Nỗi lo “tuổi thọ”
Xét về tính tương tác và giải trí, thật khó
tìm ra đối thủ nào lợi hại hơn truyền hình thực tế. Vì vậy, nó được coi là món
ăn tinh thần gần như không thể thiếu đối với khán giả truyền hình.
Còn nhớ, khi các show thực tế chỉ mới lác
đác ở Việt Nam, khán giả từng “sốt xình xịch” với Vietnam Idol 2010. Khi ấy,
những cái tên như: Lê Hoàng, Uyên Linh, Văn Mai Hương… trở thành đề tài nóng
hổi trên các trang tin, diễn đàn, những câu chuyện trà đá, công viên…
Kế đến, cũng có dạo, hàng triệu người hâm
mộ sẵn sàng thức tới 12 giờ đêm để xem xong cho bằng được Cặp đôi hoàn hảo
2011. Rồi Bước nhảy hoàn vũ, Vietnam’s Got Talent ngay khi chạm ngõ truyền hình Việt cũng tạo
ra hiệu quả… hốt bạc cho nhà sản xuất. Đó đều là ví dụ điển hình về thời “ăn nên làm ra” của truyền hình thực tế và
cũng là những bằng chứng không thể phủ
nhận về sức hút của thể loại này đối với độc giả.
Được kỳ vọng là show “bom tấn”, nhưng đến
The Voice thậm chí còn chẳng thể trụ được sức nóng nổi một mùa.
Nhưng chỉ ít lâu sau, chuyện gì đã xảy ra?
Vietnam’s Got Talent, Cặp đôi hoàn hảo vừa bước sang mùa thứ hai đã “nhạt như
nước ốc”. Vietnam Idol hiu hắt người xem. Bước nhảy hoàn vũ thì lại càng ảm
đạm.
Được kỳ vọng là show “bom tấn”, nhưng đến
The Voice thậm chí còn chẳng thể trụ được sức nóng thêm nổi một mùa. Ập đến như một
cơn bão, The Voice – Giọng hát Việt 2012 được khán giả chào đón nồng nhiệt
ngoài sức tưởng tượng. Nhưng tất cả gần như đã chấm hết sau hai tập đầu tiên
lên sóng.
Tình cảnh trên thực sự đáng lo ngại đối với
“tuổi thọ” của truyền hình thực tế Việt. Liệu chúng có thể cầm cự được bao lâu
khi phần đông khán giả đều đã ngoảnh mặt, quay lưng?
Quy tắc “miếng thịt mỡ”
Tính trong một năm trở lại đây, có lẽ, chưa
bao giờ, thị trường truyền hình thực tế Việt lại “loạn cào cào” tới thế! Bên
cạnh những chương trình tương đối “lão làng” như: Sao Mai, Sao Mai Điểm Hẹn,
Vietnam Idol…, người hâm mộ bỗng như “trở tay không kịp” khi hàng loạt gameshow
mới ào ạt đổ về, từ: Project Runway Vietnam, The Winner Is…, Gương mặt thân
quen, Vua đầu bếp, Siêu đầu bếp, Tôi dám hát…
Hậu quả, các đơn vị tổ chức phải chen chân
nhau lên sóng truyền hình và chỉ có những “ông lớn” mới đủ sức giành suất trên
khung giờ vàng của kênh trung ương. Trong khi đó, những đơn vị yếu thế hơn thì
đành ngậm ngùi nhìn “đứa con tinh thần” của mình dạt về “bến vắng”.
Xét về chất lượng chương trình, rõ ràng,
việc một công ty “bao thầu” tới mấy show cùng lên sóng là một sự dàn trải. Hơn
nữa, chỉ riêng lĩnh vực ca hát, Việt Nam đã có không ít chương trình tìm kiếm
tài năng như: Got Talent, Vietnam Idol, The Voice, Sao Mai, Sao Mai Điểm Hẹn,
Tiếng hát truyền hình… và sắp tới là X-Factor.
Điều đó giải thích vì sao chất lượng thí
sinh của các chương trình mỗi năm mỗi kém. Trong khi, kể cả đối với Mỹ - một
trong những quốc gia có nền âm nhạc phát triển nhất thế giới, cũng chỉ có ba
cuộc thi lớn mỗi năm là American Idol, The Voice và X-Factor.
Về phía khán giả, với mật độ và tần suất
phát sóng các show thực tế, không ai có thể bỏ ra tới 6 tiếng mỗi ngày để xem.
Đó là chưa kể tới chuyện khung giờ của các show trùng nhau là chuyện bình
thường. Và khi có quá nhiều chương trình được bày ra, đương nhiên họ phải lựa
chọn để tránh bị “bội thực”. Vô hình chung, “thị phần” khán giả của các show
dần bị thu hẹp, thậm chí có show “thất trận” ngay từ lúc ra quân.
Gương mặt thân quen, Vua đầu bếp, The
Winner Is… đều là những chương trình từng gây “bão” ở nhiều quốc gia trên thế
giới, đạt kỷ lục về lượng người xem. Tuy nhiên, chúng lại “mất thiêng” ngay khi
về Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó không thể không nói tới
chuyện khán giả Việt đã bị ngập ngụa với lượng show dày đặc.
Chỉ nhìn qua cũng có thể thấy truyền hình
thực tế tựa như một… “miếng thịt mỡ” dành cho khán giả: Không ăn sẽ thấy thèm,
ăn thòm thèm sẽ thấy ngon, ăn đủ thấy hài lòng, còn thừa thì ngán ngấy!
-----------
Bài 2 - Show chọn Giám khảo: Chuyên môn chỉ là... phụ!
Thu Thảo (Thu Thảo)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.