"Từ Dụ thái hậu" - Tiểu thuyết lấy bối cảnh hậu cung đoạt giải Nhất cuộc thi tiểu thuyết
"Từ Dụ thái hậu" - Tiểu thuyết lấy bối cảnh hậu cung đoạt giải Nhất cuộc thi tiểu thuyết
P.V
Thứ tư, ngày 11/11/2020 21:56 PM (GMT+7)
Kết quả cuộc thi tiểu thuyết lần thứ năm (2016-2019) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức được công bố chiều 11/11, trong một văn bản do nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn - ký. Theo đó, giải nhất cuộc thi trao cho Từ Dụ thái hậu, cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh hậu cung của nhà văn Trần Thùy Mai.
5 tác phẩm: Mệnh đế vương (Trương Thị Thanh Hiền), Trong vô tận (Vĩnh Quyền), Quay đầu lại là bờ (Hữu Phương), Thị Lộ chính danh (Võ Khắc Nghiêm), Gió xanh (Chu Lai) đã đoạt Giải nhì cuộc thi.
Bảy tác phẩm được trao giải ba gồm: Gió bụi đầy trời (Thiên Sơn), Và khép rồi lại mở (Vũ Từ Trang), Vùng xoáy (Vũ Quốc Khánh), Vỡ vụn, cuộc vuông tròn (Nguyễn Bắc Sơn), Sông Luộc ở phương nam (Khôi Vũ), Gió Thượng Phùng (Võ Bá Cường), Chim bằng và nghé hoa (Bùi Việt Sỹ).
Bảy tác phẩm được trao giải tư gồm: Ngô Vương (Phùng Văn Khai), Đông trùng hạ thảo (Mai Tiến Nghị), Hùng binh (Đặng Ngọc Hưng), Đường về Thăng Long (Nguyễn Thế Quang), Lạc lối (Thùy Dương), Hạc hồng (Lê Hoài Nam), Bụi đời thục nữ (Nguyễn Trí).
Tác phẩm được trao giải cao nhất - Từ Dụ thái hậu - là bộ tiểu thuyết lịch sử lấy bối cảnh triều Nguyễn. Trong bộ sách gồm hai quyển thượng và hạ, tác giả Trần Thuỳ Mai chọn hậu cung làm nền cho câu chuyện về cuộc đời bà hoàng lừng danh trong sử Việt, bà Phạm Thị Hằng, vợ vua Thiệu Trị, mẹ của vua Tự Đức, sau trở thành hoàng thái hậu Từ Dụ.
Thời gian tác phẩm trải dài 30 năm, qua ba triều vua Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, từ lúc Phạm Thị Hằng 13 tuổi theo cha ở phương Nam về kinh đô, chịu bao thăng trầm dâu bể rồi trở thành người đứng đầu hậu cung.
Theo Tạp chí Sông Hương, ngoài trục trung tâm xoay quanh nhân vật Phạm Thị Hằng, tiểu thuyết mở rộng biên độ với các nhân vật tương ứng mối quan hệ quân thần, huynh đệ, với những âm mưu thủ đoạn mang tính chính trị đương thời. Những yêu ghét, hận thù, toan tính, thủ đoạn cùng tồn tại trong bối cảnh hậu cung, được hóa giải bằng tình yêu, lòng từ bi, nổi bật là hình tượng Từ Dụ thái hậu - người phụ nữ ở trung tâm quyền lực triều Nguyễn. Sách ra mắt năm 2019, được nhiều bạn đọc văn chương đón nhận.
Một trong những tác phẩm gây ấn tượng đối với độc giả trong loạt tiểu thuyết đoạt giải của Hội Nhà văn là cuốn "Gió bụi đầy trời" của nhà văn Thiên Sơn. Tác phẩm đoạt giải 3 này là cuốn tiểu thuyết lớn và sinh động viết về giai đoạn lịch sử đặc biệt vô cùng khó khăn của nước ta sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Nhà văn Thiên Sơn đã đề cập đến bức tranh toàn cảnh với một hiện thực ngổn ngang, đa chiều, phức tạp và hé lộ những vấn đề, những sự kiện quan trọng mà vì nhiều lý do khác nhau, dường như nó từng bị chôn vùi trong bóng tối thời gian và định kiến.
Nhà văn Thiên Sơn có lần đã nói rằng, viết về lịch sử thực chất là đối thoại với hiện tại và góp phần soi chiếu tương lai. Tác giả đã dựng lên hình tượng các nhân vật đa dạng đại diện cho các thiên hướng chính trị khác nhau tham gia vào một cuộc giằng xé lịch sử khủng khiếp nhất của thế kỷ 20, trong đó bao gồm các nhà lãnh đạo chủ chốt của Việt Minh, của Bảo Đại và hoàng gia, của chính phủ Trần Trọng Kim, của các cựu thần triều đình, các lực lượng Pháp, Trung Hoa, Nhật Bản và những người nhân danh chủ nghĩa quốc gia… Qua cái hiện thực và sự tranh đấu khốc liệt đó, nhiều vấn đề tư tưởng, nhiều bài học lịch sử bổ ích có thể được rút ra cho hôm nay.
Hình tượng nổi bật trong tác phẩm này là Hồ Chí Minh, vị chủ tịch của nước Việt Nam mới, người chèo lái cả dân dân tộc, người định hình con đường cách mạng và chi phối đến dòng chảy lịch sử thế kỷ 20. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người phát động cuộc cách mạng Tháng 8, khai sinh ra chính quyền cách mạng, tuyên bố với thế giới về quyền tự do độc lập của dân tộc Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.