Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
1.
Bà ngoại tôi có năm người con. Ba trai, hai gái. Mẹ tôi là con đầu tiên, cách dì Lựu là con út tới gần 20 năm. Dì Lựu chỉ hơn tôi 12 tuổi nhưng dì rất có ý thức về thứ bậc ruột thịt đối với tôi. Dì bảo "nếu mẹ con đẻ sớm thì cũng có con bằng tuổi dì đấy. Nhưng chuyện nào đi chuyện nấy, tao là dì ruột. Vắng mẹ thì ấp vú dì, con hiểu chưa ?". Hồi tôi ngoài 30 tuổi đã có vợ con đề huề trong khi dì Lựu ở tuổi 45 vẫn chân son mình rồi (việc dì không lấy chồng tôi sẽ kể sau đây).
Một bận dì đang ngồi ăn quà ở đầu chợ Chiện, vừa nhìn thấy tôi dì đã cất giọng gọi to:
- Vịn, cu Vịn ơi, có ăn bánh chuối dì mua cho con này.
Thấy tôi đỏ mặt lắc đầu, đúng lúc dì trông thấy vợ con tôi đi cùng, dì đon đả:
- Mày không thích, thì để vợ con nó ăn. À mà nếu ngượng không ăn ở đây thì để dì mua cho chục cái mang về nhà mà ăn.
Dì nắm tay thằng con tôi lên 4 đang sợ sệt vì người lạ, xởi lởi:
- Ái chà, chị tôi đã có cháu nội đít nhôm rồi đây. Cha bố anh, con trai mà lại có lúm đồng tiền duyên quá cơ. Mà việc gì phải sợ. Bà là em gái của bà nội con đây mà.
Tài bắt ruồi của dì Lựu tôi nổi tiếng không chỉ ở làng Chiện mà cả làng trên, làng dưới thành ba làng. Tôi sống đã quá nửa thế kỉ trên mặt đất này, đi lại không ít, gần như hầu khắp nước ta, và hơn chục quốc gia, mà quả tình không nhìn thấy người nào có tài bắt ruồi - giống côn trùng tai quái như dì Lựu tôi. Chỉ cần thấy con ruồi đi qua, dì giơ tay quào một cái, sau đó tay dì vung lên đập mạnh xuống kèm theo câu nói lạnh băng "chết này" là y như rằng trên mặt đất hiện ra một con ruồi bẹp dí. Ông Tư Ngỗng nổi tiếng ở làng là biết đủ thứ chuyện, kể cả những chuyện thuộc loại thâm căn củ tỷ chỉ đôi ba người ở cái làng Chiện này biết, một hôm gặp tôi tự nhiên nói bô bô:
- Cậu có biết vì sao dì cậu bắt ruồi tài thế không?
Thấy tôi lắc đầu quây quẩy, ông Tư Ngỗng cười hô hố rồi kể một cách khoái trá. Nghe chuyện của ông tôi mới biết dì Lựu bắt ruồi giỏi từ khi làng Chiện học dân trong Cáo, Giàn, sau này gọi là Xuân Đỉnh trồng hồng xiêm. Mấy vụ đầu, hồng xiêm làng Chiện trồng cũng cho quả xum xuê. Trái nào da cũng vàng ươm, mịn màng, nhưng bổ ra thì cát không được mịn, ngọt, mát như hồng xiêm Xuân Đỉnh. Mãi sau hình như bà Ba Ngừ có con dâu trong Xuân Đỉnh hỏi cặn kẽ thông gia mới hay, hồng xiêm Xuân Đỉnh ngọt lịm, mát mịn như thế là do bón phân bắc tươi trực tiếp dưới gốc cây.
Nghe ông Tư Ngỗng nói tôi vỡ nhẽ. Vì sao Xuân Đỉnh lắm ruồi thế. Trò làng Chiện học cấp 3 Xuân Đỉnh cứ tan trường là y như rằng có một đám ruồi đặc như mây cơn mưa bay à à trên đầu, mãi đến cây đa ranh giới làng Giàn với làng Vẽ đám mây ruồi mới tan. Từ khi người Chiện học cách chăm sóc hồng xiêm của bà ba Ngừ thì quả tình ruồi ở làng Chiện nhiều lên đột xuất. Vừa đặt mâm cơm hay quả dứa, quả dưa, quả mít bổ ra là chỉ một thoáng sau biến ngay thành đen kịt mầu ruồi. Vỉ tre, vỉ các-tông đánh không xuể, thế là các bà, các chị bèn sử dụng đến việc diệt ruồi bằng tay. Đàn bà, con gái làng Chiện thi nhau diệt ruồi theo kiểu tự nhiên nhưng chẳng ai bằng dì Lựu.
Tài năng nào cũng cần có gốc là năng khiếu, dì Lựu tôi chả biết có chút tài bẩm sinh bắt ruồi nào không, nhưng hễ nhắc đến chuyện bắt ruồi thì dân làng Chiện đều công nhận dì tôi tài thật. Từ đó những câu chuyện về cái tài đặc biệt của dì tôi cũng được lưu truyền, tất nhiên có thêm bớt, thêu dệt để tỏ lòng khâm phục. Lâu dần những chuyện này thành huyền thoại là vậy. Một huyền thoại về tài năng cùa dì Lựu thường được nhắc đến đầu tiên và chuyện này tôi chứng kiến là thế này.
Buổi sáng hôm ấy, sau khi bán được rổ hồng xiêm chín cây, dì Lựu kéo tôi ra ăn bánh đúc canh của hàng cụ Nhèm ở chợ Chiện. Trong lúc chờ cụ Nhèm cắt bánh, chan nước thì dì Lựu tôi nhìn thấy con ruồi bay lởn vởn trước mũi của ông Năm Bói – ông thầy bói có tiếng chẳng cứ ở Chiện mà già nửa huyện này.Tuy bị mù do sởi chạy hậu từ năm lên 3, nhưng ông Năm Bói có ba bà vợ, ngót chục đứa con, đó là không kể các bà khác quanh vùng, đôi bà cũng có con với ông. Khi thấy con ruồi bay quanh mũi ông Năm Bói thì tôi cũng thấy tay dì Lựu động đậy rồi giơ lên. Tôi thực sự lo vì khoảng cách chóp mũi, cặp kính tròn đen và miệng bát bánh đúc cách nhau chưa đầy nửa gang. Nhỡ chẳng may tay dì Lựu chạm vào làm cặp kính hay cái bát chiết yêu bánh đúc bay đi vỡ tan, nước bắn tung tóe vào vạt áo dài thâm hay ống quần màu cháo lòng của Năm Bói thì… Trong khi tôi đang áy náy lo xa thì trong chớp mắt, tôi nghe tiếng gió xào một cái, rồi dì giơ tay ném mạnh kèm theo tiếng nói khẽ "chết đi này". Năm Bói ngẩng lên nhấp nháy sống mũi, đưa đũa lên quệt ngang mồm rồi nói:
- Cám ơn cô Lựu nhé. Con ruồi làm tôi ăn mất ngon, may nhờ cô.
- Không dám. Chẳng qua giống ruồi là hiểm nguy. Vì chân của nó có vi trùng nhiều, dễ lây bệnh nên em đập chết nó thôi.
- Cô có tài đấy, chỉ hiềm căn số. Để tạ ơn cô nên tôi liều lộ thiên cơ khuyên cô là nên dùng cái tài ấy đúng chỗ, bằng không cô vất vả về đường tình duyên đấy.
- Đội ơn thầy. Nhưng nói thật, em thích ở mình cho đỡ vướng bận.
- Thế thì tùy cô. Vậy là tôi đã giả xong ơn cô nhé. Cô chỉ nên nhớ thắng ư nghệ mà bại cũng ư nghệ đấy.
2.
Tuy dì Lựu nói vậy, nhưng dì là người đàn bà bình thường nên hồi tôi bắt đầu ra giàng đã nghe dì có quan hệ, mà nói như giọng bọn trẻ chúng tôi là dì đã có tình yêu. Người yêu dì là chú Chiêm, cán bộ phòng thuế, có trụ sở mới xây ở ngã ba chỗ đầu dốc Bến Ngự qua đường cái nối với đường Cầu Binh chạy về làng Noi. Đó là căn nhà ngói ba gian xây bằng tiền chính phủ. Trên mái có biển tôn sơn xanh kẻ chữ trắng chỉ khoảng hơn tháng sau là đã phủ bụi trắng xoá. Chỗ ấy đắc địa cho cán bộ thuế nhưng là chỗ hứng bụi nhiều nhất của làng. Nền đường cái đất trải sỏi với dăm, dốc bến Ngự từ sông lên là đường đất, suốt ngày xe chở cát sỏi chạy rình rịch cuốn bụi mù trời. Nhưng chỉ cần ngồi trong phòng đã có thể quán xuyến tất cả những ai từ bến Bắc đi đò qua sông mang thịt lợn, mang rượu lậu sang, kể cả mấy bà buôn lậu nhét bong bóng rượu, cuộn thịt lợn giả bụng chửa cũng khó thoát.
Từ ngày phòng thuế Chiện mọc lên, dân nông nghiệp trong làng thì không nói làm gì vì họ chả có gì mà sợ anh phòng thuế. Trừ khi vào vụ có ít thóc nếp, ca đỗ mang xuống bán lấy tiền sắm cho con bộ quần áo, cuốn vở, mà lớ ngớ không khéo gặp phải nhân viên thuế đi tua quản lý thị trường thì bị tịch thu như bỡn. Còn dân ngoài đê phi nông nghiệp ở xóm Ô tô thì quanh năm chờn chợn. Bởi động thứ gì đi ngang qua phòng thuế cũng bị chặn lại hỏi cho ra. "Mua ở đâu, mua của ai? Mua để dùng mà mua nhiều thế?". Người dân nào cũng tính sẵn câu trả lời cho thuận.
Vậy mà trong những năm tháng ngột ngạt ấy, dì Lựu có quan hệ mật thiết với chú Chiêm phòng thuế. Nguyên nhân họ biết nhau rồi thành thân quen cũng bắt đầu từ cái tài của dì. Cũng vào một buổi sáng bà ngoại tôi sai dì lên hàng lò rèn ở chợ Chiện đánh con dao phay để chuẩn bị làm cỗ trong ngày giỗ ông ngoại. Trong lúc chờ, dì định rẽ vào quán cụ Nhèm bánh đúc thì thấy Chiêm phòng thuế ngồi chờ ăn bánh đúc chấm tương.Thực ra sáng nào chú ấy cũng đến chợ Chiện. Hôm ngồi ở hàng phở gánh nhà ông Tần, khi ngồi quán cháo xe. Ý là để phục sẵn ở đó chờ dân bên Bắc mang hàng lậu sang bán ở chợ Chiện và chợ Vệ.
Nhìn thấy Chiêm phòng thuế ở đó nên dì Lựu đi nhanh đến hàng bánh đa nướng. Chiêm Phòng thuế đang cầm miếng bánh đúc đã chấm tương định đưa vào mồm thì nhìn thấy một chị bụng chửa từ dưới sông lên. Chiêm nghi nghi dáng đi của chị có mang nên cứ trơ mắt nhìn vào bụng chị chàng. Đúng lúc ngang qua, dì Lựu nhìn thấy con ruồi đang chổng đuôi ở bát tương trước mặt Chiêm, thế là dì quên hết mọi chuyện, dì khom lưng đi tới, quài tay một cái, vung lên cùng câu nói "chết đi này". Chiêm phòng thuế giật mình khi nhìn thấy động tác nhanh như chớp của dì Lựu và con ruồi nằm trên mặt chõng, chú thốt lên:
- Heng.
Dì Lựu chưa hiểu gì nhưng theo thói quen nói luôn:
- Con ruồi là giống hiểm nguy, vì chân của nó có vi trùng nhiều, dễ lây bệnh lắm. Nhưng heng là gì?
- Heng tức là rất heng, rất tốt đấy.
- Hiểu rồi, hiểu rồi. Tức là hay, là tốt phải không?
Chiêm phòng thuế gật đầu rối rít.
Thế là từ đó dì Lựu và Chiêm phòng thuế quen nhau, rồi thân nhau và yêu nhau thì phải.Tôi biết chuyện này vì thỉnh thoảng tôi chứng kiến mẹ tôi bảo dì:
- Dì cẩn thận đấy. Vừa thôi chứ khi bị phòng thuế bắt thì bao nhiêu lờ lãi mấy chuyến mất hết.
Dì Lựu lại tủm tỉm cười bảo mẹ tôi:
- Chị yên tâm. Lờ lãi mấy ca đỗ, mấy cân thịt ăn thua gì. Mai kia em xem những ai ở xóm này là cán bộ có tem phiếu thừa em mua rẻ lại rồi ra phố bán cho bọn phe thì tha hồ trúng.
- Chết chết. Dì liều thế. Nhỡ thuế họ biết thì chết. Hôm qua đài ở đầu dốc chả đưa tin quản lý thị trường ở chợ Đồng Xuân bắt bọn phe tem phiếu. Có người bị tù đấy.
Dì lựu cười sằng sặc:
- Chị đừng lo. Anh Chiêm phòng thuế có gì đã mách em hết, không bị sao đâu. Có buôn tem phiếu mới nhiều tiền, chứ mấy thứ kia lờ lãi cỏ rả quá.
Câu thầy Năm Bói đoán hậu vận dì Lựu thỉnh thoảng lại hiện trong óc tôi mặc dù tôi chả hiểu gì cả. Nhưng sau vụ Chiêm phòng thuế tự nhiên xa rời dì Lựu, tôi mới lờ mờ nhận ra.
Duyên do vào một ngày mùa hè. Đằng sau phòng thuế là vườn nhà cả Đoạt. Vườn có duy nhất một cây nhãn lồng nổi tiếng cả dải làng bờ nam sông Cái. Giống nhãn thì một năm ăn quả, một năm trả cành. Năm ăn quả thì bất chấp lũ trẻ thì thụt vặt trộm, bà Cả cũng thu được gần chục nghìn tiền bán nhãn. Từ khi phòng thuế lập ở Chiện ép bà Cả bán nhãn thu mua cho thương nghiệp huyện, bà chán không chăm sóc nhãn, kể cả lúc nhãn sai trĩu trịt bà cũng không chẻ nứa buộc ngọn nhãn để chống dơi nữa.
Trưa hôm ấy đúng kì nhãn chín. Chiêm phòng thuế hẹn dì Lựu ra tâm sự, nhưng hôm đó dì ra Hà Nội bán số tem phiếu mới mua được vì trễ xe nên về muộn. Khi dì đến chỗ hẹn thì đã thấy Chiêm phòng thuế đang ngủ, mồm há hốc, mũi thở phì phò. Dì tôi vừa ngồi xuống thì thấy một con ruồi ở hạt nhãn vừa nhằn bay lên đậu vào chỏm mũi anh chàng. Dì Lựu quơ tay, vì khe tay dì hơi hở nên sau khi con ruồi bị túm lại rơi vào lỗ miệng đang há của Chiêm phòng thuế. Dì tôi bật cười. Tiếng cười làm Chiêm thức giấc, thấy có thứ gì bận trong mồm, chàng phòng thuế vội nhổ. Khi thấy con ruồi từ miệng mình bật ra, lại thấy dì Lựu vừa nhìn vừa cười ngặt nghẽo. Chiêm nổi cáu:
- Cô cố tình chơi xỏ tôi hỉ ?
- Không, không, là em… em vô tình… Không ngờ
- Đồ xỏ lá ba que. Heng đấy. Cô cho tôi là ngáp phải ruồi chứ gì.
Dì Lựu thấy người yêu nổi cáu liền mềm mỏng gải thích, nhưng dì càng nói anh chàng phòng thuế càng nổi cáu. Cuối cùng y chỉ mặt dì tôi bảo:
- Từ giờ cô đừng nhìn mặt tôi nữa. Đã cố tình chơi tôi thì liệu đấy…
Mới đầu khi biết sự tan vỡ này tôi cứ nghĩ đến sự tài giỏi khi đoán hậu vận của Năm Bói. Tôi giận con ruồi và buồn vì cái tài của dì Lựu đã làm hại dì. Mãi sau này tôi mới hiểu con ruồi chỉ là cái cớ mà sự chia ly giữa Chiêm phòng thuế và dì tôi là do tác động của kẻ thứ ba.
3.
Kẻ thứ ba này không phải ai xa lạ mà chính là chị Thơm - con gái lớn nhà Bân lác mổ lợn. Ở xóm Ô tô này còn hai nhà chuyên mổ lợn để bán chợ là nhà bòi Vinh, nhà Đại rỗ. Nhìn đi nhìn lại thì nhà Bân lác có vẻ đắt hàng nhất. Người ta bảo duyên do của sự đắt đó là do Bân lác có tay chọn lợn. Lợn nhà tay này mổ rặt lợn ỉ thịt thơm, bì mỏng, ba chỉ, móng rót, đầu rồng, thứ nào cũng rim chỉ ba hạt muối đã ngọt thịt. Nhưng đám đàn ông, con trai lại bảo, sự chạy hàng đó là do chị chàng Thơm.
Thơm đang vào độ tuổi đẹp nhất đời con gái. Mắt bồ câu ấp trứng lúc nào cũng long lanh như hai giọt nước. Hai má chòn chõn hai chấm đít chén đỏ hồng như vừa từ bếp ra. Ấy là chưa kể chị Thơm lại tham gia đội chèo của làng, đóng vai cả Kiều Nguyệt Nga và Tiên Dung. Mười sáng như một, cứ khoảng hơn 6 giờ là y như cả xóm đều thấy cô ả áo bà ba gụ, trên đầu chênh vênh chiếc mâm đồng bầy ngót chục bát, đĩa tiết canh, đôi tay vắt vẻo cùng giọng hát chèo trong veo rao véo von "ai tiết canh đơi". Mười hôm cả mười chỉ đi từ nhà cô gần đầu xóm đến quá dốc bến Ngự là đã bán hết tiết canh.
Chiêm phòng thuế là dân tập kết, thoạt kì thủy cũng không biết ăn tiết canh. Món khoái khẩu của anh chàng này là trứng vịt lộn và rắn nước nướng chấm muối ớt. Một buổi sáng hình như chị chàng Thơm cố tình đội mâm tiết đi qua đi lại trước cửa phòng thuế vừa mở cửa gióng giả "ai ăn tiết canh đơi" đến ba lần, thì Chiêm thò mặt ra. Thơm đánh đuôi mắt, lả lướt:
- Anh ăn thử một bát nhé. Thử thì em không lấy tiền đâu. Ăn đi, có làm sao em đền.
Nghe Thơm mời lần thứ hai thì Chiêm gật đầu nhấc bát tiết canh lên trước bốn con mắt ngạc nhiên của hai đồng nghiệp cùng quê. Thơm nhoẻn cười bốc thêm lạc, ngắt rau húng thả vào bát tiết, dịu dàng giục:
- Anh ăn đi. Ngon lắm đấy
Chiêm phòng thuế cắn môi, cầm thìa, bỏ vào mồm liên tiếp hai miếng tiết canh. Nhai, ngửa mặt lên ngẫm, rồi gật gù:
- Heng.
Thơm hiếng mắt làm duyên ngước lên:
- Là sao anh?
- Là heng, rất heng, ngon… ngọt.
- Anh thấy chưa? Mai anh lại ăn nữa nhé. Quen miệng rồi anh nghiện cho mà xem.
Thế là từ khi quen vị tiết canh, Chiêm phòng thuế và cô nàng Thơm dần dần thân nhau. Thấy bảo sau đấy thuế sát sinh nhà Bân lác giảm hẳn so với nhà Bòi Sinh, Đại rỗ. Thậm chí vào hôm rằm, nhà Bân lác mổ hai con lợn mà thuế đánh có một con.
Phòng thuế Chiêm không biết có phải vì nghiện tiết canh nhà Thơm chèo mà ngãng dì Lựu không. Chuyện ấy quả tình tôi không rõ, chỉ biết sau này có lẽ đến gần 30 năm sau, có người hàng xóm nhà Bân lác thịt lợn tôi không muốn nhắc tên sợ phiền đã kể cho tôi biết. Chính Bân lác đã sai con gái quyến rũ Chiêm phòng thuế bằng bát tiết canh để gã này rộng tay cho Bân thoải mái mổ lợn, bán thịt mà không bị bắt ne bắt nét như hồi Chiêm phòng thuế chưa khoái món tiết canh.
4.
Tôi cũng không ngờ câu đoán vu vơ của ông Năm Bói ở hàng bánh đúc cụ Nhèm từ đời tám hoánh nào đấy lại vận vào dì Lựu. Thế là sau khi bén mùi tiết canh nhà Bân lác, Chiêm phòng thuế xa rời dì tôi, bén duyên chị nàng Thơm. Tôi bằn bặt đi làm xa nên không rõ họ có nên vợ nên chồng không. Chỉ biết dì Lựu tôi sau quan hệ với phòng thuế Chiêm thì cũng có đôi ba người mối manh. Bà ngoại tôi hồi còn sống mỗi khi thấy thế có hỏi thì dì tôi chỉ cười hì hì "Chuyện của con cứ từ từ, con cứ thấy u khỏe là thích nhất". Rồi bà ngoại tôi khuất núi. Mảnh đất, căn nhà của bà được ba cậu chia ra. Khi các cậu yên bề gia thất rồi bố tôi cũng quy tiên thì mẹ tôi gọi dì đến ở chung cho có chị có em. Mẹ tôi bảo dì: "Vợ chồng thằng Vịn làm ăn ngoài phố, được Nhà nước cho căn hộ, nó định đón chị ra. Nhưng nhà nó chật chội ra đụng vào chạm, hai thằng con nó đứa đi mẫu giáo có người trông, thằng lớn học về cũng tự ăn được nên tôi về ở nhà cho thoáng".
Thấy dì Lựu đến ở với mẹ, tôi cũng an tâm hơn. Đâu có một dạo, có ông góa vợ ở làng Vệ cũng đến trò chuyện với dì Lựu, thấy mẹ tôi kể dì cũng tiếp đón thân mật lắm. Tưởng hai người có thể về với nhau làm ông làm bà. Lũ con nhà ông ấy xem ra cũng quý dì .Thế rồi chỉ được đâu gần năm lại không thấy ông ấy lên. Mẹ tôi có gặng mãi thì dì tôi mới bảo là ông ấy tham lắm. Dì có gì mà tham. Ối dào, ông ấy xui dì và cả chị gái – tức là mẹ tôi, kiện ba cậu không chia đất hương hỏa cho dì. Con nào chả là con. Dì tôi bảo chị em tôi có phải lục súc đâu mà đưa nhau ra tòa. Ông kia bảo dì chập cheng mới bỏ đống của. Vì câu nói đó dì Lựu cắt hẳn.
Khi mẹ tôi mất, nhà bố mẹ tôi để lại xập xệ nhiều. Tôi xin phép dì cho tôi phá ra làm lại. Nhà cửa xong xuôi, tôi lại mời dì đến ở trông nhà hộ tôi. Dì tôi nhận lời và bảo tôi cho cả con bé thứ hai nhà cậu cả tôi đến ở. Con bé này khi chửa nó mợ tôi bị cảm cúm thành ra nó bị thiểu năng. Dì thương nó lắm.
Thỉnh thoảng tôi về nhà thì thấy dì có vẻ buồn. Trước tôi tế nhị vì sự vất vả của đời dì, không định hỏi vì sao, mãi một lần thấy dì cứ ngồi trên ghế mắt đăm đăm dõi theo thứ gì đó trước mặt, rồi lẩm bẩm "chán mớ đời". Tôi đành bấm bụng liều hỏi. Thì dì tôi quay lại, môi hơi nhếch:
- Có gì đâu con. Nhà mày làm thì rộng, mát sạch. Có lẽ vì thế nên ruồi không có. Muỗi thì họa hoằn lắm mới thấy một hai con. Thành ra dì với cái Nhâm có mắc màn đâu. Mà lạ một cái là làng mình tự nhiên ít ruồi hẳn, không biết nó đi đâu.
- Thì dì bảo. Bây giờ làng lên phường, có người thu gom rác, ao chuôm lại lấp sạch, cống rãnh lấp hết.
- Con nói phải. Không có ruồi tay nhạt hẳn, lắm khi lại buồn bực như tê thấp nó cắn mới lạ chứ.
Chuyến tôi về gần đây. Vừa mở cổng ra đã thấy dì Lựu chẹp miệng, than thở:
- Dì thật không phải với con?
- Có chuyện gì thế ạ?
- Kì trước con mang cái bình thủy tinh về cắm hoa rõ đẹp. Thế mà hôm qua trời nồm, tự nhiên có con ruồi nó bay vào rồi đậu vào miệng bình. Dì quơ tay… Ai ngờ… Thật chán mớ đời. Lâu không có ruồi để vơ nên vụng về thế nào chạm vào cái bình làm nó rơi xuống đất vỡ toang ra.
Tôi nhìn mặt dì buồn bã, vẻ ân hận, bèn an ủi:
- Không sao đâu dì. Ngoài kia còn cái nữa hôm nào con mang về.
- Ừ. Con bỏ lỗi cho, dì mừng. Nhưng cái giống ruồi là giống hiểm nguy. Chân của nó có vi trùng nhiều. Kinh lắm. Không đánh thì không được.
Chèm 29 Tết Canh tý (24/1/2019)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.