Từ bi kịch xe container lạnh ở Anh, nghĩ về câu chuyện được lên “nông thôn mới”

Quốc Phong Thứ bảy, ngày 14/12/2019 17:48 PM (GMT+7)
Đằng sau cái chết thương tâm của 39 người Việt trong xe container đông lạnh tại Anh, người ta phải suy ngẫm nhiều điều.
Bình luận 0

Tôi đã mất ngủ sau một chuyến đi thiện nguyện về 5 gia đình bất hạnh ở Nghệ An - địa phương có tới 21 trong tổng số 39 người Việt tử nạn trong xe lạnh bên Anh quốc xa xôi. Không phải do chuyến đi mệt mỏi, vất vả, mà là phía sau những cái chết thương tâm ấy khiến tôi buộc phải suy ngẫm nhiều điều.

Khi về quê họ rồi mới thấy, mừng thì có mừng vì nhiều làng quê đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đời sống của người dân nay đã khác xưa nhiều, dân đã thoát nghèo và khá giả trông thấy. Nhưng vẫn không hẳn là vui hoàn toàn. Và thấy đáng suy nghĩ là bởi có những địa phương như Nghệ An đã đạt đủ các tiêu chí để công nhận NTM, nhưng những tiêu chí lâu nay để đạt chuẩn  mực NTM hình như vẫn đang có gì đó chưa thật ổn và có vẻ hơi nặng về hình thức quá chăng (?!).

img

39 người di cư Việt Nam được phát hiện đã chết trong thùng lạnh xe container tại một khu công nghiệp ở Grays, Essex, Anh vào ngày 23/10.

Trong chuyến đi này, tôi giúp người bạn thân chuyển số tiền 100 triệu đồng của mấy người em vợ gom góp cùng bạn bè là đồng hương Hải Phòng bên Canada đến đúng nơi cần trao nhất. Tôi đã bị sốc khi đến thắp hương cho nạn nhân Cao Huy Thành ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu. Anh ra đi để lại một gánh nợ nần quá lớn cho người vợ trẻ với 4 con nhỏ, mà đứa lớn nhất mới 7 tuổi. Chị Thái Thị Giang - 27 tuổi, vợ anh cho biết, anh Thành vốn làm nghề đánh cá thuê, mỗi chuyến đi dài ngày anh chỉ mang về được vài ba trăm nghìn, có chuyến về tay trắng, cuộc sống rất cơ cực. 

Anh Thành có người bạn thân ở cùng xóm là anh Cao Tiến Dũng gọi điện rủ sang Anh làm ăn. Anh Dũng đã sang trước đó, nhưng vùng đất mà anh đến cũng khó kiếm tiền nên muốn thay đổi. Kết cục là cả hai anh cùng chết trong chuyến xe định mệnh nghiệt ngã trên nước Anh.

B kịch với gia cảnh chị Giang là ở chỗ, nhà cửa đất đai không chỉ của anh chị mà của cả mẹ chị cũng đều mang cầm cố để vay tiền nộp cho bọn môi giới đưa người vượt biên phi pháp. Tức là chỉ nay mai, đến một mái nhà để che mưa gió cho các con chị cùng chị, rồi cả nhà mẹ chị cũng không còn. Đau xót vô chừng!

Số tiền mà đoàn chúng tôi được mấy bà con kiều bào ở Canada ủy nhiệm trao cho chị Giang chỉ có 25 triệu đồng quả là chẳng thấm tháp gì so với bi kịch đang trực chờ gia đình chị ở phía trước.

Vì sao mà họ nên nông nỗi này? Theo tôi, cũng chỉ do địa phương thiếu việc làm, tiền họ kiếm được không đủ nuôi gia đình. Rồi họ bị tác động bên ngoài xã hội, cạnh nhà họ, cạnh xóm họ, cạnh thôn họ có người đi, kiếm được, xây nhà đàng hoàng... Rồi họ bị rủ rê, họ muốn làm giàu nhanh theo con đường đi lao động chui lủi, bất hợp pháp đã và đang diễn ra ngày ngày, dù thừa biết rất rủi ro, phạm pháp.

Hy vọng mình sẽ đổi đời, sẽ giàu có, nên họ “đánh cược” mạng sống của mình như vậy.  

Chúng ta đều biết, xuất khẩu lao động bằng con đường chính tắc như sang Hàn Quốc, Nhật Bản đang có những khó khăn nhất định với riêng người Nghệ An, Thanh Hoá... trong thời gian gần đây. Và ngay cả khi thuận lợi thì chuyện tích luỹ tiền bạc cũng không nhiều, vì phải chi khoảng 150 triệu mới được đi, nhưng cũng chỉ được làm có 3 năm lại phải về nước. Vì thế nên mới có hiện tượng nhiều người liều mình chuyển hướng sang châu Âu mưu sinh bằng hình thức đi lậu, vượt biên giới, rất vòng vo. Họ thừa biết sang Anh quốc làm gì thì sẽ trả nợ nhanh. Họ vay cả tỷ bạc bằng nhiều cách để quyết ra đi với hy vọng đổi đời nhanh.

Câu chuyện khiến tôi phải suy nghĩ chính là xuất phát từ hiện tượng này. Họ cả tin và liều lĩnh đến mức đáng ngại cho chính họ và người thân. Thực tế cũng có những gia đình được sung túc sau một vài năm người thân ra đi theo con đường bất hợp pháp.

Còn nhớ cách đây 40-50 năm, mảnh đất khu 4 nghèo khó từng có câu “Nghệ: Yên Thành/ Thanh: Nông Cống” (tức nghèo nhất Nghệ An là Yên Thành, nghèo nhất Thanh Hoá là Nông Cống). Ấy vậy mà hôm nay, Yên Thành trở thành một huyện không những thoát nghèo mà ở nhiều xã còn rất giàu.

Với nhiều cách làm năng động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn, huyện Yên Thành đã đạt được những kết quả toàn diện, nổi bật. 38/38 xã trong toàn huyện đã đạt tiêu chí NTM (với 19/19 tiêu chí), cấp huyện cũng vừa được tỉnh bỏ phiếu thông qua, hội đủ 9/9 tiêu chí NTM 2019 cấp huyện.

Tổng nguồn vốn của huyện Yên Thành huy động xây dựng NTM qua 10 năm là gần 5,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương chỉ hơn 242 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 348 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 277 tỷ đồng, ngân sách xã hơn 1,3 nghìn tỷ đồng, vốn lồng ghép gần 1,2 nghìn tỷ đồng, vốn vay tín dụng hơn 203 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp hơn 189 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 1,7 nghìn tỷ đồng.

img

Nhà cửa khang trang của người dân xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An giờ không còn là hiếm. Ảnh: Quốc Phong.

1,7 nghìn tỷ do dân Yên Thành góp trong 10 năm là rất lớn và quả là đáng nể nếu so với ngân sách trung ương bỏ ra chỉ có 242 tỷ đồng.

Tôi có tìm hiểu từ đồng nghiệp thì năm 2018 vừa rồi, số ngoại tệ mà bà con người Yên Thành làm ăn bên xứ người gửi về cho gia đình là 200 triệu USD, tức là khoảng 4.500 tỷ đồng. 

Trong khi đó, thu ngân sách toàn tỉnh Nghệ An năm 2018 cũng chỉ là 14.600 tỷ đồng và năm nay, tuy có nhiều tích cực thì cũng chỉ ước đạt 15.500 tỷ đã là cố gắng lắm. 

Trong Bộ 19 tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020 có tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người. Theo đó, trong nhóm kinh tế và tổ chức sản xuất có 4 tiêu chí (10 - Thu nhập; 11 - Hộ nghèo; 12 - Lao động có việc làm; 13 - Tổ chức sản xuất). Thu nhập của người dân Yên Thành đã vượt rất xa so với yêu cầu.

Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020, chỉ tiêu chung là từ 45 triệu đồng/người trở lên; còn đối với vùng trung du miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung bộ là từ 36 triệu đồng/người trở lên. Và tôi được biết, như xã Sơn Thành, nơi mà tôi đi qua, cả xã chỉ có 5.000 dân, nhưng hiện có đến 2.000 người làm ăn ở nước ngoài. Trong đó có cả số đi lao động hợp pháp và bất hợp pháp trong vài ba chục năm qua. Rồi bên xã  Đô Thành, tuy tôi không nắm được cụ thể nhưng nghe nói rất nhiều nhà có xe con, nhà cửa thì xây rất lớn, hơn cả phố thị...

Ngẫm sâu xa, tôi có cảm tưởng Bộ tiêu chí quốc gia về NTM còn có gì đó thiên về con số cơ học và cũng còn khoảng trống, chưa hoàn hảo ở góc độ nhạy cảm cụ thể nói trên. Nên hiểu bên trong nó là cái gì đây? Không lẽ bộ máy cơ quan Đảng, chính quyền và dân chúng trong xã, trong huyện không hề biết trong số nhiều ngàn người thân của họ đi làm ở nước ngoài làm những nghề gì sao? Tôi nghĩ địa phương đều biết cả. Chỉ khi có sự cố tang thương như vụ 39 người chết trong xe lạnh mới đây, người ta mới thấy nó kinh hoàng ra sao. Và mới thấy cái lâu nay được xem là thu nhập bình quân đầu người - cái mức sống có vẻ khá giả kia của tiêu chí NTM, phía sau nó là cả một vấn đề đáng suy ngẫm, rất cần sự góp ý của các nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu xã hội học… để Bộ tiêu chí NTM đủ đầy, hợp lý và không bị hình thức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem