Truyền thông Đức thừa nhận tình báo nước này hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga
Truyền thông Đức thừa nhận tình báo nước này hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga
Lê Phương (RT)
Thứ năm, ngày 29/09/2022 14:00 PM (GMT+7)
Cục Tình báo Liên bang Đức (BND) đã chuyển tiếp hình ảnh vệ tinh, dữ liệu đánh chặn vô tuyến và thông tin liên lạc điện thoại tới Kiev trong nhiều tháng, giúp Ukraine đối đầu với Nga trong khi Berlin chính thức khẳng định mình không tham gia vào xung đột, tạp chí Zeit tiết lộ hôm 28/9.
"Thông tin được cung cấp giúp quân đội Ukraine đánh giá hiệu quả chiến đấu và tinh thần của các đơn vị Nga, cũng như kiểm tra vị trí của họ", Zeit viết, mô tả tình báo Đức đã có đóng góp "bước ngoặt" trên chiến trường.
Zeit cũng tiết lộ rằng các điệp viên Đức đã cung cấp cho Mỹ một số thông tin tình báo từ Baghdad trong chiến dịch ở Iraq năm 2003. Trước đó, Berlin chính thức từ chối chia sẻ thông tin với Washington trong các cuộc xung đột ở Iraq và Afghanistan, theo báo cáo của BND.
Tạp chí cho biết, người đứng đầu BND, ông Bruno Kahl đã gặp người đồng cấp Ukraine tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2, và đang ở Kiev khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu.
Chính phủ Đức có chính sách không bình luận về các vấn đề tình báo, và Thủ tướng Olaf Scholz tiếp tục khẳng định Berlin không phải là một bên trong cuộc xung đột. Vào tháng 5, BND đã công bố một phân tích pháp lý, trong đó các luật sư của họ nói rằng việc chia sẻ thông tin tình báo không có nghĩa là Đức tham gia vào chiến sự, theo luật pháp quốc tế.
Theo Zeit, câu hỏi đặt ra là liệu Tổng thống Nga Vladimit Putin có quan tâm đến việc các luật sư Đức phân tích sự khác biệt pháp lý hay không. Các nguồn tin của tạp chí lập luận rằng "sự sống còn của Ukraine đang bị đe dọa" và "Tổng thống Putin sẽ đưa ra quyết định của mình dựa trên những cân nhắc chiến lược".
Các quốc gia NATO khác, chẳng hạn như Mỹ và Anh, đang tích cực hỗ trợ Ukraine, đặc biệt là cung cấp cho Kiev "thông tin tình báo thời gian thực có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu chuyển động". Ban đầu, Mỹ không sẵn lòng cung cấp cho Ukraine dữ liệu "chi tiết" như vậy, tuy nhiên hạn chế này đã được dỡ bỏ "vài tháng trước", theo Zeit.
Vào tháng 5, tờ Washington Post đã công bố một báo cáo về "các quy tắc" chia sẻ thông tin tình báo của Mỹ, giải thích cách gián điệp Mỹ cung cấp thông tin cho Ukraine mà về mặt kỹ thuật, họ đã định nghĩa lại khái niệm "nhắm mục tiêu", từ đó đảm bảo Mỹ không phải chịu trách nhiệm bất kỳ cuộc tấn công nào của Ukraine vào bên trong lãnh thổ Nga.
Như các điệp viên Đức nói với Zeit, Điện Kremlin đã chọn cách không gây ồn ào về việc Mỹ cung cấp cho Ukraine "tọa độ mục tiêu chính xác". Theo tạp chí này, tình báo Mỹ có khả năng đứng sau vụ Ukraine đánh chìm tàu tuần dương Nga Moskva vào tháng 4 và tiêu diệt một số tướng lĩnh Nga, mặc dù Nhà Trắng chính thức phủ nhận.
"Từ lâu, Tổng thống Putin đã biết khả năng của các cơ quan tình báo là như thế nào", Zeit viết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.