Reuters dẫn lời tướng không lực Mỹ Philip Breedlove, Tư lệnh tối cao quân đồng minh châu Âu của NATO, cho biết tình hình tại biên giới Nga - Ukraine là “cực kỳ đáng lo ngại”.
Ông Philip Breedlove cũng nói thêm rằng NATO phát hiện một phần rất nhỏ số binh sĩ Nga đồn trú sát Ukraine đã di chuyển trong đêm 1.4 và không thấy quay trở lại doanh trại.
Tư lệnh Tối cao quân đồng minh châu Âu của NATO Philip Breedlove - Ảnh: Reuters
Vị tư lệnh NATO lo ngại quân đội Nga đóng quân ở biên giới với Ukraine (theo ước lượng của NATO là khoảng 40.000 quân) là một mối đe dọa lớn cho miền đông và miền nam Ukraine.
“Đây là một lực lượng rất lớn, rất thiện chiến và rất sẵn sàng”, ông Breedlove nói.
Quân đội Nga tại đó có được sự yểm trợ của chiến đấu cơ và trực thăng, cũng như các bệnh viện dã chiến và các trang thiết bị điện tử.
“Toàn bộ số binh sĩ và trang thiết bị này là những gì cần để tiến chiếm thành công Ukraine, một khi Nga quyết định đánh. Chúng tôi cho rằng họ sẵn sàng đánh và tôi nghĩ họ sẽ có thể chiếm được các mục tiêu mà họ đặt ra trong khoảng từ 3 đến 5 ngày”, vị tướng này nhận định.
Ông Breedlove còn cho biết thêm rằng Nga có thể có một vài mục tiêu, chẳng hạn như tiến quân vào miền nam Ukraine để hình thành một hành lang trên bộ nối với Crimea; tiến sang Ukraine từ Crimea để chiếm cảng chiến lược Odessa của Ukraine; hoặc thậm chí có thể đánh sang đến Transdniestria, vùng ly khai thuộc Cộng hòa Moldova, nằm ở phía tây Ukraine.
Được biết, ngoại trưởng của các nước thành viên NATO đã đưa ra thời hạn trước ngày 15.4 để tướng Breedlove vạch ra biện pháp cụ thể nhằm trấn an các quốc gia đồng minh của NATO tại Đông Âu, bao gồm việc tăng cường hiện diện quân sự trên bộ, trên biển và trên không.
Nga chưa có bình luận gì về các thông tin trên.
NATO hoãn mọi hợp tác quân sự và dân sự với Nga
Tổ chức Hiệp ước Bắc đại tây dương (NATO) tuyên bố hoãn mọi hợp tác quân sự và dân sự với Nga.
“Chúng
tôi đã quyết định hoãn tất cả hợp tác quân sự và dân sự giữa NATO và
Nga”, hãng tin RIA Novosti (Nga) dẫn bản tuyên bố chung của các ngoại
trưởng các nước thành viên NATO ngày 1.4.
Trước thềm diễn ra cuộc
họp bộ trưởng các nước thành viên NATO ngày 1.4, NATO tuyên bố không có
chứng cứ nào cho thấy Nga rút quân khỏi khu vực biên giới giáp với miền
đông Ukraine như Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo trong cuộc
điện đàm ngày 31.3 với Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Căng thẳng
giữa Nga và phương Tây leo thang sau khi Tổng thống Ukraine Viktor
Yanukovych (thân Nga) bị phế truất hồi tháng 2.2014 sau những cuộc biểu
tình chống chính phủ.
Sau đó, khu tự trị Crimea ly khai Ukraine,
sáp nhập Nga. Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc lên án việc Crimea sáp nhập
Nga là bất hợp pháp. Hàng loạt những diễn biến này đã kích ngòi cuộc
khủng hoảng quan hệ Nga - phương Tây lên mức nghiêm trọng nhất, kể từ
khi kết thúc chiến tranh lạnh.
Căng thẳng liên quan đến Ukraine
leo thang trong tháng 3 khi Nga triển khai thêm binh sĩ tại các khu vực
giáp biên giới với Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga cho rằng Nga tăng
cường quân là nhằm tiến hành các cuộc tập trận, trong khi chính phủ lâm
thời Ukraine, cùng với Mỹ và phương Tây, tố cáo Nga dàn trận chuẩn bị
tiến quân vào Ukraine.
Cũng trong ngày 1.4, Quốc hội Ukraine bỏ
phiếu thông qua việc tổ chức một loạt cuộc tập trận chung với các nước
thành viên NATO và điều này đồng nghĩa quân đội Mỹ sẽ ở sát sườn lực
lượng Nga đồn trú tại bán đảo Crimea.
|
Thanh Niên (Theo Thanh Niên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.