Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết theo đề nghị của các đại biểu khoá mới, vấn đề Formosa cũng đã được Chính phủ gửi báo cáo đến Quốc hội khoá XIV, kỳ họp thứ 1. Xung quanh vấn đề này, Dân Việt đã trao đổi với một số đại biểu Quốc hội.
Ông đánh giá thế nào về phản ứng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới về sự cố Formosa?
Sự cố môi trường biển của 4 tỉnh miền Trung xảy ra khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và thành viên Chính phủ mới lên nhận chức được 4 ngày. Và chỉ trong hai tuần đã có bộ máy hoàn chỉnh của các cơ quan để đánh giá tìm hiểu nguyên nhân sự cố xảy ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phân công trực tiếp phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo công tác đấy và huy động toàn bộ nguồn lực các nhà khoa học trong nước, nước ngoài vào nghiên cứu sự cố này. Đây là lần đầu tiên chúng ta gặp sự cố này.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội
Trong quan trình làm việc với công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, chúng ta đã làm việc hết sức có lý có tình, vừa đấu tranh, vừa thuyết phục nhưng đồng thời cũng đảm bảo giữ vững được môi trường đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, chúng ta vẫn đảm bảo được những cam kết với nhà đầu tư nước ngoài nhưng đồng thời cũng định hướng cho nhà đầu tư thực hiện đúng pháp luật Việt Nam về quá trình đầu tư, cũng như đối với bảo vệ môi trường.
Điều đặc biệt trong việc xử lý sự cố biển 4 tỉnh miền Trung là sau khi xác định được nguyên nhân và có nguồn hỗ trợ ngư dân. Trong lúc chưa có nguồn xác định hỗ trợ từ Formosa thì Chính phủ đã xuất quỹ dự phòng rủi ro thiên tai để hỗ trợ cho bà con 4 tỉnh.
Đặc biệt, chúng ta làm tiếp một bước nữa là xác định trách nhiệm cá nhân của từng cơ quan, từng cán bộ đối với sự việc đó xảy ra và rà soát lại toàn bộ quy trình cấp phép và giám sát. Chúng ta làm quy trình hết sức nghiêm túc.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết theo đề nghị của các đại biểu khoá mới, vấn đề Formosa cũng đã được Chính phủ gửi báo cáo đến Quốc hội. Ông có ý kiến gì và riêng vấn đề Formosa và Quốc hội sắp tới sẽ có ý kiến thế nào?
Vấn đề Formosa luôn là một mối quan tâm của cả nước. Với kinh nghiệm là đại biểu Quốc hội nhiều khoá, tôi cho rằng, là cơ quan lập pháp và cơ quan quyền lực tối cao của cả nước, các đại biểu Quốc hội sẽ không tập trung vào việc đánh giá từ chỉ tiêu môi trường nước, từng thiết kế đường ống thải là nổi hay chìm mà bàn tới việc hoàn thiện thể chế gắn trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình.
Ví dụ như với sở kế hoạch đầu tư khi thực hiện một cửa một dấu nhưng vẫn phải sự phối hợp với sở khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường để đảm bảo việc xử lý công nghệ, xử lý rác thải sau sản xuất, hướng dẫn nhà đầu tư...
Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội sẽ tập trung thảo luận để tìm ra đâu là điểm chúng ta còn thiếu sót trong quá trình lập pháp để hoàn thiện.
Vấn đề quan trọng là hậu sự cổ xảy ra thì chúng ta phải xử lý việc làm đảm bảo đời sống cử tri, người lao động cho 4 tỉnh đấy thế nào, để đảm bảo hài hoà vừa kêu gọi đầu tư, vừa phát triển được công nghiệp nhưng vẫn giữ được môi trường ổn định cho bà con làm nông nghiệp và ngư nghiệp.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP.HCM:
Từ sự cố ô nhiễm môi trường của Formosa, ông có bình luận thế nào về việc xét duyệt những dự án đầu tư nước ngoài vào địa phương?
Qua câu chuyện về Formosa hay những câu chuyện như xét duyệt các dự án đầu tư nước ngoài, vấn đề các báo cáo về môi trường này kia thì chúng ta thấy nổi lên một điều là phải xem lại cái gọi là quy trình. Bởi vì quy trình là do con người đặt ra và do con người xây dựng lên, do con người thông qua.
Nếu mà con người tốt, có trách nhiệm cao thì nếu quy trình chưa chặt chẽ thì người ta cũng sẽ bổ túc, bổ sung và đề nghị hoàn thiện. Còn với người không tốt thì tìm cách lách, bỏ qua và vì những cái lợi ích cá nhân, người ta thậm chí bỏ qua những sai phạm.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP. HCM
Chúng ta đều thấy rằng đã đến lúc tất cả mọi quy trình cần được xem lại, xem là có đủ sức gạn lọc và ngăn cản được những cái tiêu cực của những người mà có trách nhiệm xây dựng cũng như là phê chuẩn các quy trình đó hay không.
Nếu quy trình chưa hoàn thiện thì chúng ta bổ sung, bổ túc bằng luật pháp, bằng các quy định, nghị định của Chính phủ hay là cả trong quy định của Đảng. Ở đây nó dính đến công tác cán bộ. Nếu quy trình chặt chẽ rồi thì chúng ta phải xem lại. Rõ ràng là có vấn đề con người. Khi được giao nhiệm vụ gác cổng, đêm mở cổng cho trộm vào thì đó là vấn đề con người chứ không phải là quy trình nữa.
Tôi cho rằng xung quanh vấn đề này chúng ta xem lại hai chuyện: Quy trình chuẩn chưa, hoàn thiện chưa. Thứ 2 là yếu tố con người, việc tham nhũng của con người trong vụ này như thế nào. Phải xử lý hai khâu này thì mới khắc phục được tình trạng như vừa rồi.
Sau sự cố này, chúng ta thấy gì về vai trò giám sát của Quốc hội, thưa ông?
Tôi cho rằng nhiệm kỳ này thì phải rút kinh nghiệm của nhiệm kỳ trước, đúng là việc giám sát của Quốc hội đối với bên hành pháp cần phải nỗ lực phải sâu sát hơn và phải kiên quyết hơn, không loại trừ là do cơ cấu. Quốc hội vừa rồi thì cũng có hiện tượng cả nể, do đó giờ các ban phải làm đúng hơn các vai trò của mình và các đại biểu Quốc hội khi đã là đại biểu dân cử rồi thì phải đặt trách nhiệm dân cử lên cao hơn, tránh tình trạng nể nang, chính tình trạng nể nang này nó làm cho việc giám sát nó không đến nơi đến chốn.
Tôi cho là luật của chúng ta đã cho phép thành lập các đoàn giám sát lâm thời hay là ủy ban lâm thời để kiểm tra vấn đề gì đó, nhưng thật ra chưa bao giờ ta làm việc này. Tôi cho là có những việc nghiêm trọng thì chúng ta nên làm. Tôi nói ví dụ như là Quốc hội nên làm có một ủy ban lâm thời, xem xét toàn bộ các vấn đề môi trường mà nổi lên trước mắt tập trung vào Formosa rồi một số các dự án khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.