Truyền nhân đời thứ 13 của một gia tộc Quảng Nam làm nghề mộc nổi tiếng nhất miền Trung là ai?

Trần Hậu - Tuyết Nhung Thứ bảy, ngày 30/09/2023 05:32 AM (GMT+7)
Làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) hình thành từ cuối thế kỷ XV, đến thế kỷ XVIII thì phát triển cực thịnh.
Bình luận 0

"Tôi rời quê hương để vào miền Nam mưu sinh, nhưng rồi niềm đam mê với nghề mộc luôn âm ỉ và thôi thúc tôi quay về kế nghiệp gia đình, vực dậy làng mộc Kim Bồng vang danh một thời…", nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng tâm sự.

Tinh hoa mộc Kim Bồng thể hiện rõ nét trên các ngôi nhà cổ, chùa, hội quán, nhà thờ tộc ở Hội An với đường nét chạm khắc tinh xảo, ấn tượng.

Nối nghiệp cha ông

Trải qua hơn 500 năm, làng mộc truyền thống Kim Bồng đứng trước nguy cơ mai một trong xu thế hội nhập của thời đại mới, những truyền nhân của làng đã rất nỗ lực để vực dậy làng nghề. Nổi bật trong đó là Nghệ nhân Ưu tú Huỳnh Sướng (54 tuổi), truyền nhân đời thứ 13 của gia tộc họ Huỳnh, người đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc "hồi sinh" làng nghề.

Quảng Nam: Truyền nhân đời thứ 13 của gia tộc làm nghề mộc nổi tiếng nhất miền Trung là ai? - Ảnh 1.

Nghệ nhân Ưu tú Huỳnh Sướng giới thiệu tác phẩm “Cội nguồn” được triển lãm nhân dịp 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Ảnh: T.H.

Nằm cạnh bờ sông Hoài, Cơ sở mộc truyền thống Kim Bồng Huỳnh Ri của ông Huỳnh Sướng luôn có đông du khách tìm đến tham quan, chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc ấn tượng và trải nghiệm làm nghề mộc.

Ông Sướng là người con duy nhất trong gia đình được cha ông (Nghệ nhân Nhân dân Huỳnh Ri) truyền lại nghề, ông Sướng bùi ngùi nói: "Tôi lớn lên trong tiếng cưa, đục, đẽo gỗ của cha, của ông và của người làng, nên biết việc từ nhỏ. Sau nhiều năm ly hương, tôi đau đáu nỗi niềm kế nghiệp nên quyết định trở về cùng cha xây dựng xưởng mộc gia đình".

Quảng Nam: Truyền nhân đời thứ 13 của gia tộc làm nghề mộc nổi tiếng nhất miền Trung là ai? - Ảnh 2.

Hiện ngôi nhà của ông Sướng đang là nơi sản xuất, trưng bày, dạy trải nghiệm nghề mộc cho du khách khi đến tham quan làng mộc Kim Bồng. Ảnh: T.H.

Vừa làm vừa học và tích luỹ kinh nghiệm, ông làm ra nhiều sản phẩm đồ gỗ dân dụng, điêu khắc truyền thống, nội thất, đồ mỹ nghệ…. Đặc biệt, lĩnh vực thi công, thiết kế các công trình kiến trúc xưa, trùng tu nhà cổ, khu du lịch, di tích do ông Sướng thực hiện luôn được mọi người khen ngợi, thán phục và làm nên tên tuổi của nghệ nhân xứ Quảng.

Để phát triển bản thân, ông tìm đến nhiều làng nghề trong nước để học tập, tiếp thu những điều hay mới lạ, góp phần vào việc sáng tạo ra những sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngày trước, ông Sướng chế tác từ các loại gỗ quý như dổi, xà cừ, lim, trắc, mít, nhưng hiện nay nguồn nguyên liệu hạn chế nên ông chủ yếu làm từ gỗ mít, gỗ keo, gỗ rừng trồng.

Quảng Nam: Truyền nhân đời thứ 13 của gia tộc làm nghề mộc nổi tiếng nhất miền Trung là ai? - Ảnh 3.

Ông Sướng là truyền nhân đời thứ 13 trong gia đình có truyền thống làm mộc tại Kim Bồng. Ảnh: T.H.

Gỗ được phơi khô từ 1 tháng đến nhiều năm để tăng khả năng chống mối mọt, sản phẩm sử dụng bền lâu hơn. 

Hiện nay, xưởng của ông vẫn duy trì sản xuất thủ công là chính, vì thế những sản phẩm mộc vẫn giữ được nét đẹp truyền thống nhưng không kém phần tinh xảo, bắt mắt.

Đặc biệt, những sản phẩm của làng Kim Bồng nói chung được để mộc hoặc chỉ sơn bóng nhẹ nhàng để giữ nguyên màu gỗ tự nhiên, giúp sản phẩm mộc truyền thống nơi đây có dấu ấn riêng, tạo sự thích thú và ấn tượng với nhiều du khách.

Ông Sướng chia sẻ: "Nghề mộc không khó cũng không dễ, quan trọng là người thợ phải yêu nghề và có niềm đam mê mãnh liệt thì mới sống được với nghề, có sự thăng hoa, sáng tạo để "thổi hồn" cho từng sản phẩm. Bởi chỉ có sáng tạo mới giúp sản phẩm mộc truyền thống trở nên mới mẻ, đa dạng, nâng cao giá trị và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng".

Quảng Nam: Truyền nhân đời thứ 13 của gia tộc làm nghề mộc nổi tiếng nhất miền Trung là ai? - Ảnh 5.

Tác phẩm “Sắc Việt” được ông Sướng chế tác từ phần gỗ bị vứt đi. Ảnh: T.H.

Để hoàn thành một sản phẩm đẹp thì người thợ Kim Bồng mất một quãng thời gian dài với nhiều công sức và tâm huyết. Vì vậy, sản phẩm mộc thủ công truyền thống mang đậm dấu ấn bàn tay tài hoa của người thợ mộc và cũng có giá thành cao hơn so với sản phẩm mộc công nghiệp.

Giữ lửa làng nghề

Chỉ tay về chiếc đinh hương chạm khắc 1000 con rồng bằng hình ảnh cây tre hóa, Nghệ nhân Ưu tú Huỳnh Sướng tự hào nói: "Đây là tác phẩm "Cội nguồn" đạt giải Ba trong cuộc thi sản phẩm thủ công Việt Nam lần VII năm 2010. Tác phẩm hình quả bầu ý chỉ truyền thuyết con Rồng cháu Tiên – trăm trứng nở trăm con, trên thân điêu khắc 1000 con rồng tre và các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thủ đô Hà Nội.

Dù khách hàng đặt mua 3 tỷ đồng nhưng tôi không bán, vì đây là một trong những "đứa con" mà tôi rất tâm đắc, giữ lại để trưng bày như một minh chứng cho danh tiếng vàng son của làng mộc Kim Bồng Hội An".

Quảng Nam: Truyền nhân đời thứ 13 của gia tộc làm nghề mộc nổi tiếng nhất miền Trung là ai? - Ảnh 6.

Ông Sướng luôn tận tâm truyền nghề mộc cho những thanh niên đam mê và nhiệt huyết với nghề. Ảnh: T.H.

Ngoài việc chế tác các vật dụng từ gỗ thì ông còn tìm tòi và chế tác từ tre, gỗ thừa, đồ bị vứt bỏ. Bởi trong mắt nhìn của người nghệ nhân thì mọi vật dụng đều có giá trị, chỉ cần người thợ biết cách lột tả thì sản phẩm sẽ tự khắc có hồn và mang tính nghệ thuật.

Hiện ngôi nhà của ông Sướng đang là nơi sản xuất, trưng bày, dạy trải nghiệm nghề mộc cho du khách khi đến tham quan làng mộc Kim Bồng. Đồng thời cũng là nơi ông đã trực tiếp dạy nghề mộc cho hơn 100 học trò trong và ngoài nước.

Quảng Nam: Truyền nhân đời thứ 13 của gia tộc làm nghề mộc nổi tiếng nhất miền Trung là ai? - Ảnh 7.

Hình ảnh con rồng tre trên chiếc đinh hương được chạm khắc tinh xảo và có giá trị nghệ thuật cao. Ảnh: T.H.

Ông Sướng cho biết, cách duy nhất để làng mộc Kim Bồng được lưu giữ và không bị thất truyền đó là những nghệ nhân trong làng cùng dạy và truyền nghề cho những thanh niên có niềm đam mê, nhiệt huyết muốn theo nghề, chứ không riêng gì con cháu trong dòng họ như trước đây. 

Bởi hơn hết nghề mộc khá "kén" người làm, chỉ những ai thực sự có tâm huyết, kiên trì và khối óc sáng tạo không ngừng nghỉ thì mới gắn bó được lâu dài.

"Tôi vui nhất là khi có đứa con trai biết trân quý và chọn nối nghiệp của mình. Với tư duy của thế hệ trẻ, tôi tin rằng rồi đây tên tuổi làng mộc Kim Bồng sẽ tiếp tục vang xa và phát triển lớn mạnh hơn nữa", ông Sướng hào hứng nói.

Quảng Nam: Truyền nhân đời thứ 13 của gia tộc làm nghề mộc nổi tiếng nhất miền Trung là ai? - Ảnh 8.

Xưởng mộc của ông Sướng có đa dạng sản phẩm: tượng Phật, chân dung, phù điêu, tranh phong cảnh, đồ nội thất, đồ lưu niệm…. Ảnh: T.H.

Quảng Nam: Truyền nhân đời thứ 13 của gia tộc làm nghề mộc nổi tiếng nhất miền Trung là ai? - Ảnh 9.

Nghệ nhân Ưu tú Huỳnh Sướng đã có những cống hiến to lớn trong việc gìn giữ và phát triển làng nghề mộc truyền thống Kim Bồng. Ảnh: T.H.

Xưởng mộc của ông hiện đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với mức lương 15 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, trong năm cơ sở còn nhận thi công hàng chục công trình kiến trúc, trùng tu, tạo việc làm cho 20-50 lao động thời vụ.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2013 ông Huỳnh Sướng được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. 

Đây là sự tôn vinh cao quý dành cho sự cống hiến của ông trong việc gìn giữ và phát triển làng nghề mộc truyền thống Kim Bồng, đồng thời bảo tồn những nét đẹp trong các công trình kiến trúc cổ của người dân xứ Quảng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem