Từ hạt gạo quê, trai Thanh Hóa làm ra thứ sợi gì mà nhà giàu cho tới nhà nghèo đều ăn?
Từ hạt "ngọc thực", 9X Thanh Hóa làm ra thứ thực phẩm gì mà nhà nào cũng ăn, lại còn gắn được sao OCOP?
Hoài Thu - Hữu Dụng
Thứ sáu, ngày 01/07/2022 13:15 PM (GMT+7)
Nhằm nâng cao chất lượng miến gạo vốn là sản phẩm truyền thống ở địa phương, anh Trịnh Đình Nhạc (thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) đã đầu tư hệ thống máy làm miến tự động, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn thực phẩm. Đến nay, sản phẩm miến gạo Phúc Thịnh của anh đã được xếp hạng OCOP 3 sao.
Clip: 9X Thanh Hóa Trịnh Đình Nhạc (thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) gắn sao OCOP cho sản phẩm miến gạo.
Đưa công nghệ vào sản xuất miến gạo
Chúng tôi đến tham quan, tìm hiểu công việc sản xuất miến gạo của gia đình anh Trịnh Đình Nhạc (SN 1990, tổ dân phố 6, thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định, Thanh Hóa). Tranh thủ trời nắng, anh Nhạc và vợ đang tích cực phơi miến để chuẩn bị cho những đơn hàng đã ký.
Theo anh, sau 5 năm có mặt trên thị trường, sản phẩm miến gạo Phúc Thịnh đã nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng. Để có được thành quả đó, vợ chồng anh đã phải trải qua không ít những chông gai.
Anh Nhạc kể, sau khi tốt nghiệp ngành cơ khí chế tạo Đại học Công nghiệp TP.HCM năm 2012, anh không làm việc theo đúng ngành học mà vào làm cho một công ty sách. Khoảng 3 năm sau, anh tiếp tục sang Israel làm tu nghiệp sinh theo chương trình hợp tác nông nghiệp giữa hai nước.
Tại đây, anh được tiếp cận với kỹ thuật trồng, chăm sóc cây, hoa và tích lũy cho mình chút ít kinh nghiệm làm nông nghiệp. Sau một năm lao động ở xứ người, anh cảm thấy công việc này vẫn chưa thực sự phù hợp với mình nên quyết định trở về quê lập nghiệp và lập gia đình.
Qua tìm hiểu một số công việc, hai vợ chồng trẻ bắt tay vào sản xuất nấm, mộc nhĩ. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật nên việc sản xuất nấm không hiệu quả như ý muốn. Một lần nữa nghề không chọn mình khiến anh Nhạc trăn trở, nỗ lực đi tìm công việc mới.
Lúc bấy giờ, tại thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định vốn có truyền thống làm miến gạo với hơn chục hộ sản xuất. Nhưng theo anh Nhạc, các cơ sở đều sản xuất miến theo cách thủ công, năng suất thấp và có khi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thế nên, anh quyết định làm miến theo hình thức mới, an toàn và hợp vệ sinh.
Với số vốn dành dụm, vay mượn thêm 150 triệu đồng, năm 2017, vợ chồng anh Nhạc cải tạo lại nền nhà làm cơ sở sản xuất, mua nguyên liệu, máy móc, các dụng cụ sản xuất... Thế nhưng khi bắt tay vào làm, anh đã gặp rất nhiều khó khăn.
"Thời gian đầu mình chưa có kinh nghiệm chỉnh máy, miến làm ra không đạt chất lượng, hỏng nhiều đến mức chán nản. Đến khi miến bắt đầu ổn định về chất lượng, tôi lại loay hoay tìm đầu ra. Bán buôn không được, tôi đem bán lẻ ở các khu chợ, đại lý tạp hóa trong xã và các xã lân cận", anh Nhạc cho biết.
Có lần, anh Nhạc được mời tham gia hội chợ do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức, để giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm bày bán tại hội chợ lại không được khách hàng chú ý đến.
"Tôi chợt nhận ra, mẫu mã sản phẩm lúc đó còn thiếu tính chuyên nghiệp. Miến được đóng bằng túi bóng trắng, bên trong chỉ có miếng giấy nhỏ in thông tin hộ sản xuất. Tôi quyết định phải thiết kế và in ấn bao bì ngay để sản phẩm trông bắt mắt và khách hàng dễ nhận diện".
Gắn sao OCOP cho sản phẩm làm ra hạt gạo quê
Qua thời gian, sản phẩm miến gạo của anh Nhạc đã được người tiêu dùng quan tâm và từng bước mở rộng thị trường. Để "định danh" sản phẩm trên thị trường, anh đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với nhãn hiệu miến gạo Phúc Thịnh và mạnh dạn đăng ký tham gia chương trình OCOP.
Cùng với đó, anh Nhạc tăng cường việc quảng bá sản phẩm qua nhiều kênh khác nhau từ bán hàng qua mạng đến nhờ bạn bè, người thân giới thiệu khắp nơi. Để tạo niềm tin cho khách hàng, anh luôn đặt chất lượng của sản phẩm lên hàng đầu nên sản phẩm miến gạo anh làm ra luôn đảm bảo sạch, không chất phụ gia, không chất bảo quản.
Chia sẻ về quy trình làm miến, anh Nhạc cho biết phải trải qua nhiều khâu như: vo gạo, ngâm, xay thành bột nước, vắt khô, cán thành sợi rồi ủ, rửa để làm tơi sợi miến, sau đó phơi và đóng gói. Hiện ở cơ sở sản xuất của anh chỉ có công đoạn phơi và đóng gói còn làm thủ công, còn lại đều có máy móc hỗ trợ.
Về nguyên liệu làm miến, anh sử dụng gạo Q5 vì nó có độ khô và dai nhất định, ăn có vị ngọt nhẹ. Đã có lần, anh Nhạc thử mua giống lúa mới thay thế nhưng về sử dụng, các mẻ miến làm ra đều hỏng, bỏ đi hết. Do đó, anh tuân thủ sử dụng loại gạo này để sản phẩm đạt chất lượng cao nhất.
Năm 2021, sản phẩm miến gạo Phúc Thịnh đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đánh giá sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao. Anh Nhạc cho biết, từ khi được gắn sao OCOP, sản phẩm của anh được nhiều người tin dùng hơn.
Hiện sản phẩm miến gạo Phúc Thịnh không chỉ bó hẹp ở thị trường trong tỉnh mà còn mở rộng ra các tỉnh phía nam như Lâm Đồng, Đồng Tháp, Gia Lai, Kon Tum…
Mỗi năm, cơ sở sản xuất của anh Nhạc tiêu thụ khoảng 60 tấn miến gạo. Với giá bán 23.000 – 25.000 đồng/kg, cho doanh thu trên dưới 1 tỷ đồng/năm. Cơ sở sản xuất của anh tạo việc làm cho một số lao động tại địa phương.
Không chỉ tiên phong trong sản xuất, kinh doanh, anh Nhạc còn được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư chi đoàn tổ dân phố 6 (thị trấn Quý Lộc) từ năm 2017 đến nay. Qua 5 năm với cương vị Bí thư chi đoàn, anh luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao trên các mặt công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi.
Năm 2021, anh được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chứng nhận "Bí thư chi đoàn tiêu biểu toàn quốc năm 2021"; được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016 - 2020.
Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, anh Nhạc đang có kế hoạch mở rộng xưởng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm miến Phúc Thịnh, tiến tới sản xuất thêm nhiều loại miến khác nhằm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
"Tôi đã tích tụ đất và xin mở rộng xưởng từ vài năm trước, nhưng đến nay vẫn chờ cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Khi cơ sở có quy mô hơn, tôi sẽ đa dạng hóa sản phẩm từ gạo như làm bún, phở, bánh đa, hay đưa rau củ vào trong miến".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.