Tự kiểm soát và học hỏi

Chủ nhật, ngày 02/09/2012 18:40 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Gia đình đang nóng lên là sự thất bại trong giáo dục” – PGS -TS Vũ Mạnh Lợi – Trưởng phòng Nghiên cứu gia đình, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Việt Nam nhận định.
Bình luận 0

Ông Lợi cho biết, cuộc điều tra quốc gia về bạo lực gia đình năm 2010 cho thấy có 32% trong tổng số hơn 4.800 phụ nữ trong độ tuổi 18-60 cho biết đã từng bị bạo lực về thể xác, còn tính cả bạo lực tình dục và tinh thần thì lên tới 58%.

Chưa có số liệu đáng tin cậy cấp quốc gia để biết mức độ tăng hay giảm của bạo lực như thế nào, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy, những vụ trọng án mà kẻ sát nhân và nạn nhân lại có mối quan hệ ruột thịt, nghĩa tình như con giết bố mẹ, chồng giết vợ, vợ sát hại chồng, bố mẹ giết con… có xu hướng gia tăng. Điều này thực sự đáng lo ngại.

Theo PGS - TS Vũ Mạnh Lợi, các vụ án như vậy là sự báo động về thất bại của cơ chế tự kiểm soát đối với hành vi của một số cá nhân. Kể cả xã hội cũng đã mất kiểm soát đối với các cá nhân này. Bởi vì, con người khác con vật ở cơ chế tự kiểm soát, còn cơ chế xã hội kiểm soát hành vi của các cá nhân.

Cơ chế kiểm soát xã hội bao gồm hệ thống các chuẩn mực xã hội và niềm tin được mọi người trong xã hội chia sẻ về cái gì nên làm, cái gì không nên làm, cái gì tốt, cái gì xấu và hệ thống pháp luật để trừng trị những hành động vi phạm pháp luật. Cả hai cơ chế này đều do học hỏi mà nên.

“Nếu sự học hỏi của cá nhân và sự dạy dỗ của gia đình, nhà trường và xã hội thành công thì cá nhân khó có thể làm điều ác không chỉ với người thân mà cả với người sơ cũng không thể” - ông Lợi nhấn mạnh.

Để giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ các hiện tượng đau lòng như con giết cha, mẹ, hay chồng giết vợ, vợ giết chồng, hoặc các dạng bạo lực gia đình khác theo PGS - TS Vũ Mạnh Lợi, cần đến nỗ lực của mọi lực lượng trong xã hội. Người lớn cần gương mẫu, không làm gì sai trái trước, thì mới có thể chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Nhà nước cần nỗ lực hơn nữa trong việc xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, cải cách giáo dục, y tế, an sinh xã hội, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm công bằng xã hội, dân chủ, xử lý nghiêm khắc các vi phạm pháp luật. Thực thi luật pháp không nghiêm minh, công bằng, không gương mẫu thì cha mẹ, thầy cô cũng khó thuyết phục học sinh về lẽ đúng - sai trong cuộc sống và các quan hệ xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem