Từ thực tiễn những nhà sáng chế “chân đất” và câu chuyện xây dựng cơ chế phát triển thế hệ nông dân
Từ thực tiễn những nhà sáng chế “chân đất” và câu chuyện xây dựng cơ chế phát triển thế hệ nông dân chuyên nghiệp
Thanh Tùng
Thứ tư, ngày 16/08/2023 06:15 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh mới, ngành nông nghiệp Việt Nam đang thay đổi từng ngày theo hướng hiện đại hoá. Thực tế, người nông dân hiện đại chính là những nhà sáng chế chuyên nghiệp trên mảnh đất quê hương mình. Vì thế, cần có thêm nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên bà con nông dân phát huy khả năng sáng tạo trong nông nghiệp.
Chiều 15/8, Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt đã tổ chức hội nghị online: “Kết nối sáng chế máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp”. Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Hoài – Phó Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay, ông Trần Duy Khanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC và chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng. Đồng thời, hội nghị cũng đón nhận sự quan tâm, hưởng ứng của các chuyên gia, nhà sáng chế... tại các điểm cầu trên cả nước.
Những nhà sáng chế “chân đất” khởi nghiệp từ chế tạo máy móc phục vụ nông nghiệp
Từ điểm cầu Bắc Ninh, nhà sáng chế Phùng Văn Nam – nông dân chế tạo máy nông nghiệp, chia sẻ: “Năm 2013, khi cả nước chưa xuất hiện nhiều thiết bị, máy móc hiện đại để phục vụ nông nghiệp, tình hình canh tác của bà con gặp nhiều khó khăn. Xuất phát từ thực tế đó, tôi đã nhập một số linh kiện, thiết bị và tiến hành nghiên cứu, cải tiến để tạo nên chiếc máy lên luống nhằm giảm bớt những khó khăn, vất vả cho người nông dân”.
Thời gian đầu, anh Nam gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong chế tạo, sản xuất máy móc. Sau một năm thất bại, anh đã có được cho mình những bài học quý giá để cho ra đời chiếc máy lên luống và dàn lên luống hiệu quả.
Khi đã thành công trong việc chế tạo, sản xuất máy móc. Anh nhanh chóng xây dựng kênh youtube cá nhân mang tên “máy lên luống Phùng Nam”. Từ đó, sản phẩm của anh được quảng bá rộng rãi trong cả nước.
Chia sẻ mong muốn của bản thân, anh Nam cho biết: “Tôi mong rằng sản phẩm của mình sẽ được quảng bá rộng rãi để bà con nông dân trên cả nước biết đến, từ đó giúp người nông dân tiếp cận khoa học, công nghệ và máy móc, thiết bị mới để tăng năng xuất, giảm công lao động và mang lại giá trị kinh tế cao”.
Với sáng chế máy móc nông nghiệp đa năng, anh Tạ Đình Huy (Chương Mỹ, Hà Nội), chia sẻ: “Sinh ra trên quê hương có truyền thống nông nghiệp lúa nước nên tôi có niềm đam mê lớn trong việc sáng chế các máy móc phục vụ nông nghiệp. Xuất thân là thợ cơ khí, tôi quyết định chế tạo những chiếc máy cày, máy xới hay máy phun thuốc… từ các phế liệu cơ khi để phục vụ người dân địa phương.
Đến năm 2013, tôi quyết định tích hợp nhiều ứng dụng khác nhau trên một chiếc máy. Đồng thời ,tôi quyết định tham gia cuộc thi Nhà sáng chế nông nghiệp. Nhờ cuộc thi nay, tôi đã đạt giải nhất và được bà con nông dân cả nước biết tới. Với lợi thế là những chiếc máy đa năng với nhiều công dụng khác nhau, phục vụ đa dạng mọi địa hình từ đồng bằng đến đồi núi là những nơi máy móc lớn không thể tiếp cận”.
Cần có thêm cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên bà con nông dân phát huy khả năng sáng tạo trong nông nghiệp
Đánh giá cao vai trò của người nông dân trong hoạt động sáng chế máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng nhấn mạnh: “Hiện nay, những người nông dân chính lực lượng nòng cốt trong hoạt động sáng tạo máy móc nông nghiệp. Trong quá trình sản xuất, người nông dân đã biết vận dụng khả năng sáng chế để tạo ra nhiều máy móc, thiết bị, góp phần làm tăng năng suất lao động, tạo hiệu quả kinh tế cao.
Qua đó, tôi mong rằng bà con nông dân tiếp tục phát huy khả năng, sức sáng tạo của mình để tạo ra các máy móc mới, giúp cho hoạt động sản xuất ngày một hiệu quả và tốt hơn. Đồng thời, tôi mong rằng các cơ quan chức năng, Hội nông dân tạo điều kiện tốt hơn để bà con nông dân phát huy khả năng sáng tạo trong nông nghiệp”.
Trong khuôn khổ hội nghị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC Trần Duy Khanh đã có những chia sẻ liên quan đến câu chuyện kết nối sáng chế máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo ông Khanh, người nông dân là tầng lớp chịu nhiều vất vả, thiệt thòi về đời sống vật chất, tinh thần. Dù vậy, dư địa sáng tạo trong ngành nông nghiệp luôn rất cao. Hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp đã ghi nhận rất nhiều tiến bộ, ứng dụng khoa học, kĩ thuật trong sản xuất, chế biến.
Chia sẻ nhận định thị trường máy móc nông nghiệp, ông Trần Duy Khanh cho rằng, hiện nay, số lượng máy móc để sản xuất, hỗ trợ cho người nông dân còn rất ít. Có thể thấy, ngành cơ khí, chế tạo của Việt Nam còn rất yếu. Hầu như, chúng ta đang phụ thuộc vào sức sáng tạo của người nông dân là chủ yếu.
Xuất phát từ thực tiễn đó, ông Trần Duy Khanh đánh giá: “Quá trình sáng chế của người nông dân trong thời gian qua là điều vô cùng đáng quý. Tuy nhiên, quá trình đó vẫn chưa đáp ứng được hết yêu cầu của thực tế. Trong khi đó, dư địa phát triển của ngành còn rất lớn. Việc phụ thuộc, chờ đợi vào những sáng chế nhỏ của người nông dân ở các địa phương khiến cho quá trình phát triển chở nên bị động. Do đó, cần phát huy vai trò của các cơ quan chức năng, đơn vị nhà nước trong quá trình sáng chế, phát triển ngành cơ khí, chế tạo máy móc phục vụ nông nghiệp.
Với các nhà sáng chế nông dân, dù đã thành công trong việc chế tạo những máy móc của mình nhưng vẫn cần có thêm sự chung tay, góp sức của các nhà khoa học để hoàn thiện sản phẩm hơn nữa. Để từ đó xây dựng sản phẩm với thương hiệu bài bản.
Một khó khăn nữa với các nhà sáng chế đó là vấn đề về vốn. Vì thế, cần có thêm cơ chế, khuyến khích về vốn để giúp họ yên tâm sáng chế, tạo ra những sản phẩm hữu ích, phục vụ cộng đồng. Cuối cùng, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà nghiên cứu nông dân mở rộng mô hình, phát triển theo đúng định hướng về tam nông bao gồm nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong bối cảnh mới như hiện nay”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.