Chuyện vô lý có thể tin được ấy tưởng chỉ có trong cổ tích hoặc ngụ ngôn. Nhưng đời nay vốn được coi là hiện đại mà vẫn còn xảy ra như cơm bữa.
Người nông dân miền Trung sống một bên biển, một bên rừng, hai bên chỉ cách nhau dăm bảy chục, một hai trăm cây số. Mưa nguồn nếu không có rừng cây giữ lại (qua lá, qua rễ) thì với độ dốc và quãng đường ngắn như thế, chỉ sau vài giờ mưa là lũ đã nhấn chìm những lưu vực đồng bằng có dân cư đông đúc bên dưới.
Trước đây rừng miền Trung có tác dụng chống lũ, làm chậm lũ, phân lũ thành nhiều cấp rất rõ ràng. Hiện nay diện tích rừng mất nhiều, rừng nguyên sinh thưa thớt, rừng trồng thì thường là keo, bạch đàn, chất lượng gỗ đã thấp mà tác dụng giữ nước lại càng kém. Lũ tràn về nhanh, chính quyền và dân miền Trung trở tay không kịp cũng không có gì lạ. Xem ra chẳng khác gì anh chàng ngốc cưa cành cây trong chuyện cổ!
Trách nhiệm thuộc về ai? Đương nhiên trước hết do chính quyền với những cơ quan chức năng, ban bệ được lập ra không thiếu thứ gì phải có trách nhiệm chủ yếu. Nói mãi cũng thế thôi, cái trách nhiệm giữ rừng nặng nề và quan trọng như núi Thái Sơn ấy thật khó mà quy kết cho ai, nói chung thường là “hòa cả làng”.
Nhưng chính quyền chỉ mới là người giữ rừng. Còn phá rừng là lũ lâm tặc. Lâm tặc là dân chặt gỗ, cũng từ trong dân sinh ra, lại bán gỗ cho dân dùng, nên không thể gọi dân là vô can.
Quy trách nhiệm để trừng phạt hay tìm kế sửa chữa thì rất khó. Cũng không thể ngày một ngày hai cải thiện được đời sống dân miền núi, vùng sâu vùng xa để họ không vác rìu đi phá rừng nữa. Xin đừng kêu ông Trời độc ác không biết thương dân mà gieo lũ lụt.
Cũng không nên kêu vận nước vận nhà hay số mệnh không may. Xin hãy đọc lại chuyện chàng ngốc cưa gỗ trong cổ tích để tự hỏi: Phải đối xử với rừng thế nào để khỏi năm nào cũng chịu cảnh nhà trôi nước ngập, sinh linh khốn khó.
Nguyễn Quang Thân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.