Truyền thuyết "con dao thần" và bí truyền của thợ rèn trên đỉnh Ngok Phi

Thanh Luận Chủ nhật, ngày 23/11/2014 09:00 AM (GMT+7)
Người Tơ Đrăh - dân tộc Xê Đăng định cư xung quanh các đỉnh núi vùng Bắc Tây Nguyên. Từ bao đời nay nơi đây tồn tại một truyền thuyết về con dao thần của A Wư đuổi được ma rừng.
Bình luận 0

Chuyện kể rằng, làng của người Tơ Đrăh là những ngôi nhà sàn được dựng lưng chừng đồi núi, vừa tránh thiên tai khi mưa lũ vừa tránh được thú dữ trên rừng. Cuộc sống của dân các làng đang yên ả thì bỗng một hôm, một cơn gió lớn đủ sức thổi tốc mái nhà rông mang theo con ma rừng có tiếng kêu réo nghe đau đầu, tức ngực. Con ma mang lại dịch bệnh cho dân làng. Họ ngày càng ốm yếu, xanh xao, từ từ chết dần giữa tình thương yêu của lũ làng.

Các trưởng làng cùng nhau cử thanh niên, trai tráng, những người có sức khoẻ đi bắt con ma rừng để bảo vệ tộc người Tơ Đrăh. Nhưng những lần vây bắt ma rừng đều không thành. Con ma rừng thường ẩn vào cây rừng lớn lưng chừng núi mà vũ khí của những thanh niên Tơ Đrăh lúc đó chỉ có dao rựa và búa sắt, mỗi khi chém vào cây rừng, nơi có con ma ẩn nấp đều bị sứt mẻ.

Cũng không bắt được ma rừng như thanh niên các làng khác, chàng A Wư ở làng Wang Niôm mệt mỏi ngủ lại ngay trên cây trong rừng. Giữa giấc ngủ vùi mệt nhọc, chàng A Wư được một con chim rừng bảo phải dùng cây rừng loăng rlinh đốt lửa để rèn vũ khí thì mới giết được ma rừng. Nhưng cây loăng rlinh chỉ để rèn còn không được dựng nhà, không được dùng vào bất kỳ việc gì khác. Nếu không sẽ mất thiêng.

img 

A Wư mang chuyện giấc mơ kể cho buôn làng nghe và dân làng đã giúp chàng tìm loại cây này để rèn vũ khí. Và cũng nhờ vũ khí này mới giết được ma rừng, mang lại no ấm cho các buôn làng tộc người Tơ Đrăh.

Và cũng từ truyền thuyết này, trong 5 nhánh dân tộc Xê Đăng khu vực Bắc Tây Nguyên, tộc người Tơ Đrăh nổi tiếng với nghề rèn. Người đàn ông Tơ Đrăh tài giỏi phải biết làm chiếc rựa sắc, không mẻ để có thể khuất phục được cây rừng.

Người Tơ Đrăh hiện đang sinh sống tại các xã Đăk Ui, Ngok Réo, Đăk Kôi, Đăk Tơ Lung, Ngok Wang trên địa bàn huyện Kon Rẫy, huyện Đăk Hà (Kon Tum). Địa bàn cư trú tộc người Tơ Đrăh sinh sống xung quanh các ngọn đồi Ngok Phi, Ngok Pông, Ngok Kla, Teă Phía… Nơi co những quặng sắt với hàm lượng sắt cao, thường ở dạng cục (tiếng tộc người Tơ Đrăh gọi là Hmao Ktô) và dạng cát (Hmao Jiang).

Để nung được quặng và rèn sản phẩm, người Tơ Đrăh dựng lò rèn làm từ da con mang mà người dân gọi là Tơ Niam Pi Pu. Theo truyền thống, lò rèn Tơ Niam Pi Pu gồm có bễ hơi được làm bằng da mang (kea chiêu), ống bễ bằng gỗ (tê tê), ống dẫn hơi bằng nứa (rơ vang) và ống dẫn hơi chịu lửa dẫn ra lò (rơ chông) và lò nung (kloh tơ niam).

Để đun được quặng sắt, người Tơ Đrăh phải lên rừng tìm được cây rừng có tên gọi là loăng rlinh để làm than. Theo cụ A Xe, làng Wang Tố, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, chỉ với than từ loại cây này, lửa lò rèn Tơ Niam Pi Pu mới đủ độ nóng cần thiết có thể nung chảy quặng sắt tự nhiên. Đặc biệt, khi nung quặng, tài năng của người thợ rèn chính – gọi là bơ ngai tha – được chứng minh qua việc kết hợp 2 loại quặng cát và quặng cục. Việc pha chế 2 loại quặng này được xem là phương thức bí truyền của những bơ ngai tha tài giỏi tạo ra thỏi sắt chất lượng cao, chắc bền và không bị mẻ, gãy khi sử dụng.

Khi đã có những thỏi sắt ưng ý, theo truyền thống thợ rèn tộc người Tơ Đrăh không được phép sử dụng than loăng llinh nữa mà chỉ sử dụng những loại cây khác để cho nhiệt độ thấp hơn. Khi công cụ được hình thành, tộc người Tơ Đrăh còn dùng vẩy tê tê, sừng trâu để sản phẩm được chắc, bền hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem