Ngày 19.9, bác sĩ Hoàng Cương- Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Mắt T.Ư) cho biết, 5 trẻ em này trong độ tuổi từ 6-8 tuổi, nhập viện giữa tháng 9 trong tình trạng mắt bị đau nhức, viêm mủ đặc. Bố mẹ các bé thừa nhận, trước đó 10 ngày, con bị đỏ mắt, kêu đau nhức, trong khi đó đang có dịch đau mắt đỏ nên cha mẹ đều cho rằng con bị đau mắt đỏ và tự mua thuốc, nước muối sinh lý về điều trị cho con.
Đến khi mắt con đỏ quạch, đặc mủ mới đưa đến viện. Các bác sĩ đã hút rất nhiều mủ từ hốc mắt các bé, tiêm kháng sinh trực tiếp vào mắt. Tuy nhiên, do đến viện muộn, nhiễm trùng lâu, võng mạc đã bị ăn mòn nên thị lực của các bé gần như không thể phục hồi được.
Cha mẹ không nên chủ quan với các bệnh lý ở mắt của trẻ.
Theo bác sĩ Cương, viêm nội nhãn là các phản ứng viêm trong mắt gây ra bởi quá trình nhiễm khuẩn hoặc chấn thương các tổ chức, mô trong nhãn cầu. Bệnh rất nguy hiểm đến thị lực, tuy nhiên, do chủ quan nên nhiều bệnh nhân thường đến viện khi bệnh đã quá nặng, thị lực giảm hoặc nhãn cầu bị hoại tử phải múc bỏ. Khoảng 20% bệnh nhân viêm nội nhãn bị mất thị lực gần như hoàn toàn, bác sĩ không thể can thiệp. Còn sau điều trị, 50% bệnh nhân bị giảm thị lực xuống còn 1/10.
Bác sĩ Cương cho biết, không khó phân biệt giữa viêm nội nhãn và đau mắt đỏ. Bệnh nhân bị đau mắt đỏ thì đỏ mắt, ngứa, mắt có nhiều dử. Còn viêm nội nhãn, ngoài đỏ mắt, nhức mắt, bệnh nhân còn nhìn mờ, đau đầu, sợ ánh sáng, sưng nề xung quanh mắt. Ngoài ra bệnh nhân còn thấy mệt mỏi, sốt, mất ngủ, kém ăn. Khi đi khám chuyên khoa mắt, các bác sĩ dễ phát hiện ra các dấu hiệu khác như mi sưng nề, đỏ, mủ tiền phòng, viêm dịch kính, viêm gai thị, giác mạc phù, thâm nhiễm và có các khối mủ trắng trên hắc-võng mạc.
Tuấn Kiệt (Tuấn Kiệt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.