Truyện dự thi: Thị làng mà đòi mơ phố

Đinh Thành Trung Thứ năm, ngày 19/08/2021 12:45 PM (GMT+7)
Thị tỏa hương ngan ngát bao trùm cả sạp, tràn cả sang hàng bên. Hết mùi tanh rồi nhé! Đáp lại điệu cười tủm tỉm của tôi là cái nhếch môi nhè nhẹ...
Bình luận 0

"Bán cho tôi một quả thị được không?"

Chẳng cần quay lại cũng biết người vừa nói là ai. Chàng thiếu gia cưỡi con xe hơi đen ngòm hoành tráng. Hôm nay lại rỗi thế à? Sao không diễu qua diễu lại quanh làng với bầu đoàn thê tử của anh đi?

Tiếng cười rộ lên cả một góc. Mấy bà sạp hàng đã quen thuộc với sự xuất hiện của anh. Không sợ sệt như ngày đầu anh đến, họ vô tư trêu đùa mỗi lần anh lân la đến quán tôi.

Này, đây cầm đi. Hai ngàn một quả. Ba quả sáu ngàn. Thị cho Vu Lan đấy. Tôi dúi vào tay anh ba trái thị mịn màng, thơm nức. Thị nâng niu của làng này đấy. Thị được gánh, được chở. Thị làng lên ngôi, cứ từng sọt, từng bao trẩy về thành phố. Nhưng lạ cái, dân phố cứ thích về làng mà mua. Thị vàng là thị chín. Thị chưa vàng phớt màu xanh mơn. Con bé bày ra hai rổ thị nho nhỏ trước cái bàn bán nước cũ xì. Mua nào ông anh đẹp trai ơi. Đi qua, hắn ngó vào mùi hương tóc. Không phải thị. Cái đầu thơ ngây nào có biết.

Gái làng bán thị là tôi nhìn tay dân chơi thành phố đến tròn con mắt. Ừ, cũng chỉ ngó thế thôi, ai mà dám ngắm anh. Anh như thứ gì khó với tới lắm. Trong cái làng này, trong con đường bụi xám hai bên rãnh nước khô, anh đi nhè nhẹ, giày chẳng chạm tới chắc vì sợ bẩn. Tôi cười khúc khích khi ngắm bước chân anh rón rén như thế. Sướng quá, công tử quá đây mà.

Truyện dự thi: Thị làng mà đòi mơ phố - Ảnh 1.

Hình minh họa truyện dự thi "Thị làng mà đòi mơ phố".

Làng trồng cây thị. Chăm thị khó lắm nghe anh. Đến bên hai con nước được dẫn về, cây thị sừng sững như muốn vươn cao. Trông trái bé thế thôi, cây thị sống tới vài trăm năm ấy. Anh cứ ngắm thỏa thích đi. Ngắm chán thì chơi với em nhé. Chàng công tử phố phường, nghênh nghênh cái mũi hít hà thứ hương làng quê hiu hắt. Làng này neo người, làng này vắng lặng quá đấy cô em. Cũng chỉ biết gật đầu ừ hữ.

Làng có con đường nhỏ. Trổ ra cánh đồng là mấy căn nhà to to. Họ là dân làm ăn trên thành phố. Nhà bỏ không, cây cối um tùm xanh tốt. Rồi chẳng biết từ bao giờ, những đời người ấy thích mùi hương của thị. Dạo chợ làng bắt dầu tấp nập, hương thị quyến rũ cả trai gái làng bên. Rồi cứ thế, hình ảnh lan tràn trên Zalo, Facebook... Hiện đại thật đấy, ngay cái mùi hương thị chẳng mấy ai biết tiếng này. Không, đúng hơn là giới trẻ ngày nay còn đâu hay biết, dù đã học đến thuộc lòng trong mấy câu chuyện cổ tích.

"Đã là thị thì đừng để nó rụng". Câu nói của cậu trai thành phố cứ dịu dàng ngân lên. Sao anh có thể thốt ra nhẹ nhàng như thế. Tôi cũng chẳng thể xa cái làng này được nữa rồi. Anh có thể đi, còn tôi thì ở lại. Đơn giản thế thôi. Như cơn mưa vội cuối mùa, mưa thấm dần, xuyên dần qua từng kẽ quá, nuôi quả thị vàng ươm, bóng loáng. Tôi như trái thị nho nhỏ thế thôi, nhưng tôi thà ở đây tỏa hương còn hơn đi với anh lên chốn xô bồ.

"Anh biết. Anh không ép đâu. Em cứ suy nghĩ kỹ đi".

Anh buông lời dịu ngọt, bỏ tôi ở lại một mình. Uổng công tôi đã mến anh. Nước mắt chảy tràn, rồi từ từ lăn nhẹ. Khuôn mặt chân quê mà dễ thương, nếu được make up cẩn thận thì xinh đẹp lắm đó nhé! Anh cứ thốt lên mấy lời nửa đùa nửa thật như thế. Sao cô bé, có cần anh mua dùm son phấn, rồi nước hoa thơm lừng quyến rũ không? Chả cần, sao thơm bằng mùi thị làng này.

Trên bàn thờ, một nén hương được thắp. Mùi thị quyến luyến không nỡ rời, nhường chỗ cho thứ khói nhớ thương. Khói cha, khói mẹ. Linh hồn họ đã biến thành sương khói, hay họ vẫn cố giữ nhân dạng ngóng theo đứa con gái thân yêu, để rồi tan biến trong cõi hư vô? Tôi vẫn thường tự hỏi mình như thế. Không ai trả lời. Chẳng ai để ý. Cun cút với hương trái thị mà thôi. Nén hương cháy được một lúc, tôi cũng không dõi lên bàn thờ. 

Hôm nay, chẳng hiểu sao tôi không muốn nói chuyện với cha mẹ. Thì mấy cái tâm lý vẩn vơ tuổi mới lớn. Ai chẳng đến lúc đó. "Con bé này, cứ nói hết đi xem nào". Đấy, mẹ sẽ nói thế đấy. Cũng chỉ là tưởng tượng mà thôi. Lại khóc trong hương thị. Tôi đâu phải cô Tấm. Tôi chỉ là con bé thôn quê. Cô Tấm không có thật, đứa lớn đầu nào cũng biết như thế, nhưng một nhân vật cổ tích có sức mạnh liệu có là hình mẫu đáng mơ ước. Ừ thì có lẽ thế, giá như tôi có sự quyết đoán của cô, tôi sẽ đối đầu tất cả. Như một tay chăm cây thị này ra hoa. Như lòng bâng khuâng đón từng cơn gió lạnh tràn về, giang tay ra hứng cản cho tán hoa vừa mới nhú. Hương thị sao mà dịu ngọt thế, nó cứ quấn lấy tôi, nó cứ như bàn tay vô hình, đỡ tôi mỗi khi nhớ mẹ.

Làng đứng bóng. Giấc mơ cuối cùng cũng tắt vụt. Gái lớn theo chồng. Nào ai dám hỏi? Họ sợ, Họ ngại ngùng với con bé thui thủi này. Thị làng. Làng có cây thị của con bé cô đơn. Làng có cái ao cạnh cây thị đó. Mùa thị, có mấy đứa con trai tranh thủ ngắm con bé đấy. Chúng thì thào, bàn tán. Chúng giương đôi mắt hau háu vào phần thân trên điệu đà. Tiếc quá. Chắc nó chả biết nó xinh. Phí quá. Ngữ ấy mà lên thành phố chắc kiếm bộn lắm đây. Tiếng cười hô hố vụt tắt khi tôi quay đến. Đôi mắt tôi không giận giữ. Tôi đang cầm trái thị mà. Chắc các anh muốn nói cái này phải không? Đây, cho mỗi anh một quả, đem về hít hà mùi hương này nhé, đừng ngó trộm tôi nữa.

Lũ trai làng nhún vai, lục tục đi về. Chắc họ cũng ngán cảnh con bé mở to đôi mắt long lanh, tay dao tay kéo dứ lên hăm dọa. Lại cái luật trai làng. Lũ trai làng khác đừng mó vào gái làng này. Dù sao, tôi cũng là thứ của quý để cho chúng giữ gìn, dù tôi không thuộc về chúng. Càng tốt, càng được yên thân.

* * *

Chợ làng họp ở cái ngã tư tự phát. Đoạn phố làng. Nhà cao cửa rộng. Dân nhiều tiền mua hết bên đó, tạo ra một xã hội gần giống trên thị trấn. Chỉ có một thứ vẫn giữ nguyên. Mùi thị và bà cụ ngồi rịt ở một góc. Hương thơm dắt tôi ra đó. Hương đưa bàn tay mịn màng như da thị nắm lấy bàn tay nhăn nhúm phong sương. Bà chẳng còn ai nương tựa. Bà làm bánh nếp bán. Chẳng đủ sống qua ngày. Bà vẫn chào đón tôi bằng nụ cười trìu mến, móm mém dúi tận tay tấm bánh tự tay tỉ mẩn làm. Chỉ cần thế thôi là tôi ở lại làng. Không phải vì ở nhà hương khói. Không phải vì tôi ghét lũ trai làng. Tôi chỉ cần một bàn tay lành lạnh và khóe mặt đặc chân chim.

Chợ sớm. Chàng công tử xuất hiện không biết lần thứ mấy. Anh diễu qua trước con mắt tức tối của đám trai làng. Tôi buột miệng cười mim mỉm. Đố chúng nó dám đụng. Chỉ giỏi bắt nạt người cô thế. Hai tay vệ sỹ cao to lực lưỡng đi cùng đã đủ cho thấy anh là người thế nào. Thật lạ, tôi chẳng sợ anh. Có lẽ vì mấy lời mật ngọt chết ruồi?

"Cây đa đẹp thật. Từ bé đến lớn anh chưa thấy cây đa nào đẹp thế!"

"Thật ạ?"

"Ừ. Anh cũng là người thích sống ở quê. Thành phố ngột ngạt quá!"

Nhẽ đâu anh nói thật? Đã là con người thì đừng đánh giá qua vẻ bề ngoài. Bà đã nói với tôi như thế. Cũng đúng thôi. Như trái thị tinh khôi, tỏa hương thơm ngào ngạt mà nếu muốn bóc ra ăn lại phải dè chừng. Một con người lọc lõi như anh chắc chẳng cần nói về điều đó. Chợ làng lao xao quanh những lời ganh tị. Thế quái nào con bé bán thị lại câu được đứa giàu như thế. Chắc là lại kéo lên thành phố làm "sugar baby" cho lão đại gia nào đó thôi. Thời buổi này ai ở làng mà chẳng có smartphone, lướt Facebook và xem Youtube nhoay nhoáy.

Mặc kệ, anh nhìn tôi trìu mến như muốn chứng tỏ sự kiên nhẫn lớn lao của mình. Một cơn gió nhẹ thổi qua. Lá đa già đột nhiên xao động. Lá rơi đúng xuống tóc anh. Kỳ lạ thật, sao tôi lại muốn đưa tay lên gạt chiếc lá đó đi? Cảm xúc của cô gái thôn làng buộc phải kìm lại. Tôi đang choáng ngợp trước anh sao? Trước cái thứ tôi phải kìm lòng không dám thể hiện?

Câu hỏi đó cũng không có ai trả lời. Tuổi ngọt ngào, tuổi rực cháy đáng ra phải được đáp lại bằng một tình yêu vụng dại, thì giờ đây đang mê man trong hương thơm ngào ngạt của trái cây tròn tròn đằng kia. "Cháu ạ, thích người ta thì cứ mạnh dạn lên. Bà tuy già nhưng cũng biết thời buổi này con gái được đối xử bình đẳng hơn rồi". Lời bà nhẹ nhàng làm tôi ửng đỏ. Bà thoáng thế? Cháu cũng biết người ta nghĩ thế nào. Họ chỉ hóng cháu nhảy lên cái xe sang trọng kia, bỏ cái làng này rồi dông thẳng lên trên phố làm gái thôi. "Không, đừng nói thế. Bà trông cậu ấy cũng chưa chắc là người xấu. Dù sao cũng nên cẩn thận nhưng quyết định là tùy ở cháu".

Thế còn bà thì sao? Tôi không dám hỏi bà câu ấy. Chỉ cần biết tôi mãi ở đây, xem mùi hương này là tâm hồn đứt gãy tôi đang nuôi nấng. Đường quê trong phố, thứ anh đã trầm trồ ca ngợi, nay hừng hực đốt cháy tâm can, đưa tôi đến phương trời tôi hằng mong ước.

"Thôi anh về nhé! Hẹn gặp lại em một ngày nào đó".

Vẫn giọng lịch sự thường thấy ẩn giấu trong lốt một con quỷ. Quỷ có đôi cánh đen ngòm, thân hình nhỏ bé với cái đuôi dài. Quỷ có thể hóa thành khổng lồ. Quỷ không tốt như vẻ bề ngoài. Tôi đã đọc trong một quyển truyện. Cũng là anh đưa cho tôi. Tối hôm đó, mây xám dần lặn đi trong đêm xám. Màu trời tối át màu của mây. Sao ban ngày mây đẹp thế. Không, anh không nói lúc trời mưa. Anh thường chen vào một hai câu khó hiểu. À, đúng rồi cô bé, chắc em chưa biết trò ngắm mây trong thành phố. Bọn anh phải ra công viên hay quảng trưởng, cố ngước lên thật cao. Anh có một thằng bạn thân từ bé. Nó bán thịt xiên nướng cạnh con sông Tô Lịch đầy mùi hôi thối. Em biết cái sông đó chứ? Nó bẩn hơn nhiều so với nước trong ao làng này. Cả cái ao gần đường, nhìn trông xanh rì thế thôi nhưng nước sạch lắm, anh toàn thò tay xuống đó nghịch, chả sợ.

Anh đang cố nói gì đó với tôi? Anh cố nắm tay tôi lần cuối trước khi trở về thế giới của anh. Đúng hơn là tìm cớ để bắt tay đứa con gái quê mùa, từ bé đến lớn chỉ sống trong làng. Tôi cũng phải tặng lại anh thứ gì đó. Là quả thị. Ba quả đẹp nhất được tôi gói trong một túi vải. Cái túi tôi tự đan, định sẽ bán vào ngày lễ Tết. Anh ôm chặt chiếc túi vào lòng trong tiết trời hửng nắng. Gió làng xiên qua bụi cỏ dại bên đường, thoảng lên hai thứ mùi quen thuộc. Đây chỉ có bùn đất thôi. Mùi phân trâu bò nữa. Hương thị thơm thì thơm thật, những vẫn chẳng át được mùi quê đâu anh. Chắc anh hiểu em nói gì. Anh gật gật rồi bước đi không quay lại. Anh là người thông minh lắm mà.

Ngủ thôi. Đêm thì phải ngủ. Mẹ đã nói với tôi như thế. Và tôi chỉ nhớ mỗi thế. Chăm thị vất vả lắm. Nhớ dậy sớm mà chăm. Phải cẩn thận lũ sâu xanh, sâu khoang nữa. Lời loang loáng, mơ mang máng cứ dần dần thấm sâu vào óc. Mai còn dậy sớm nữa, không nên choàng tỉnh dậy giữa đêm mưa thế này. Thật không mẹ? Thế mẹ tỉnh dậy ôm cha làm gì? Mấy lần tôi định hỏi câu đó. Bé quá, sao hiểu được. Trời đầy sao. Có lẽ mai sẽ không mưa. Anh dạy tôi cách tìm chòm sao Thần Nông. Chẳng biết có đúng hay không. "Đúng không thì em chỉ việc tra ông Google là ra mà". Đúng là xảo quyệt. Giữa thời đại này còn có người tán tỉnh con gái bằng trò đếm sao, mà lại là một cô gái làng quê ngày ngày lên mạng. 

Tôi lơ đãng lướt đi lướt lại Facebook của mấy đứa bạn học. Thế giới thật bây giờ trộn lẫn với thế giới ảo rồi. Không, là ngược lại. Hôm nọ lại có đứa bạn lên phố làm ô sin. Người ta trả đến bảy triệu một tháng. Cao quá. Cao hơn gánh thị này. Làm ôsin thì ngày ngày quét dọn, nấu ăn, chăm trẻ con và chăm con chó Tây của chủ. Dễ mà. Dễ như cái cách con bé đấy buông lên dòng cảm xúc nghẹn ngào trên Facebook của mình khi bị chủ sàm sỡ. "Bạn đang nghĩ gì?". Cái câu khi nào chúng ta cũng được cái mạng xã hội này hỏi khi mở nó lên. Rồi ai cũng đăng hình lên trên đó. Cả cái làng này cũng lên đó hết rồi. Ừ thì ai cũng có điện thoại thông minh rồi, con bé bán thị như tôi cũng có.

Sáng đó, tôi không đem thị ra bán. Thị có chấm đen. Thị da dẻ không căng mịn. Thỉnh thoảng người đi qua ngó vào nơi từng đặt sọt thị. Họ cũng mong tôi lại nổi hứng gánh đi khắp làng. Đó cũng chỉ là lúc tưng tửng mà thôi. Rồi, lại chuẩn bị nhận được câu nói nào từ bà đây. Hôm nay, bà làm bánh nếp. Thứ bánh dày trúc, nhân mỡ béo ngậy, bị chê tới tấp ở hội đình. Hôm đó thật buồn cười. Ông buôn bán to nào đó tít trên thành phố, cắn một miếng lại muốn cắn hai. Đánh sạch bách cái bánh xong mới quay ra hỏi người làm. Để rồi khi biết chỉ là bánh mua của bà lão bán ở chợ, ông phủi phủi tay, mặt khinh khỉnh ra chiều thất vọng. Ý ông ta ghét những thứ làng quê, những thứ không tên không tuổi, không thương hiệu, không xuất xứ. Lão chắc chỉ thích đồ công nghiệp, thích thứ bột được xay ra từ mấy cỗ máy hoen gỉ. Chúng làm gì có nhân cách hay tâm hồn?

"Nào nào, nhắc chuyện đó làm gì mãi cháu".

"Nhưng đến giờ vẫn còn tức bà ạ. Ngon thì cứ nói là ngon đi. Bày đặt tinh tướng".

Bà vỗ về tôi như dỗ dành cháu gái. Bà không có cháu. Thế nên bà mới bán quà quê ở đây. Làng chúng tôi bao năm không thay đổi, vẫn chỉ là thứ gì đó bình lặng trong khi cuộc sống tiến quá nhanh. Đúng ra, tôi không biết tất cả những điều đó, chỉ đến khi được cầm chiếc điện thoại có khả năng lên mạng. Sáng sáng, dân làng vẫn ra đồng. Các bà, các mẹ ra chợ mua đồ về nấu cơm. Các cháu tạt qua mua đồng quà, tấm bánh ăn sáng rồi đi học. Thế thôi, đời cứ yên ổn thế mà trôi qua. Mà nơi đây cũng chẳng phải là quê hẳn. Cũng thủ đô hoa lệ đấy. gửi thư đi cũng có người tự hào viết in hoa hai chữ Hà Nội. Làm hồ sơ xin việc cũng đề chữ Hà Nội rõ to. Trong vô thức, làng cũng được hưởng một chút thành quả của phố.

"Cháu có bao giờ nghĩ tới việc bán thị trên thành phố chưa?"

"Rồi bà ạ. Bán trên mạng, nhưng phải có chỗ để hàng. Giao hàng cũng khó nữa".

Tôi trả lời bâng quơ vì biết bà chỉ hỏi thế thôi. Bây giờ thị trở thành thứ quả sang trọng, không còn phận hẩm hiu như ngày xưa. Tôi nhếch mép cười, đưa trái thị lên mũi. Chẳng hiểu sao thị thơm như thế mà tôi lại cảm thấy hơi nồng. Đôi lúc, tôi muốn ngủ ngay nhưng hương thị cứ níu giữ tôi lại. Tôi mông lung giữa chập chờn đêm tối. Đêm làng vắng lặng. Không như đêm phố. Tay tôi vẫn khư khư quả thị bà đưa. Bà lấy một trái từ rổ, đưa tôi rồi định trả tiền. Không, ai lại lấy tiền bà.

"Cái này bà tặng con. Tội nghiệp con phải một mình bươn chải. Bà cũng vì nghĩ thế mà mong con sớm có chỗ nương tựa".

Bây giờ nghĩ lại lời bà nói, tôi chỉ biết cười nhạt. Đúng đấy. Bà chả cần lo cho cháu thế đâu. Khi chính bà cũng chỉ thui thủi một mình. Cuộc đời hai bà cháu cứ chầm chậm trôi qua. Nhà bà ngay cạnh. Ho một cái cũng biết bà đang ốm. Thế là lại tất tả chạy sang, mang nước gừng đánh vào lưng, chà vào bàn chân, bàn tay nhăn nheo lạnh lẽo. Tay bà sao lạnh thế? Con nói bà bao nhiêu lần rồi! Tôi dám quát bà mà bà chỉ cười hiền hậu.

Cứ thế, cuộc đời của hai bà cháu chầm chậm trôi qua trong cái làng ngoại thành tưởng như chìm nghỉm giữa đời. Hà Nội không kỳ lạ, nhưng làng lại lạ lẫm với cậu công tử đến từ thành phố. Lạ sao bằng con bé bán thị hôm ấy. Lấy ra chiếc áo dài trắng hồi phổ thông. Trái thị bâng khuâng khoe sắc vàng óng ánh, nắng chạm vào phản chiếu ánh mắt giả vờ thơ ngây của đứa con gái hai chục tuổi lõi đời. Gái làng không ngốc đâu. Gái làng giờ hiểu biết lắm. Hiểu đủ để không cố với quá cao, đủ khôn để từ chối cơ hội đi thành phố hoa lệ của ai đó. Biết quá mà. Kiểu gì chả phải trả giá. Cứ vô tư được ngày nào hay ngày đó. Đạp xe lên huyện dự lễ hội trường. Cũng được học trường huyện nên phải tươm một chút chứ. "Ôi bà già kìa, lâu lắm mới gặp". Mặt xụi lơ. Mắt nhăn lại dù mới chớm đầu hai. Thế mà so với các bé xinh tươi kia cũng là già rồi đấy. Bọn trẻ tíu tít xin thị. Đứa nào đứa nấy nâng niu thứ quả chỉ có trong cổ tích. Ngoài đời cũng có mà. Đầu non nớt ước mơ gì cho tương lai khi biết cô Tấm không có thật? Thì kiếm thằng nào giàu có, công việc ổn định, có nhà mặt phố bố làm to. Thế là đủ nhỉ?

Như con Thơm nhà bán đồ khô đấy. Tôi cũng chẳng muốn nhắc đến đứa bạn đó đâu. Bạn cơ mà. Từ cái thời chia nhau nửa củ khoai cháy xém bên giếng nước đầu làng. Lũn chũn mỗi đứa hai lọn tóc được buộc bằng dây thun cao su hăng hắc. Ba đứa trai làng từ đâu lò dò đi đến, xòe tay nắm tóc tôi bắt nạt. Con Thơm người run cầm cập, cố nhặt viên đá bên đường lên dứ dứ dù biết không hiệu quả. Rồi nó lăn ra đất, gào khóc thật to để thu hút sự chú ý của người lớn. Đến khi bị một tràng cười chế giễu của người đi qua, chúng tôi cũng đã thoát. "Gái làng Thung đanh đá lắm đó nhé! Bề ngoài thế thôi chứ sống tình cảm lắm! Sau này có đi làm ăn xa cũng giữ cái nết tốt nhé con". Mấy lời đó tôi vẫn không quên đến tận bây giờ.

* * *

Nghĩ mãi cũng hết chợ chiều. Chợ làng vắng teo vì người ta cần gì thì đã mua hết rồi. Ngã tư lát gạch hồng hào, ngó qua chẳng có vẻ gì là đường làng thôn quê. Bàn nước chỉ có ấm chè và dăm chiếc kẹo lạc. Bên cạnh, rổ thị đã vơi gần hết. Đó là sự kỳ diệu ở đây? Không chắc nữa. Có ai đó trên thị trấn thích nên đã đặt mua cả chục quả. Cứ thế này thì trăm ngàn tiền lãi mỗi ngày từ thị như chơi. Tôi tủm tỉm cười thích thú khi nghĩ đến viễn cảnh tương lai vọng động. 

Cái quán được làm bằng bàn nhựa và ghế nhựa này bỗng biến thành một cửa hàng to lớn. Đèn chùm phải có một cái sáng rực. Rồi trước nhà có một con chó khá to, lúc nào cũng loanh quanh dụi bộ lông mềm mượt vào chân chủ. Chỉ cần thế là hết. Rồi hương thị tỏa tứ phương tám hướng, sực cả góc phố, góc đường. Vỉa hè nơi đó nổi tiếng đến nỗi trở thành điểm du lịch, trở thành điểm check-in nức tiếng. Mơ à con? Bà cụ móm mém vỗ yêu vào chiếc vai mơ mộng đang ngẩn ra trước cơn gió vi vu. Chỉ mơ thì không làm được gì đâu con. Phải làm dần từng bước một. Tích từng đồng tiền một. Nghe thế tôi gật gật. Còn chẳng biết phải cần đến bao nhiêu tiền. Những đồng tiền tràn mồ hôi xen lẫn giọt nước mắt buồn tủi. Con bé điên đi trồng thị. Đủ điên cho một con bé mới lớn, còn người già chỉ biết lắc đầu an ủi.

Truyện dự thi: Thị làng mà đòi mơ phố - Ảnh 2.

Hình minh họa truyện dự thi "Thị làng mà đòi mơ phố".

Làng xa rồi. Làng có cái ngã tư phố chợ và gạch lát bóng hồng. Chả khác gì góc đường trên thị trấn. Mạng internet cũng kéo dây dài ngoằng vào, trẻ con tha hồ chơi game. Chúng không biết mùi thị bà nội, bà ngoại nâng niu ngày xưa. Chúng chỉ mê mẩn trái cây nhập khẩu. Siêu thị mini ở chợ mở chưa được bao lâu, lối sống thị thành đã bao trùm làng quê vốn hiu hắt. Thế là tốt hay xấu?

Tôi cố gắng đi tìm câu trả lời ấy. Thị là nghề mẹ truyền. Thị đến từ bà ngoại. Căn nhà này cũng là của mẹ, cha chỉ tiện chân dừng bước mà thôi. Mẹ bảo có ai neo đơn cứ mời về mà ở. Bà đấy. Con đã mời bà ở cùng đấy. Chắc cũng không trái ý mẹ rồi. Đêm đó trăng sáng lắm! Hương của ba trái thị bị ế cứ tíu tít dắt nhau đi từ bàn thờ ra cửa. Hương chỉ chỗ cho bà cụ mệt mỏi. Hương dắt tay con nắm lấy tay bà. Tay lạnh lắm. Tay bong tróc cả da. Chưa bao giờ tôi thấy người già nào có số phận hẩm hiu mà tự trọng đến thế. Ai giúp, bà con tỏ ý giận dữ. Bà chỉ muốn giúp người khác thôi. Thế cũng được hả bà? Ừ, tính bà thế đấy. Câu chuyện lâu lâu gợn lên óc, kể cho anh cũng chỉ nhận về cái gật dầu thông cảm. Anh năm lần bảy lượt xuống làng, dù chẳng phải là quê cha đất tổ. Anh cần gì ở con bé quê mùa này? Có lần, tôi đem câu ấy hỏi thẳng anh, vì trên thành phố thiếu gì gái xinh, gái sành điệu, gái môn đăng hộ đối. Anh bần thần một lúc rồi làm động tác lắc đầu quen thuộc. "Anh thật lòng muốn tốt cho em mà".

Nguyên nhân thật ngọt ngào đấy anh. Thời đại nào rồi, anh còn mong một cô gái sẽ tin những lời bọc đường ấy? Hồi đó, mẹ em cũng thuộc loại xinh vào hàng top trong làng này đó. Làng trông thế thôi nhưng cũng ganh đua với làng bên, rồi lan sang cả mấy xã. Mẹ không hẳn là đẹp nhất nhưng mẹ có hương thị. Rồi thế nào lại vớ phải tay công tử thế gia. Anh tưởng chỉ cần có tình yêu là xong? Không, chẳng đơn giản thế đâu. Cái làng nhỏ bé không giữ nổi hai tâm hồn nổi loạn. Nhà bố không thể để yên. Đến chết cũng chẳng yên. Giờ thì anh hiểu rồi đúng không? Đấy, người ta yêu nhau còn không được, huống chi tôi không có chút tình cảm gì với anh.

Nghe đến đấy, mặt anh hằn lên ánh nhìn lạ lẫm. Sức kiên nhẫn của người đàn ông có lẽ cũng chạm tới giới hạn. Anh đã nghe đi nghe lại câu chuyện này mấy lần, cũng đến lúc giật mạnh cánh tay để quay về thế giới anh thuộc về. Tình yêu, xét cho cùng chỉ là một sợi dây mỏng manh, thít chặt trói những số phận nhờ bàn tay nhỏ bé của con người. Không hiểu sao anh có đủ kiên nhẫn để nghe mấy lời tâm sự vô nghĩa với vẻ ngoài bận rộn đó. Tại sao người như anh, người của một thế giới khác lại bước vào đời tôi? Anh chen ngang không cần tôi đồng ý, anh cũng có gia đình nhưng đó là một gia đình sứt sẹo. 

Trên đại lộ huy hoàng ngập tràn ánh sáng, đàn ô tô sang trọng nối đuôi nhau kiếm tìm chân lý cuộc đời. Máu chảy. Tình tan. Cuối cùng chỉ còn lại một đứa con trai cố lăn lộn giữa vô vàn chiếc mặt nạ cười. Đúng rồi đấy. Nhiều lúc anh muốn bỏ hết để về sống trong mùi bùn đất mênh mang này. Đừng cho là anh điên. Đúng là anh tức điên khi người làng nghĩ anh có mục đích khác. Thế giới này thật nhiều điều kỳ lạ. Anh cứ chầm chậm tuôn ra những lời như thế trong tiết trời man mát gió bay. Chịu thôi. Đối với anh, ước mơ về làng chắc cũng thổn thức kém gì tôi mơ phố. Thị làng! Thị quê sao đòi mơ phố? Cũng chỉ có con bé là tôi thốt lên mấy lời vô nghĩa nhẹ như gió thoảng bên tai. Bên cạnh, hương thị vẫn tỏa ra như từng đợt sóng. Nó bao trùm, nó cuốn lấy hai con người đang phiêu diêu trong cõi mơ biển mộng.

* * *

Bà đổ bệnh. Bệnh gì không ai biết, kể cả bác chủ hiệu thuốc tây và ông lang thuốc nam. Đưa bà đến viện thôi. Anh lắc mạnh tay tôi, mắt lộ rõ vẻ lo lắng chưa từng thấy bao giờ. Bà không sao, chúng mày không cần làm gì cả. Bà nói với giọng thều thào rất nhẹ. Chắc bà chỉ trúng gió thôi. Người làng là như vậy đấy. Bệnh gì cũng chỉ kêu trúng gió. Ngộ thật. Bà bảo tụi bây rồi. Bây muốn bà khỏe thì lo mà đến với nhau đi. Sao mặt đỏ bừng lên thế con.

Bà bảo này, con người với nhau thì cứ thế mà sống. Như người làng quê, cả đời chỉ cầm cày cầm cuốc, có nghĩ gì hơn nữa đâu. Cũng chỉ biết vùi mình trong thú vui dân dã, nâng niu trái thị về nhà cho con cháu sau buổi chợ. Đến lúc thác, hương khói thấm dần xuống đất, đem theo ước vọng khi còn sống xuống nấm mồ. Mà không, chẳng còn gì cả đâu con, nếu còn sống thì cứ làm đi.

"Vâng bà ạ!"

Anh thì thầm khe khẽ, hướng ánh mắt về phía tôi. Anh đang đợi tôi trả lời câu hỏi đau đáu bấy lâu. Tôi, con bé vẩn vơ giấc mơ lên phố, đến lúc này lại mông lung, bối rối. Dù bàn tay nứt toác để chăm cây thị lớn lên. Dù căn nhà mơ ước dần mờ nhạt và lùi dần xa xăm. Chỉ là ước vọng. Chỉ là tương lai vô định. Còn gì nữa ở cái làng này? Không biết.

Bóng trăng mờ dần khi mây xám lướt qua. Đám mây đó chưa chắc đã là màu tối. Ban ngày, mây lững lờ trôi nổi, phản chiếu vẻ đẹp lạnh lùng của tự nhiên. Làng hay phố? Cũng chỉ là thứ con người dựng lên. Con người chung lưng vào mà sống. Đến khi bầu trời hít thở chung ấy chia thành làng và phố, những con người có gốc gác xa xôi lại khó tìm thấy nhau.

Anh nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi. Tay anh lành lạnh, thô ráp không giống tay trai phố.

Anh đang đợi gì? Tôi cũng thế. Trong đêm vắng xen lẫn tiếng dế kêu, môi anh từ từ tiến đến. Cũng chẳng hiểu cảm giác gì. Nó không giống thứ tôi hằng ngày tưởng tượng. Cũng không giống mê man vọng động mỗi lần gánh gánh bưng bưng. Làng như thành trì của tuổi thơ và ký ức. Tôi đóng chặt cổng thành, không cho bất kỳ ước mơ nào đào thoát. Như hương thị làng. Cần có người chăm, người trẩy xuống, rồi người chở đi đưa đến từng nhà trên phố.

Làng Thung. Hương thị thơm ngát. Có đôi trai gái cùng mơ giấc mơ làng phố. Bên ngoài cửa, nồi bánh nếp đang sôi sùng sục, tỏa hơi nóng sực cả đất làng.

Cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" do Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Văn học – Nghệ thuật VOV6, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức, nhà tài trợ Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) – nhà tài trợ kim cương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem