trồng cây, người ta lo vét sạch gốc tránh bệnh. Là kỹ sư trồng trọt dạy thế. Hắn không nghe. Ai cũng bảo ngược đời. Hắn làm ngược. Trồng cà phê xen cây ăn trái, ngày ngày cứ tha rác rưởi về chất cho đầy vườn. Bãi hoang nào có nhiều cây cỏ dại, hắn hùng hục đê mê như nhặt được của trời, cắt trụi rải khắp vườn, dày lớp lớp. Hắn bảo không bổ ngang thì bổ dọc. Kiểu gì cũng tốt. Mà tốt thật. Vườn nhà hắn mùa mưa không có một mống cây dại. Đỡ công làm cỏ. Không phải phun thuốc cỏ tốn kém và độc hại. Mà lá cây mục, đất xốp, cây lại tốt cho mùa bội thu. Hắn lý luận: Trong rừng đại ngàn, ai bón phân, ai làm cỏ. Mà cây gì tốt bằng rừng, lại giữ đất không bị rửa trôi xói mòn. Ấy là nhờ lá mục nuôi đất nuôi cây. Mà đúng thế. Phủ lá cây một công đôi ba lợi ích.

Người sinh đất chẳng sinh. Vùng cư trú của hắn rồi cũng đâm ra chật chội. Đến lúc người ta phải chia nhỏ những mảnh vườn thành đất cư trú cho con cho cháu. Nghĩa là vườn đất ngày càng thu hẹp mà quy mô sản xuất, quy mô thu nhập theo yêu cầu đời sống thì ngược lại ngày càng phải lớn hơn. Biết trước xu hướng tất yếu ấy, hắn chuyển sang nghề chăn nuôi, là nghề cần ít đất hơn.

Giã từ nông dân - Ảnh 1.

Nhà gần chợ huyện, hắn thấy người ta thường bán như cho bỏ đi những đầu cá, tép ôi, cá vụn... Có nhà làm nghề chả cá, hàng ngày thẩy ra hàng chục ký đầu cá, da cá, xương cá. Đó là nguồn thức ăn bổ rẻ vô tận cho vật nuôi. Ông kỹ sư chăn nuôi bảo hai ký cá cho một ký thịt. Ôi đúng là dân ngu. Hắn nghĩ vậy. Hai ký loại hai ngàn thành một ký loại ba mươi ngàn. Kiểu gì cũng thắng lớn.

Mà hắn thắng lớn thật. Giá nào cũng thắng. Hắn cứ mua phụ phẩm về nấu chín cho thêm chút cám thành thức ăn chăn nuôi ngon bổ rẻ. Đàn heo đàn gà nhà hắn nhờ thứ thức ăn ấy lớn nhanh, đẻ khỏe. Dân ăn quen mồm ai cũng thích trứng gà nhà hắn, lòng đỏ lớn lại hồng hào, ăn bùi ngậy hết chê. Thịt gà nhà hắn thì khỏi phải nói, vàng, dai, thơm ngọt.

- Em dặn trước trăm trứng nhá. Đừng để cho ai, thứ Bảy em lấy! Mà thêm cho cặp gà dò nữa cho bõ công!-Mẹ hàng xóm ăn quen rồi như nghiện, còn đóng thùng gửi cả thịt trứng cho con bé ở thành phố Hồ Chí Minh.

- Yên tâm mà! Gà và trứng thì đây không thiếu! Hơn nhau là cái ngon mà rẻ! - Hắn sung sướng nhìn đàn gà lúc nhúc đặc vườn mà cam kết chắc nịch với khách mua.

Hắn dẹp một góc vườn kết hợp làm vừa chuồng gà, vừa chuồng heo. Trong chuồng lúc nào cũng có sẵn chục con heo nái, đẻ ra bao nhiêu để nuôi hết bấy nhiêu. Heo thịt của hắn không cần phải đi nhập. Những hộ mổ thịt bán đường phố trên tỉnh với thương hiệu heo làng, ngày nào cũng điện đặt hàng dặn dành cho vài ba con. Thịt heo ấy được khen chắc nịch, thớ thịt hồng tươi, thành cao và thơm ngon. Đúng thôi, heo hữu cơ nuôi quy mô lớn mà lị!

Nói mạnh thế, nhưng khi quy mô đàn đạt đến mức độ nhất định, buộc vẫn phải tính. Là hắn lại nghĩ kế. Phải cải tiến để dự trữ, phòng khi mưa gió, hiếm phụ phẩm, mà tiện trăm bề trong bảo quản và sử dụng. Các nhà máy công nghiệp họ có thức ăn tổng hợp đó thôi! Nghĩ là làm. Hắn bắt đầu đăm chiêu suy nghĩ. Cắm cúi vẽ. Cắm cúi cắt, hàn, mài...

Để thực hiện được công trình, hắn đi thu lượm rất nhiều thứ ở các tiệm lạc xoong. Những thứ đã là sắt vụn, đã là vô dụng. Ốc vít, bánh răng sắt truyền lực, cua roa, dây xích... chất đầy nhà. Rồi hắn sắm đủ máy cưa, máy khoan, máy cắt, máy mài, máy hàn điện tử loại nhỏ... Nhà hắn vừa như cái kho, lại vừa như một công xưởng mini. Suốt ngày xoèn xoẹt, lóc cóc.

- Ông điên rồi. Khuya để cho người ta nghỉ chứ! - Vợ hắn cằn nhằn.

- Ở cái xứ này ai nghe mà lo! - Hắn chống chế.

- Ai cấm ông làm ngày. Sao lại hành xác suốt đêm.

- À là đêm yên tĩnh mới xuất ý tưởng! Đêm nó huyền diệu, mới có ý tưởng hay.

Đang đêm, hắn chợt nghĩ ra một ý tưởng, choàng bật dậy, cắt mài o o thâu đêm.

Một ngày hắn sung sướng cho ra đời đứa con sáng tạo của mình. Là cái máy thái nghiền nén tự chế. Cái máy của hắn chạy bằng điện. Đa chức năng, cắt thái nghiền đùn ép. Có thể nói đó là một tổ hợp máy liên hợp. Hắn dùng một động cơ điện kéo cả hệ thống. Cái dao là máy công cụ đầu tiên. Dao gồm hai lưỡi hình cánh quạt uốn cong lượn đều, đối xứng. Trục dao được gắn ốc vít điều khiển vô ra tạo nhát cắt dày mỏng tùy theo nguyên liệu cho phù hợp. Bộ phận nghiền là tổ hợp các búa sắt lá li tâm. Bộ phận tải là một trục sắt xoắn ruột gà. Bộ phận nén gồm một máy ép, có lỗ đùn ra những viên cám. Tốc độ của các bộ phận được điều chỉnh theo vận tốc góc bằng hệ thống bánh răng, bu li, cua roa. Để giảm tốc độ giữa động cơ điện và các máy công cụ, đặc biệt là máy nén ép, hắn tự chế bu li điều tốc. Theo tính toán của hắn thì bánh xoay cua roa máy ép có đường kính gấp mười lần bánh xoay cua roa động cơ điện (gọi theo từ kỹ thuật là bu li). Như vậy tốc độ chuyển sang máy ép nén chậm hàng chục lần nhưng sức mạnh tăng lên hàng chục lần. Đó có thể nói là một cái máy độc bản, độc nhất vô nhị.

Những mẻ thức ăn nén viên đầu tiên ra đời đã cho hắn một niềm vui khôn tả. Đang đêm, tỉnh giấc, hắn lẳng lặng ra nia thức ăn vốc lên một nắm. Hít ngửi sung sướng. Hắn cười thầm trong đêm một cách mãn nguyện trước khi vào giường ngủ tiếp.

Về sau hắn nghĩ, những con vật nuôi phải có chất xơ chất xanh thực vật, tiêu hóa mới dễ, hương vị thịt trứng mới ngon. Nhược điểm của thức ăn tổng hợp công nghiệp có lẽ là vậy. Thịt của bọn nuôi công nghiệp bở mà không thơm, là không muốn nói hôi. Chẳng gì bằng được tự nhiên. Nghĩ vậy hắn đi xin cây chuối già trong xóm, rồi cắt cỏ Mỹ, dùng máy thái mỏng đánh nghiền mịn. Hắn phơi cây chuối thái, cỏ thái hai nắng cho héo xọp làm nguyên liệu nghiền trộn nén thức ăn tổng hợp. Cứ ba phần nguyên liệu cá phế phẩm tươi, ba phần bột cỏ bột cây chuối, bốn phần bột cám ngô trộn đều cho vào máy. Đầu ra là cám viên tổng hợp tự chế. Phơi ba nắng đóng bao cho lợn gà ăn dần. Mà vật nuôi chúa thích ăn cám tự chế của hắn. Lại mau lớn. Trứng thịt lại thơm ngon. Cao hứng, hắn tự thưởng cho mình những quả trứng, những đĩa thịt gà thơm ngọt, đôi li rượu thuốc, đời coi như lên tiên.

Hắn yêu cái máy!

Hắn yêu heo gà!

Hắn yêu chuồng trại!

Người làng cứ quen mồm gọi thứ thức ăn tự chế của hắn là "cám tổng hợp made in nông hộ".

Được khen hắn cũng vui, nhưng hỏi mua hắn không bán.

* * *

Đang làm ăn phát đạt thì huyện trở thành thị xã, khu dân cư của hắn lại trực thuộc thị xã ấy. Ban đầu là vùng ven, sau dần thành nội ô. Đường giao thông được mở rộng, rải nhựa. Đường điện được dựng cột lớn, mắc đèn đường. Thế là làng hóa phố!Lại sốt đất. Cò đất không biết từ đâu cứ nườm nượp lượn qua lượn lại. Chúng tụ tập ở mấy quán cà phê xóm tán chuyện, nắm thông tin rồi đi gạ gẫm người có nhiều đất. Khách tới làng bỗng dưng nhộn nhịp nhốn nháo. Người mua heo gà, cà phê thì ít, người tăm đất cát thì nhiều. Nhà nông bao đời không ai biết đến tiền tỷ. Thế là chuyển từ giấc mơ thành hiện thực. Đời biết thế nào, cứ cầm đồng tiền lớn cho mát ruột đã.

Có kẻ mua đi bán lại. Có người mua cho con tách hộ ở riêng. Xôm nhất là những hộ buôn bán giàu có, ném nắm tiền mua sào đất lập cái biệt thự rộng rênh sang trọng nghỉ ngơi cho sướng đời!

Người dân tộc thiểu số tỏ ra hào phóng nhất. Xưa nay có hàng kẹo hàng bánh đi qua nhà, thấy con hàng xóm có cái ăn vặt, kiểu gì cũng đổi mấy lon gạo lấy mấy cái kẹo cho con, không tính toán, không so đo. Bấy lâu con đang ước cái xe gắn máy cho bằng chúng bạn, cất công đi vay tiền nhiều nơi chẳng được. Giờ không đâu có kẻ gạ ném tiền vào nhà. Đất tổ tiên để lại khá nhiều, nay con cháu chẳng muốn cuốc nữa, mà cuốc đất lắm cũng chẳng giàu hơn. Thế là xắn vườn bán để có xe gắn máy chạy. Ước mơ bao nhiêu tháng ngày bỗng chốc hóa nhẹ rênh. Có hộ bán hết đất vườn, chỉ chừa lại cái nhà ọp ẹp với cái ngõ đi vào chật ém. Thế mà mừng vui. Mặc dù người thiểu số bao nhiêu đời có lối sống giữa trời đất mênh mông, tự do khoáng đạt đã ăn vào máu thịt. Ở đâu họ cũng cứ phải rộng!

Người Kinh cũng chẳng kém. Xưa nay muốn cất cái nhà chẳng biết lấy tiền đâu. Nay nhờ đô thị hóa, đất làng thành đất vàng. Cứ xắn mét bán thu cả rổ tiền. Xưa bán sào cũng chẳng mấy ma nào ngó. Thế là tốt vận đổi đời còn gì! Cứ có cái nhà đẹp hãnh diện với đời là được rồi. Chuyện gì nữa sau tính!...

Khác với người làng, hắn không bán lấy một mét đất, mặc dù bao nhiêu kẻ lần này lượt khác đến cò cưa mãi. Hắn muốn rộng. Bởi hắn nghĩ mình khó lột xác thành thị dân lắm! Đúng ra hắn có phá đi ít vườn dựng chuồng trại, lại cơi nới thêm nhà cửa. Ngôi nhà của hắn vẫn cũ rích, tường xây gạch không tô, mái lợp phi bờ rô. Hắn không ham màu mè! Cổ nhân nói "đàn ông dốn nhà, đàn bà dốn váy", quả là tâm đắc. Hắn thêm lên thì được, không bớt!

Thế nhưng rồi hắn cũng không cưỡng được. Dù không bán đất cho người lạ cắm nhà trong vườn, nhưng tự do thì không còn nữa. Xung quanh áp vườn của hắn những ngôi nhà đã mọc lên chi chít. Có ngôi rộng rênh. Có ngôi cao vun vút! Hắn vẫn không ganh, vẫn bình tâm sống.

Thế nhưng, không gian sinh tồn thì cứ trở nên chật chội, oi bức. Việc chăn nuôi của hắn bị thu hẹp quy mô. Mà công cuộc chế biến thì ngày càng nhiều nguyên liệu. Đến lúc cám viên của hắn làm ra nhiều mà phơi không xuể.

* * *

Một dạo trời mưa bỗng trở nên bất thường. Mưa ồ ạt mà trái quy luật trời đất. Có người bảo do bê tông hóa, gây hiệu ứng gì đó làm biến đổi khí hậu! Đang nắng ráo, mấy cơn gió thổi qua, mây đen đâu kéo về ùn ùn. Sấm sét nổ ì ầm. Chỉ chốc lát trời đổ mưa tầm tã. Mưa như trút nước. Không ai kịp ứng phó. Thức ăn tổng hợp của hắn sắp khô gặp mưa hóa nhão nhoét, bốc mùi hôi thối. Thức ăn ấy là cả bao nhiêu công sức, niềm vui tâm tưởng tâm huyết của hắn. Bỏ thì thương. Hắn đành phải tìm đồ chứa, đợi cơ hội trời nắng. Nhưng trời lạ, càng đợi càng mưa. Cái đống hỗn hợp của hắn để càng lâu, mùi thối càng bốc lên nồng nặc, đậm đặc, xâm chiếm hết mọi không gian trong ngôi nhà. Đến lúc mùi thối tràn đầy vượt ra, xông vào cả nhà hàng xóm. Tổ dân phố được phản ánh, theo yêu cầu phải đến kiểm tra lập biên bản. Kết cục là công nghiệp của hắn bị vĩnh viễn đình chỉ. Cái máy phải lặng lẽ nằm xó.

Mới đó hắn được tôn là nông dân sáng tạo, được tuyên dương, làm gương cho mọi người học tập. Truyền hình địa phương quay rồi phát tấm gương sản xuất giỏi. Giờ là thị dân chậm tiến, bị phê bình. Thời thế đã đổi thay!

Từ ngày ngừng công cuộc chế biến thức ăn tổng hợp, hắn trở nên bơ thờ. Ăn ngủ bất thường. Đứng ngồi không yên. Rõ là đau và tiếc.

Lâu lâu, đang đêm khó ngủ, hắn lại chồm dậy. Bật đèn điện, đóng cầu dao cho cỗ máy ấy chạy ro ro xoành xoạch đến mấy chục phút. Có thế mới tiếp tục ngủ yên.

Đó là tất cả tinh lực, niềm đam mê của hắn. Dẫu sao hắn vẫn tự hào sung sướng khi nhìn cái cỗ máy đa năng ấy đang chạy một cách nhịp nhàng. Dù là chạy không tải!

* * *

Lâu dần, cứ đang đêm hắn lại tỉnh giấc, nhớ tới cái máy, tới thức ăn tổng hợp tự chế, tới đàn heo đàn gà. Ngẫm đời, bây giờ hắn không còn là nông dân nữa. Làng đã lên phố rồi. Như mọi người, hắn đã mang danh thị dân mà sao cứ day dứt mãi. Người ta thấy đất đắt, dân đông, được mang số nhà đường phố ai cũng mừng hơn hớn, ai cũng lấy làm tự hào, coi như một vận hội một cuộc đổi đời lớn. Chẳng hiểu sao hắn cứ ngẩn ngơ khi nghĩ khó thành thị dân lắm! Mắt bỗng rưng rưngl ệ. Hắn tự hỏi và tự trả lời.

Giã từ nông dân ư?

Giã từ nông dân quả là không dễ!

Pleiku, 8/5/2019 - 2/4/2020

Truyện dự thi: Giã từ nông dân - Ảnh 2.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem