Khi “sinh kế” vào lò mổ

Thứ năm, ngày 07/11/2013 15:58 PM (GMT+7)
Năm 2009, bầy trâu làng Ròn của người K ho ở Đơn Dương, Lâm Đồng lần lượt vào lò mổ sau khi những mét đất cuối cùng bị thu hồi để làm một sân golf 36 lỗ.
Bình luận 0
Tám chục ha lúa nước thành sân golf. Bãi chăn thả cũng thành sân golf. Không lúa, không ruộng, người làng Ròn thành gì không ai biết. Câu chuyện làng Ròn không hề cá biệt khi quá trình đô thị hóa đang khiến mỗi một gia đình có bình quân 1,5 người không có việc làm.

Hôm qua, khi Dự thảo Luật Đất đai được thảo luận tại Quốc hội, đã 5 lần 7 lượt các vị đại biểu của dân nhắc đến hai chữ sinh kế. Điều đó phải lắm. Bởi đối với nông dân, lợi ích khi thu hồi đất không chỉ là mức tiền đền bù bao nhiêu, mà quan trọng hơn là họ sẽ sinh kế bằng cái gì để kiếm miếng ăn khi tư liệu sản xuất đã sạch sành sanh.

Trước khi dự thảo luật này được đưa ra Quốc hội, người ta đã nhắc tới con số gần 7 triệu ý kiến như một minh chứng cho việc tham khảo rộng rãi ý kiến của người dân. Bên hành lang nghị trường, luật sư Trương Trọng Nghĩa đã nói sửa đổi làm sao để “phải tạo ra được luồng sinh khí mới”, để “cầm dự án luật trong tay, làm sao người dân phải thấy nó chạm tới mình, thấy hài lòng vì quyền lợi về đất đai của mình được bảo đảm một cách khách quan, công bằng”.

Trên nghị trường, ĐBQH Trần Ngọc Vinh thẳng thắn “nếu Luật Đất đai lần này vẫn giữ nguyên quy định các trường hợp thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì vấn đề khiếu kiện về đất đai vẫn là điểm nghẽn chưa có lời giải”. Nhưng 7 triệu ý kiến góp ý cho Luật Đất đai, không bằng một vài khẳng định vẫn phải thu hồi cho các dự án “phát triển kinh tế - xã hội”.

Những lời tâm huyết, chân thành chỉ được đáp lại bằng những lời hứa, đại loại việc thu hồi lần này sẽ chặt chẽ, sẽ tránh tùy tiện. Luật không giải thích thế nào là không chặt chẽ, lại càng không quy định như thế nào là tùy tiện. Một lợi ích của một cộng đồng, gắn với sinh kế, văn hóa, tổ tiên không thể đánh đổi lấy mấy chữ “phát triển kinh tế - xã hội” chung chung. Khi thực tế, luôn công tâm, đã và đang cho thấy “lợi ích kinh tế - xã hội đôi khi y xì như lợi ích nhóm.

Hôm qua, một ĐBQH đã nói về “cái tâm trong sáng” khi thực hiện thu hồi đất. Nhưng thưa các vị ĐBQH, làm thế nào thì làm, sửa thế nào thì sửa, một bộ luật chỉ có thể coi là thành công khi đặt ra các quy định chặt chẽ để dù cái tâm không trong sáng, người ta cũng không thể tùy tiện nhân danh một lợi ích chung chung để khiến sinh kế cuối cùng của người nông dân lần lượt xếp hàng vào lò mổ.
Anh Đào (Anh Đào)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem