Từ tập tành chơi, sau 3 năm, thanh niên 8x có 4.000 giò lan rừng

Chủ nhật, ngày 05/11/2017 10:05 AM (GMT+7)
Năm 2014, chàng thanh niên thế hệ 8x Đỗ Thế Chiên (1986) yêu thích phong lan nên tập tành chơi lan. Anh chọn cho mình một phong cách riêng là chuyên sưu tập và tìm hiểu về lan rừng. Rồi anh “bén duyên” với lan rừng lúc nào không hay. Bước đầu việc trồng và kinh doanh lan rừng đã mang lại hiệu quả kinh tế cũng như thỏa niềm đam mê của anh là đưa loài hoa của núi rừng về với phố thị.
Bình luận 0

Khu vườn rộng 400m2 với 3 giàn treo gần 4.000 giò lan (chủ yếu là lan rừng) ngay mặt tiền đường Phú Riềng Đỏ, phường Tân Đồng, thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) là “gia tài” mà thanh niên Đỗ Thế Chiên tích lũy từ ngày tập tành chơi lan đến nay.

img

Thanh niên 8x Đỗ Thế Chiên với những giống lan rừng quý hiếm trong vườn của mình.

Anh Chiên cho biết, lan rừng rất cuốn hút. Trong hàng ngàn loài hoa anh có, mỗi loài một vẻ đẹp riêng. Để thỏa niềm đam mê, anh cùng một số người có chung sở thích về lan thành lập Hội lan rừng Đồng Xoài để trao đổi kinh nghiệm, chỉ nhau cách chăm sóc và trao đổi những giống lan quý. Anh còn lên mạng tìm hiểu cách trồng, chăm sóc, chiết tách lan rừng để nhân giống trong vườn.

Những ngày đầu chơi lan, anh Chiên sở hữu 1 giàn với gần 800 dò do anh cất công tìm mua và trao đổi cũng như chiết tách được. Từ niềm đam mê anh đã mạnh dạn đầu tư vốn, công sức để gây dựng một vườn lan rừng ngày càng phát triển với hàng ngàn dò lan như hiện nay. Trong đó có những giống lan rừng quý hiếm trị giá lên đến 100 triệu đồng. Lan anh trồng thường có giá dao động từ 3 - 5 triệu đồng/dò. Cũng có khách hàng tìm mua những dò lan từ 30 - 60 triệu đồng. Giá 1 dò lan rừng phụ thuộc vào độ quý hiếm và vẻ đẹp của loài hoa này. Anh còn bán cả những cây con chiết tách được nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Tháng cao điểm nhất, thu nhập từ vườn lan của anh hơn 100 triệu đồng, tháng bình thường khoảng 20 triệu đồng. Hiện nay, Chien Orchirds là địa chỉ quen thuộc trên mạng xã hội của những người yêu, chơi lan và muốn tìm mua lan rừng. Nói về cơ duyên chuyển từ chơi sang kinh doanh lan rừng, anh Chiên cho biết: “Mục đích chính của tôi là trồng để thỏa niềm đam mê với lan. Tuy nhiên, do giá của lan rừng khá cao nên để có vốn đầu tư giống lan mới, bắt buộc phải trao đổi những giống lan mình có được. Qua trao đổi, tôi thấy được giá trị kinh tế của loài hoa này nên chuyển sang kinh doanh, mở rộng vườn và đầu tư thêm vốn”. Cứ bán loại lan này đi anh lại đầu tư loại lan mới. Kinh doanh lan ngoài tìm nguồn kinh tế cho cuộc sống còn là nguồn kinh tế để nuôi dưỡng đam mê.

Trở về nhà sau giờ làm, công việc của anh Chiên là xem đơn đặt hàng để đóng gói hoa và gửi chuyển phát nhanh cho khách hàng, hoặc hẹn tiếp những khách hàng muốn tìm mua lan tại vườn. Thời gian còn lại anh chủ yếu tỉ mỉ chiết tách, ghép bảng gỗ những giống lan mới và chăm sóc từng dò lan. Đó là “gia tài” lớn của anh cả về vật chất lẫn tinh thần.

Nhã Trâm (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem