TTCK giảm hơn 40 điểm: “Tăng mới lạ, còn giảm là trong… logic"

Quốc Hải Thứ ba, ngày 08/06/2021 15:14 PM (GMT+7)
Nền kinh tế ảm đạm vì dịch bệnh Covid-19 nhưng thị trường chứng khoán vẫn thăng hoa, chỉ số VN-Index lần lượt vượt mốc 1.350 điểm, rồi hướng tới mục tiêu 1.400 điểm. Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế lại đặt vấn đề: “Có sự thiếu logic trong đà tăng điểm của chỉ số VN-Index, khi nền kinh tế vẫn đang còn khó khăn bởi dịch bệnh…”
Bình luận 0

Trong phiên giao dịch chiều nay (8/6), chỉ số VN-Index lại tiếp tục giảm mạnh. Thời điểm 14h30 phút, chỉ số VN-Index giảm sốc tới 40,67 điểm so với phiên giao dịch hôm qua, về mốc 1.318,11 điểm.

Thị trường chứng khoán giảm hơn 40 điểm, đã đến lúc “bong bóng” vỡ (!?) - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán phiên chiều nay có lúc chỉ số VN-Index giảm hơn 40 điểm (Ảnh: Quốc Hải)

Trên thực tế, đà giảm điểm này cũng đã được nhiều công ty chứng khoán cảnh báo từ đầu phiên giao dịch hôm nay, bởi nguyên nhân "… sẽ có những nhịp điều chỉnh mạnh, thị trường sẽ rung lắc mạnh…". Song với giới chuyên gia về đầu tư chứng khoán, những "nghi ngờ" về thị trường tăng ảo không phải là không hiện hữu. Thậm chí, một số công ty chứng khoán cũng đã ít nhiều đề cập đến khả năng đảo chiều của thị trường ngay phiên giao dịch đầu tuần.

Chẳng hạn, trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 6 mới phát hành, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng mạnh. Theo đó, tổng lượng bán ròng trong tháng 5 là 11,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn cả mức bán ròng kỷ lục của tháng 3 là 11,45 nghìn tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng lượng bán ròng của khối ngoại trên 3 sàn chứng khoán lên tới 25,8 nghìn tỷ đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia SSI, châu Á đang là "điểm trũng" của dịch Covid-19 khi tỷ lệ tiêm ngừa vaccine của khu vực chỉ đạt 6,1%, thấp hơn trung bình thế giới (10,9%). Vì thế, thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ và chịu ảnh hưởng tiêu cực từ xu hướng chung của khu vực. Ngoài ra, xu hướng rút vốn của các quỹ ETF có thể thay đổi khi tình hình dịch bệnh trong khu vực được kiểm soát. Nhìn lại năm 2018, dòng vốn ETF có xu hướng đảo chiều vào giữa tháng 2 thì thị trường chứng khoán cũng tạo đỉnh vào 9/4/2018.

"Dù hiện tại quy mô, chất lượng thị trường đã thay đổi, tác động của dòng vốn ngoại cũng có thể mờ nhạt hơn nhưng nếu xu hướng rút ròng của các quỹ ETF tiếp diễn cũng sẽ là một chỉ báo đáng lưu tâm để gia tăng sự thận trọng với thị trường", các chuyên gia của SSI Research, nêu quan điểm.

Trên thực tế, các công ty chứng khoán cũng đưa ra cảnh báo về khả năng lạm phát cao, dự báo trong quý 2/2021, lạm phát khả năng vào khoảng 4-5% do giá dầu tăng mạnh (theo VNDIRECT).

"Với việc nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng từ đầu năm, nỗi sợ lạm phát và điều chỉnh tăng lãi suất từ ngân hàng Nhà nước, rủi ro điều chỉnh trên thị trường là điều khó tránh khỏi", một chuyên gia đến từ Chứng khoán VNDIRECT, bình luận.

Thị trường chứng khoán giảm hơn 40 điểm, đã đến lúc “bong bóng” vỡ (!?) - Ảnh 3.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển (Ảnh: Quốc Hải)

Trong khi đó, nói về các phiên liên tục giảm điểm gần đây, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, bật thốt: "TTCK tăng mới lạ, còn giảm điểm là trong… logic".

Theo giải thích của ông Hiển, trong khi giai đoạn 2018-2019, nền kinh tế Việt Nam phục hồi khá tốt nhưng chỉ số Vn-Index không thể vượt qua con số 1.100 điểm, cứ lên rồi lại xuống. Trong khi lĩnh vực bất động sản thì có tốc độ tăng rất tốt. Điều này mới thấy khá lạ, hơi khó hiểu và khó chịu.

Trong khi đó, từ tháng 4/2020 đến nay đã tròn 1 năm nền kinh tế chịu khó khăn. Thống kê cho thấy các DN đều suy giảm lợi nhuận và khó khăn, việc làm giảm, tiền lương giảm… Như thế, chứng khoán là các công ty phản ánh nền kinh tế phải khó khăn. Chưa kể, chính cả NHNN và các NHTM thấy nền kinh tế khó khăn nên phải giảm lãi suất tiền gởi, để có cơ hội giảm lãi suất cho vay… Thế nhưng, chỉ số VN-Index lại tăng vùn vụt, vượt qua 1.300 điểm, tiến tới 1.400 điểm. Những cổ phiếu từ vùng giá 10.000 đồng/CP trong năm 2020 tăng vọt lên 30.000 – 40.000 đồng/CP. Như vậy, đó là một sự ngược… logic.

Về phía nhà đầu tư cá nhân, họ cứ thấy TTCK tăng, rồi thêm chán nản với tiền gửi ngân hàng nên cứ rút tiền ra đổ vào chứng khoán.

Thống kê cho thấy trong tháng 4 - tháng 5 vừa qua, cùng với chứng khoán tăng, có tới 1,5 tỷ USD tiền mới từ khoảng 300.000 tài khoản mới bỏ vào giao dịch. Đây là một sự bất thường, bởi trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chứng khoán làm sao tăng? Đặc biệt, với các mã chứng khoán ngân hàng, là các mã gánh chịu chung của nền kinh tế mà kinh tế thì ảm đạm nhưng các mã này vẫn tăng, đó là bất thường thấy rõ.

"Thời gian gần đây, liên tục các chuyên gia đưa ra cảnh báo vỡ bong bóng chứng khoán. Vì thế, việc chứng khoán giảm điểm là hiển nhiên và chỉ là vấn đề thời gian, còn tiếp tục tăng điểm mới là căng thẳng, cần đặt dấu chấm hỏi vì sao thị trường lại tăng như thế", ông Hiển bình luận.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem