Từ Bắc vào Nam, khám phá những phiên chợ độc nhất vô nhị, mỗi năm họp đúng 1 lần vào đầu năm mới

Nguyên An Thứ bảy, ngày 10/02/2024 08:01 AM (GMT+7)
Những phiên chợ Tết luôn là nét văn hóa độc đáo của người Việt. Mồng 1 Tết, cùng Dân Việt đi dọc từ Bắc vào Nam khám phá những phiên chợ đặc biệt nhất Việt Nam dịp đầu năm.
Bình luận 0

Các phiên chợ đầu năm không giống những phiên chợ ngày thường, ở đây mọi người vui vẻ mua bán không quan trọng đắt rẻ mà chỉ lấy lộc đầu năm. Dưới đây là những phiên chợ đầu năm nhộn nhịp, độc đáo và thu hút nhiều du khách nhất.

Phiên chợ Gò (Bình Định): Họp vào mùng 1 Tết

Chợ Gò (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) chỉ họp duy nhất vào mùng 1 Tết và mang đậm nét văn hóa miền "đất võ" Bình Định. Phiên chợ này có nguồn gốc từ thời anh em nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa.

Từ Bắc vào Nam, khám phá những phiên chợ độc nhất vô nhị, mỗi năm họp đúng 1 lần vào đầu năm mới- Ảnh 1.

Hàng vạn du khách thập phương đến vui chơi tại chợ Gò. Ảnh: Anh Tú/ Người Lao Động

Mặt hàng bày bán ở chợ Gò không đa dạng như ở nhiều chợ khác, chủ yếu là "cây nhà lá vườn" của những cư dân quanh vùng nuôi trồng được. Nét đẹp của phiên chợ Gò đã thành văn hóa truyền thống là người bán không hề nói thách, còn người mua cũng không trả giá. Người bán nhỏ nhẹ, người mua từ tốn, cứ như đang trao và nhận những điều tốt đẹp nhất đầu năm.

Từ Bắc vào Nam, khám phá những phiên chợ độc nhất vô nhị, mỗi năm họp đúng 1 lần vào đầu năm mới- Ảnh 2.

Nhiều người bán trầu cau tại Lễ hội Chợ Gò. Ảnh Hoài Thu/ Báo Bình Định

Các mặt hàng được bán ở đây chủ yếu là các loại cây nhà lá vườn như rau, trái cây, tôm, cá, đặc biệt là cau trầu. Thông thường mỗi người sẽ mua 12 lá trầu biểu tượng cho 12 tháng, 2 trái cau chín, vôi và sung để cầu may mắn sung túc cho gia đình cho năm mới.

Từ Bắc vào Nam, khám phá những phiên chợ độc nhất vô nhị, mỗi năm họp đúng 1 lần vào đầu năm mới- Ảnh 3.

Biểu diễn võ thuật tại chợ Gò. Ảnh: Anh Tú/ Người Lao Động

Phiên chợ Gò luôn đông vui, nhộn nhịp bởi sự vui vẻ hân hoan ngày đầu năm mới. Ở đây đặc biệt mọi người đến mua, bán để lấy lộc vì thế không ai thách giá cũng không ai trả giá.

Khi đến đây mọi người còn có thể tham gia một số hoạt động thú vị được tổ chức nơi đây. Tham gia các trò chơi dân gian truyền thống như múa võ cổ truyền, múa lân, đánh cờ, bài chòi… Hơn nữa, đến chợ Gò còn được thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương Bình Định như nem chợ huyện, chim mía, rượu nếp vô cùng hấp dẫn.

Phiên chợ Đình Cả (Hải Dương): Họp vào mùng 2 Tết

Vào sáng mùng 2 Tết hàng năm, tại khu vực Đình Cả thuộc xã Tân Hương, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, một phiên chợ đặc biệt lại được diễn ra. Chợ chỉ họp một năm duy nhất một lần, thu hút hàng nghìn người trong và ngoài xã tham gia.

Từ Bắc vào Nam, khám phá những phiên chợ độc nhất vô nhị, mỗi năm họp đúng 1 lần vào đầu năm mới- Ảnh 4.

Chợ bán đủ các mặt hàng từ thịt, cá, rau dưa đến đồ khô. Mọi người quan niệm phiên chợ đầu năm suôn sẻ, thuận lợi thì cả năm sẽ may mắn. Ảnh: Hà Nga/Báo Hải Dương

 Phiên chợ này gắn liền với sự tích Đình Cả và sự tồn tại của làng Bói. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử và sự đổi thay của làng quê, nhưng phiên chợ duy nhất hàng năm này vẫn được duy trì và ngày càng mở rộng.

Bên cạnh những mặt hàng quen thuộc phục vụ đời sống hàng ngày, chợ còn bán muối và trầu cau để những nam thanh nữ tú có cơ hội tìm được duyên lành trong năm mới. Người đến chợ du xuân đều muốn mua ít nhất là một món đồ nhỏ.

Phiên chợ Bích La (Quảng Trị) họp từ tối mùng 2 Tết đến sáng mùng 3 Tết

Một phiên chợ thú vị ở thôn Bích La, xã Triệu Đông, Triệu Phong, Quảng Trị chỉ diễn ra từ tối mùng 2 đến sáng mùng 3 Tết. Phiên chợ Bích La đã thu hút rất nhiều người dân và du khách đến tham gia. Các sản phẩm được bày bán đa dạng và chủ yếu là nông sản từ chính người bán làm ra. 

Cũng như bao phiên chợ Tết khác, chợ Bích La là dịp để mọi người mua may bán rủi chứ không ai thách giá, mặc cả.

Từ Bắc vào Nam, khám phá những phiên chợ độc nhất vô nhị, mỗi năm họp đúng 1 lần vào đầu năm mới- Ảnh 5.

Cũng như bao phiên chợ Tết khác, chợ Bích La là dịp để mọi người mua may bán rủi chứ không ai thách giá, mặc cả.

Bên cạnh đó, ở phiên chợ này, mọi người còn có thể đến xin chữ đầu năm. Trong phiên chợ có các ông đồ cho chữ chứ không bán, đáp lại du khách có thể tặng lại bao mừng tuổi như lời cảm ơn đến họ.

Mỗi người đến tham gia lễ hội đều mua một món và háo hức mang lộc về nhà. Sau khi tham gia phiên chợ, mọi người thường dâng hương tại đình để cầu may mắn, hạnh phúc cho gia đình.

Phiên chợ Gia Lạc (Thừa Thiên Huế): Họp 3 ngày đầu năm

Phiên chợ Gia Lạc còn có tên gọi khác là chợ Hoàng Gia, là phiên chợ lâu đời từ thời vua Minh Mạng. Tương truyền phiên chợ này được tổ chức nhằm cho người dân có cơ hội thưởng thức các món ăn ngon của cung đình. Đến nay phiên chợ diễn ra trong 3 ngày Tết tại ngã 3 giáp ranh làng Nam Phổ cách trung tâm thành phố Huế khoảng 3km.

Vào mùng 1 Tết theo thường lệ mọi người sẽ mua một ngọn trầu, một trái cau để cầu bình an cho năm mới. Ở đây khách sẽ được thưởng thức những món ăn rất đặc biệt, vừa ngon vừa lạ miệng. Những món ăn được chế biến theo phong cách cổ truyền vô cùng hấp dẫn như: Bánh nậm gói lá dung, bánh ướt thịt bê xáo, xôi đường…

Ngoài những món ăn, ở đây còn bày bán các món đồ chơi cổ xưa như con tu huýt được tạo ra từ đất nung, con lung tung ngũ sắc, lược chải chí… Ngoài ra du khách còn có thể chìm đắm ngắm các món đồ vật phẩm cổ xưa như tranh giấy làng sình, bông đũa ngũ sắc, hoa giấy thanh tiên.

Từ Bắc vào Nam, khám phá những phiên chợ độc nhất vô nhị, mỗi năm họp đúng 1 lần vào đầu năm mới- Ảnh 6.

Tranh giấy làng sình xứ Huế

Phiên chợ Gia Lạc còn tổ chức các hoạt động, tái hiện các trò chơi dân gian vô cùng thú vị. Đến đây là dịp để nghe các câu hò, tiếng rao bài chòi đặc sắc. Dịp để tham gia các trò chơi dân gian thử vận may đầu năm mới.

Đi chợ xuân Gia Lạc vào 3 ngày Tết như một nét truyền thống của người dân Huế. Họ đến đây không chỉ đơn giản đi chợ mua đồ, mà mong muốn lớn nhất là lấy lộc đầu năm, cầu mong cho cuộc sống sung túc, bình yên.

Phiên chợ Bến (Quảng Bình): Họp 3 ngày đầu năm

Chợ Bến ở Đồng Hới (Quảng Bình), chỉ họp ba ngày đầu năm. Chợ họp dọc theo bờ sông Nhật Lệ, không có địa điểm nhất định.

Người về họp chợ mang theo các loại đặc sản ở quê hương mình như các đồ thủ công mỹ nghệ, tôm, cá, thịt heo rừng, mật ong, gà, vịt, bánh, kẹo, đồ chơi trẻ em...

Phiên chợ đình Phong Lôi (Thái Bình): Họp vào mùng 2 Tết

Phiên chợ này một năm chỉ họp duy nhất một lần, vào ngày mùng 2 Tết và chỉ dành cho trẻ em. Phiên chợ được tổ chức tại sân đình Phong Lôi Tây, xã Đông Hợp (huyện Đông Hưng, Thái Bình), được duy trì hàng chục năm qua.

Từ Bắc vào Nam, khám phá những phiên chợ độc nhất vô nhị, mỗi năm họp đúng 1 lần vào đầu năm mới- Ảnh 7.

Chợ đình Phong Lôi Tây (Ảnh: Thái Bình)

Chợ chỉ bán đồ chơi cho trẻ em. Đúng mùng 2 Tết, chợ bắt đầu mở phiên và kéo dài trong hết buổi sáng. Khách hàng của phiên chợ độc đáo này toàn là trẻ em. Trên khoảng sân đình rộng rãi và sạch sẽ, lát gạch đỏ, những quầy hàng bán đồ chơi được bày trên tấm bạt trải trên mặt sân, đồ chơi xếp thành đống. Những đứa trẻ xúng xính váy áo đến chơi chợ, chọn cho mình một món đồ chơi ưng ý.

Phiên chợ Chuộng Thanh Hóa: Họp vào ngày mùng 6 Tết

Phiên chợ Chuộng được mệnh danh là chợ lạ xứ Thanh. Là phiên chợ được tổ chức tại huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa vào ngày mùng 6 Tết mỗi năm. Từ sáng sớm đã có nhiều người háo hức đến chợ để mua những món quà đầu năm.

Trong đó có mặt hàng cà chua được bày bán nhiều nhất và đắt khách nhất. Bởi theo tục lệ tại chợ Chuộng nếu ai bị ném cà chua càng nhiều thì sẽ càng gặp nhiều may mắn, nhiều tài lộc trong năm mới.

Từ Bắc vào Nam, khám phá những phiên chợ độc nhất vô nhị, mỗi năm họp đúng 1 lần vào đầu năm mới- Ảnh 8.

Mặt hàng cà chua được bán nhiều nhất tại phiên chợ Chuộng

Là một phiên chợ độc đáo được người dân lưu giữ từ thời xa xưa cho đến nay. Phiên chợ đã thu hút hàng nghìn người dân xa gần, du khách đi du xuân đến tham gia. Ở đây cũng bày bán các sản phẩm tự tay người dân làm ra như rau tươi, hoa quả, các loại cây giống, con giống và các món ăn đặc sản.

Từ Bắc vào Nam, khám phá những phiên chợ độc nhất vô nhị, mỗi năm họp đúng 1 lần vào đầu năm mới- Ảnh 9.

Người dân nô nức đến chợ mua bán cầu mong may mắn

Chợ diễn ra nhộn nhịp từ sáng sớm cho đến tối khi vãn khách. Là một lễ hội đặc sắc của Thanh Hóa mang đến một khởi đầu năm mới vui vẻ, phấn khởi cho mỗi người.

Phiên chợ Viềng Nam Định: Họp mùng 7 và mùng 8 Tết

Chợ Viềng Nam Định là tên để gọi chung chợ Viềng Vụ Bản và chợ Viềng Nam Trực. Chợ Viềng được tổ chức vào tối mùng 7 và sáng mùng 8 Tết tại thị trấn Nam Giang, huyện Nam Cực và tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định.

Từ Bắc vào Nam, khám phá những phiên chợ độc nhất vô nhị, mỗi năm họp đúng 1 lần vào đầu năm mới- Ảnh 10.

Theo một số quan niệm dân gian, cái tên chợ Viềng vốn là tiếng đọc chệch của chữ “vàng”. Màu vàng xưa là tượng trưng cho quyền quý, cho cái nhất, chỉ vua chúa mới được dùng. Chợ Viềng là phiên chợ sầm uất nhất vùng nên nó được ví là phiên chợ vàng nhưng vì kiêng màu vàng là màu của quân vương nên đọc chệch ra là Viềng. Ảnh: Báo Lao Động

Từ Bắc vào Nam, khám phá những phiên chợ độc nhất vô nhị, mỗi năm họp đúng 1 lần vào đầu năm mới- Ảnh 11.

Một thứ không thể thiếu ở mỗi phiên chợ Viềng là thịt bê. Bê thui là đặc sản và cũng là mặt hàng được tin rằng sẽ đem lại may mắn dịp đầu năm. Ảnh: Báo Lao Động

Ở đây bán các mặt hàng như cây cảnh, dụng cụ làm nông như mủng, quốc xẻng, liềm… Với niềm tin đi chợ Viềng đầu năm mua các mặt hàng, dụng cụ sẽ giúp một năm mới sung túc, làm ăn bội thu.

Ở chợ Viềng nổi tiếng gần xa với món thịt bê thui được bày bán nhiều sạp trong chợ. Khách có thể tự do lựa chọn số lượng ít nhiều với giá cả phải chăng. Mua thịt bò ở chợ Viềng được coi như một cách cầu may mắn đầu năm.

Từ Bắc vào Nam, khám phá những phiên chợ độc nhất vô nhị, mỗi năm họp đúng 1 lần vào đầu năm mới- Ảnh 12.

Cây giống, cây bon sai cũng là mặt hàng được ưa chuộng tại phiên chợ Viềng. Khách đến chợ có thể dạo thăm khu vực bán cây cảnh và mua cho mình một cây nhỏ bất kỳ, giá cả vừa phải, chủ yếu lấy lộc trong năm mới. Ảnh: Báo Lao Động

Chợ Viềng mang quan niệm mua may bán rủi vì thế mà không quan trọng lời lỗ. Điều quan trọng vẫn là mong muốn có lộc, và gặp nhiều may mắn trong năm mới. Xung quanh chợ Viềng còn có nhiều chùa chiền, địa điểm tâm linh. Vì thế những ai có dịp đến đây không chỉ tham gia hội chợ mà còn đến chùa, đền để cầu nguyện lấy lộc đầu năm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem