Từ 1.7: Nới rộng quyền khởi kiện

Thứ sáu, ngày 01/07/2011 09:23 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo Luật Tố tụng hành chính (TTHC) có hiệu lực từ 1.7, người dân có thể khởi kiện ngay ra tòa trước một quyết định hành chính chưa đúng.
Bình luận 0

Về vấn đề này, Báo NTNN đã phỏng vấn ông Đinh Văn Quế - nguyên Thẩm phán TAND Tối cao.

img
Phiên tòa hành chính xét xử vụ một công dân kiện Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) ngày 29.6.

So với Pháp lệnh TTHC trước đây, ông có nhận xét gì về luật được ban hành lần này?

- Trước đây Pháp lệnh quy định quá chặt chẽ về quyền khởi kiện của công dân. Nay Luật TTHC quy định cho công dân có quyền lựa chọn có thể khởi kiện ngay ra toà án hành chính là nhằm tạo điều kiện để cho người dân muốn sự việc mà mình không đồng ý được giải quyết nhanh hơn, kịp thời hơn, quyền và lợi ích chính đáng của công dân được bảo đảm hơn. Nếu xét về mặt xã hội thì rõ ràng quy định mới này tiến bộ hơn nhiều so với Pháp lệnh trước đây.

Thưa ông, trường hợp dân kiện ra tòa quyết định hành chính của ông chủ tịch tỉnh mà ông này lại né tránh thì sẽ giải quyết thế nào?

img
Ông Đinh Văn Quế

- Thực tiễn xét xử các vụ án hành chính, vấn đề này không vướng mắc, nhất là trong điều kiện Nhà nước ta đang có chủ trương cải cách hành chính thì chẳng ông chủ tịch nào né tránh được đâu. Toà án đã thụ lý, triệu tập mà ông chủ tịch không đến hoặc không cử người có thẩm quyền đến thì chắc chắn toà không để ông ấy né tránh được.

Bởi thời hạn giải quyết, xét xử vụ án hành chính đã được Luật TTHC quy định chặt chẽ. Mặt khác, ông chủ tịch đó cũng mong ra toà án để bảo vệ “quyết định" của mình chứ!

Có thể nói luật này ra đời giúp “dân kiện quan”, nhưng người dân vẫn lo ngại rằng “con kiến kiện củ khoai”. Vậy theo ông làm thế nào để giải quyết vấn đề này để đảm bảo quyền lợi của người dân?

- Đây là tâm lý thôi, chứ thực chất không phải như vậy! Trước khi Luật TTHC có hiệu lực, hàng năm các toà án vẫn thụ lý giải quyết hàng trăm vụ án hành chính, có nhiều vụ toà án quyết định huỷ bỏ quyết định hành chính của người bị kiện đấy chứ.

Tuy nhiên, cũng có nhiều vụ, toà án quyết định bác yêu cầu của người đi kiện (trong đó có trường hợp bác sai) làm cho tâm lý của người dân cho rằng “con kiến kiện củ khoai”. Mặt khác cũng phải xét đến ý thức pháp luật của dân ta chưa cao. Việc kiện ra toà án hành chính cũng mới có, nên không thể tránh khỏi tâm lý này.

Theo Luật TTHC, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó. Như vậy, khi nhận được quyết định hành chính, hành vi hành chính..., người dân có 2 quyền chọn lựa: Hoặc khiếu nại đến người có thẩm quyền hoặc khởi kiện ngay ra tòa.

Là người có nhiều kinh nghiệm xử án, ông có cho rằng các thẩm phán sẽ rất “khó xử” các quyết định chưa đúng của ông chủ tịch cùng cấp?

- Thực tiễn xét xử các vụ án hành chính trong những năm qua, tôi chưa thấy trường hợp nào thẩm phán “không dám” huỷ quyết định của chủ tịch UBND cùng cấp cả. Hơn nữa, ông chủ tịch cùng cấp cũng không có quyền nhận xét một thẩm phán khi tái nhiệm, mà thường là đồng chí bí thư hoặc phó bí thư thường trực làm việc này.

Sắp tới, theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, toà án sẽ được tổ chức thành 4 cấp và không bị lệ thuộc vào đơn vị hành chính nữa. Do đó, tâm lý sợ hay “không dám” chắc chắn không còn đất để tồn tại.

Mà làm sao phải “không dám” chứ! Thẩm phán nhân danh nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chứ có nhân danh huyện hay tỉnh đâu mà phải sợ. Nếu có thẩm phán nào “sợ” thì vị đó nên xin từ chức sớm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem