Chuyện “dùng nhầm” khăn Piêu làm khố: Nhà nghiên cứu văn hóa người dân tộc Thái nói gì?

Mai An (thực hiện) Thứ năm, ngày 16/10/2014 07:18 AM (GMT+7)
Xung quanh sự việc nhóm F Band “dùng nhầm” khăn Piêu của người Thái, phóng viên NTNN đã có cuộc trò chuyện với ông Cầm Đức Bình - Trưởng Bộ môn Tiếng dân tộc thiểu số, Trường Cao đẳng Sơn La, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Thái.
Bình luận 0

Là một người con dân tộc Thái và là một nhà nghiên cứu về văn hóa, ngôn ngữ Thái, xin ông có thể giải thích cho độc giả được biết rõ hơn về ý nghĩa chiếc khăn Piêu của người phụ nữ Thái?

- Chiếc khăn Piêu là một bộ phận không thể thiếu trong trang phục của phụ nữ Thái, dùng để đội đầu, quàng cổ đi kèm với áo cóm, váy Thái, bộ xà tích và vòng tay, vòng cổ để tạo thành một chỉnh thể đầy đủ. Phụ nữ người Thái ở các bản làng hiện nay vẫn còn dùng khăn Piêu thường xuyên, khăn cũ họ mới dùng để đi làm, còn khi đi lễ hội, cưới cheo, ma chay, nhất thiết họ phải dùng một chiếc khăn mới. Hoa văn trên chiếc khăn Piêu có 3 loại là tà leo, cút piêu và sai peng. Trong đó tà leo là vật trừ đuổi tà ma, bảo vệ thần hồn cho người đội khăn, cút piêu là phẩm vật cao quý của người bề trên và sai peng là dây tình của đôi lứa. Chiếc khăn Piêu vì vậy không chỉ là một vật dụng thông thường mà ẩn chứa rất nhiều ý nghĩa văn hóa dân tộc Thái.

 

img F Band trong phần biểu diễn đã "nhầm", lấy khăn Piêu của người Thái làm khố.

 

Vậy ông nghĩ gì về việc chiếc khăn Piêu của dân tộc mình bị “dùng nhầm” thành khố trên sân khấu chương trình Nhân tố bí ẩn như vậy?

- Ban đầu tôi tưởng rằng người ta là người Tây Nguyên nhưng dùng trang phục của người Thái thì cũng bình thường, vì nhiều khi đi biểu diễn, người Mường cũng dùng trang phục của dân tộc chúng tôi như vậy. Nếu dùng để biểu diễn cho hợp với tiết mục thì cũng không sao. Tuy nhiên đến khi biết họ sử dụng khăn Piêu để làm khố cho bộ trang phục của người Tây Nguyên thì tôi thấy thế là không được rồi. Đó là chiếc khăn đội đầu, quàng cổ của người phụ nữ Thái, nếu dùng đúng mục đích thì được, còn dùng làm khố thì không thể được. Chiếc khố của người Tây Nguyên khác hẳn về kích cỡ dài rộng, hoa văn, sao lại nhầm lẫn như thế được.

Nhóm nhạc F Band- những người sử dụng nhầm chiếc khăn Piêu đã lên tiếng xin lỗi khán giả về sự nhầm lẫn này, ông có muốn nhắn gửi điều gì đến họ?

- Tôi cũng nghĩ có lẽ do đạo diễn hoặc người dàn dựng đó không hiểu về trang phục dân tộc Thái nên mới dùng nhầm thôi, còn nếu đã biết thì họ sẽ phải dùng cho đúng. Tôi mong là những người làm công tác văn hóa phải có sự tìm hiểu kỹ càng về văn hóa các dân tộc, đặc biệt là trang phục của từng giới, người nam, người nữ có sự khác nhau. Trang phục của người Tày và người Nùng thoạt trông thì giống nhau nhưng khi phân tích kỹ, vẫn có những điểm riêng để phân biệt. Dùng sai trang phục dân tộc sẽ dẫn đến những sự hiểu nhầm, thậm chí là có thể dẫn đến các phản ứng mạnh hơn. Qua đây, tôi nghĩ cần phải có sự rút kinh nghiệm sâu sắc.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem