Từ chuyên khăn Piêu thành khố: Sao vội vàng "ăn xổi" như vậy?

Thứ bảy, ngày 18/10/2014 13:35 PM (GMT+7)
Thay vì đội lên đầu, người biểu diễn sử dụng những chiếc khăn Piêu của dân tộc Thái để làm... khố, trong bộ trang phục Tây Nguyên của mình. Câu chuyện ấy vừa xảy ra trong chương trình X - Factor, được VTV3 phát sóng trực tiếp.
Bình luận 0

Tất nhiên, trước sự bất bình từ người xem, cả phía biểu diễn (nhóm F Band) lẫn phía tổ chức chương trình đều lần lượt lên tiếng nhận trách nhiệm. Hiện tại, sự cố này được giải thích bằng lý do nhầm lẫn, với "khởi điểm" được quy cho phía cung cấp trang phục (Nhà sách Tuổi trẻ, TP. HCM).

Nhưng rõ ràng, nếu không có những phản hồi theo kiểu "ngớ người" như vậy, hẳn phía tổ chức lẫn người biểu diễn (thậm chí là cả bên cung cấp trang phục) vẫn có thể hân hoan quanh sự thành công của một chùm ca khúc về Tây Nguyên. Nghĩa là, câu chuyện thuộc về kiến thức văn hóa của những người làm văn hóa – cho dù đó là chuyện nhầm khăn với khố, hay cố tình "cách điệu" chiếc khăn piêu để gây ấn tượng.

Dù vậy, trao đổi với PV, một nhà dân tộc học vẫn chia sẻ khá thẳng thắn rằng sai sót của nhóm F Band cũng dễ hiểu. Theo ông, nếu không chịu bỏ công quan sát chi tiết mà chỉ tuân theo những nếp nghĩ chung, cả khăn piêu Thái và khố nam Tây Nguyên quả thật cũng có chút gì "na ná" nhau về màu sắc, chất liệu, cũng như kích thước. Bởi, đa phần trang phục của những dân tộc sống ở vùng cao đều rất chuộng những gam màu đa dạng trên vải bông, với màu đen biểu trưng cho đất đai mà họ gắn cả cuộc đời, màu đỏ của sự đam mê và vươn lên, màu xanh của cỏ cây, màu vàng của ánh sáng...

Ông bảo, nói vậy không có nghĩa là bênh nhóm F Band. Mà ngược lại, bản sắc của một vùng đất, một tộc người luôn mênh mông với các lớp trầm tích văn hóa được hình thành trong hàng trăm năm, với vô vàn chi tiết đang tản mát, tiềm ẩn trong cuộc sống hàng ngày của họ. Nếu chỉ để chơi, người ta có thể hát một ca khúc về Tây Nguyên, có thể mặc một bộ trang phục của người Tây Nguyên mà không quan tâm tới văn hóa và lịch sử của vùng đất này. Nhưng, để thật sự thuyết phục người nghe qua lời hát, người ta ít nhất cũng phải có chút cảm xúc về Tây Nguyên – nếu không có một Tây Nguyên riêng trong tâm trí của mình.

Hình như, không chỉ trong âm nhạc mà ngay ở rất nhiều lĩnh vực khác, người sáng tác bây giờ cũng thích tìm kiếm ấn tượng từ những chất liệu của những dân tộc ít người theo kiểu vội vàng và ăn xổi như vậy?

(Theo Thể thao & Văn hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem