Chiều cao quan trọng thế sao?

Ma Khánh Yến Chủ nhật, ngày 09/06/2024 07:21 AM (GMT+7)
Từ câu chuyện của Trường Quản trị và Kinh doanh - HSB (Đại học Quốc gia), có lẽ cũng đã đến lúc chúng ta cần đưa vấn đề "chấp nhận sự khác biệt", dừng "body shaming" (miệt thị ngoại hình) vào văn hóa ứng xử của cộng đồng.
Bình luận 0

Hàng loạt ý kiến trên mạng xã hội bày tỏ sự bất bình khi Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông báo rà soát các tiêu chí xét tuyển, yêu cầu thí sinh nữ và nam cao 1,58 - 1,65 m trở lên.

Là một người có chiều cao vỏn vẹn 1m51, tôi chẳng vui vẻ gì khi đọc thông tin này, nhưng không mấy bất ngờ. Nỗi ám ảnh về ngoại hình (bao gồm chiều cao) từ lâu vẫn hiện hữu trong tâm lý loài người, và ngày càng trở nên rõ rệt hơn ở xã hội hiện đại. 

Một trường Đại học cuốn theo vòng xoáy đó - tuy là điều không mấy tích cực và đáng để lên án khi vi phạm những điều lệ cơ bản của Luật Giáo dục, nhưng lại không khó hiểu.

Chiều cao quan trọng thế sao?- Ảnh 1.

Thí sinh được đo chiều cao trong buổi phỏng vấn của trường Quản trị và Kinh doanh hồi tháng 3. Ảnh: Trường Quản trị và Kinh doanh - HSB

Hãy cùng ngược dòng thời gian quay về năm 1998. Tại thời điểm ấy, trong một nghiên cứu, hai giáo sư Daniel Hamermesh và Jeff Biddle đã sớm khẳng định sức hấp dẫn ngoại hình như loại nguồn vốn giúp tạo năng suất cao hơn và có ảnh hưởng tới hiệu quả cạnh tranh trên thị trường lao động.

Trong khi đó, khảo sát của trường Đại học Pennsylvania (lò đào tạo tỷ phú tại Mỹ) cũng chỉ ra rằng những học sinh có chiều cao trên trung bình thường theo đuổi mục tiêu trở thành lãnh đạo và dễ đạt được thành công với mục tiêu đó.

Từ sau năm 2000, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, chiều cao ngày càng trở nên quan trọng. Khái niệm "chân dài" trở thành từ khóa phổ cập trên hàng loạt trang tìm kiếm, những ứng dụng chụp ảnh cho phép người dùng kéo chân tới mức tối đa, các cuộc thi người mẫu, hoa hậu, nam vương diễn ra ồ ạt mỗi năm đều gián tiếp chia sẻ một thông điệp giản dị mà "khắc nghiệt": Chiều cao ngày càng quan trọng.

Chiều cao quan trọng thế sao?- Ảnh 2.

Ngoài áp lực học tập, học sinh thời nay còn "suýt" phải đối diện với một áp lực mới khi xét tuyển vào trường Đại học: Chiều cao. Ảnh: Tào Nga (minh họa)

Trong một thực tế có vẻ gần gũi hơn, người Việt Nam thật ra cũng vốn đề cao ngoại hình hơn các quốc gia khác. Năm 2017, ứng dụng YouGov từng tiến hành khảo sát về vấn đề nam - nữ quan tâm gì ở đối tượng hẹn hò. Kết quả, trong 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, nam giới Việt là nhóm duy nhất xem trọng ngoại hình hơn phẩm chất trong mối quan hệ, phụ nữ Việt cũng coi trọng ngoại hình của đối tượng hơn hẳn so với phụ nữ thế giới.

Tuy thế, việc Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB) đưa ra tiêu chí xét tuyển chiều cao vẫn là điều khó chấp nhận, đặc biệt khi nó nằm trong hệ thống trường công lập. Lý giải việc đưa ra tiêu chí xét tuyển đối với nữ cao từ 1m58, nam cao từ 1m65, đại diện Trường Quản trị và Kinh doanh cho biết, quy định xét tuyển của trường hướng tới mục tiêu đào tạo ra những nhà lãnh đạo, quản trị và điều hành xuất sắc cho cả khu vực công và tư.

Sau những thông tin phản ánh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức "tuýt còi" đơn vị này. Trong công văn chỉ rõ: "Nhà trường phải bảo đảm không để thí sinh nào bị mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan đến trình độ, năng lực, trừ những quy định của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng…".

Khảo sát của một tờ báo với hơn 2300 người tham gia cũng cho kết quả gần 70% cho rằng quy định của HSB là không công bằng. Số còn lại nhận định đây là quyền tự chủ của trường.

Trên mạng xã hội, loạt ý kiến phản đối lấn át thành phần tán đồng, trong đó không ít người tuyên bố họ bức xúc dù thừa điều kiện. Nhiều bình luận dẫn chứng trường hợp những lãnh tụ/nhà lãnh đạo khiêm tốn chiều cao nhưng nổi danh trên thế giới như hoàng đế Napoleon, doanh nhân Jack Ma,.., hoặc nhiệt tình thổ lộ họ kính nể và khâm phục những người sếp hiện tại, dù chiều cao chưa tới 1m6.

Có thể thấy hai thực tế từ sự việc này. Trước hết, sự phân biệt về ngoại hình (trong đó có chiều cao) vẫn mang lại sự bất bình lớn trong cộng đồng, đặc biệt khi nó tồn tại ở môi trường giáo dục.

Chiều cao quan trọng thế sao?- Ảnh 3.

Tác giả bài viết, nhà báo Ma Khánh Yến. Ảnh: DV

Ở phía ngược lại, tiêu chí của HSB cũng góp phần phản ánh một thực tế của xã hội tiêu dùng ngày nay, khi con người bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi công nghệ và truyền thông, với sự coi trọng ngày càng lớn về hình thức. Câu nói "tốt gỗ hơn tốt nước sơn", hàng chục năm nay – đã dần chìm vào quên lãng.

Thứ hai, đó là cách con người sử dụng mạng xã hội để qua đó tạo ra sự thay đổi. Nhờ sự phản đối mạnh mẽ của đại chúng, Trường Quản trị và Kinh doanh đã phải bỏ quy định về chiều cao với thí sinh 3/4 ngành học. Theo đó, các ngành quản trị doanh nghiệp và công nghệ, marketing và truyền thông, quản trị nhân lực và nhân tài đã bỏ tiêu chuẩn về chiều cao.

Chỉ riêng ngành quản trị và an ninh, trường vẫn giữ yêu cầu chiều cao nữ từ 1,58 m, nam từ 1,65 m; thể lực tốt, thị giác tốt, bởi theo lý giải của nhà trường, Viện An ninh phi truyền thống của trường đang cùng chuyên gia các ngành đào tạo các thế hệ sinh viên có đủ điều kiện và có thể đảm nhiệm các nhiệm vụ bảo đảm an ninh phi truyền thống cho nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp...

Sự thay đổi này không chỉ mở ra cơ hội cho những thí sinh sở hữu chiều cao khiêm tốn có nguyện vọng vào Trường Quản trị và Kinh doanh, nó còn là lời tuyên bố về quyền được học tập, được trau dồi và phát triển của những người trẻ ở các môi trường giáo dục khác.

Từ câu chuyện của HSB, có lẽ cũng đã đến lúc chúng ta nên lan tỏa vấn đề "chấp nhận sự khác biệt", dừng "body shaming" (miệt thị ngoại hình) vào văn hóa ứng xử của cộng đồng. 

Cần khẳng định một cách rõ rệt rằng mỗi chúng ta đều có mặt trên thế giới này với một vẻ ngoài riêng biệt, và vẻ ngoài đó xứng đáng được tôn trọng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem