Từ ngày 1/1/2020 chính thức cấm người uống rượu bia không được lái xe

Thế Anh Thứ hai, ngày 23/12/2019 15:12 PM (GMT+7)
Bắt đầu từ ngày 1/1/2020, luật Phòng, chống tác hại của rượu bia được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2019, sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, sẽ cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Bình luận 0

Theo đó, một trong những nội dung đáng chú ý nằm tại Điều 5, quy định 13 nhóm hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia được đề cập đầu tiên. Bên cạnh đó, Luật cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.

img

Tài xế uống rượu bia là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông.

Đồng thời, cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

Đặc biệt, để phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia, Luật cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Như vậy từ thời điểm trên, người tham gia giao thông chỉ được chọn hoặc uống rượu bia, hoặc lái xe.

Việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được xem là biện pháp cấp thiết góp phần hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình và toàn xã hội; bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong tình hình ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì việc quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông) là cần thiết. Quy định này sẽ mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và ĐBQH.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia đánh giá, các quy định cần thiết nhưng để thực thi, xử phạt được là điều rất khó. Như, thế nào là xúi giục, thế nào là lôi kéo, thế nào là ép buộc? Do vậy hi vọng cơ quan chức năng sớm ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn cụ thể để Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia được thực thi có hiệu quả trong thực tiễn.

Vào giữa tháng 5/2019, tại sự kiện đi bộ kêu gọi hành động “Đã uống rượu bia - Không lái xe”, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia Trương Hòa Bình đã kêu gọi hành động “Đã uống rượu bia - Không lái xe”.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, bảo đảm an toàn giao thông là nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Có thể thấy trong thời gian qua, tai nạn giao thông trên địa bàn cả nước đã cơ bản giảm trên cả 3 tiêu chí, được sự ghi nhận của nhân dân và bạn bè quốc tế, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam tươi đẹp, an toàn, thân thiện.

Tuy vậy, trên địa bàn cả nước mỗi ngày tai nạn giao thông vẫn cướp đi sinh mạng của hơn 20 người, làm hàng chục người bị thương, mang đến đau thương cho nhiều gia đình. Trong đó, đặc biệt gần đây đã liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà một trong những nguyên nhân gây ra tại nạn là do lái xe sử dụng rượu bia.

Theo Phó Thủ tướng, những người gây ra tai nạn giao thông sẽ bị pháp luật xử lý, nhưng không có hình phạt nào có thể bù đắp được nỗi đau do họ gây ra. Luật pháp luôn có đủ chế tài để xử lý vi phạm đối với những người sử dụng rượu bia khi lái xe. Thế nhưng, Việt Nam chúng ta vẫn đang phải chứng kiến những vụ xe điên gây ra những cái chết đau thương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem