Huy Cường
Chủ nhật, ngày 26/05/2024 09:45 AM (GMT+7)
Một tháng nay báo chí, xã hội, dư luận miệt mài bàn về ông Thích Minh Tuệ. Tôi gọi đó là một cuộc thử nghiệm cá nhân của một người đang thẩm trắc một xu hướng, một thực chứng về cách sống không - hiện - đại.
Hạnh phúc được hiểu phổ quát là gia đình yên ấm, thịnh vượng. Hạnh phúc là đôi lứa nồng nàn, hợp ý nhau. Hạnh phúc là đạt được những cái mà ta thích, ta phấn đấu như quyền lực, nhà cửa, xe cộ…
Ở những điều tưởng như hiển nhiên đúng này lại luôn có một phản đề bên cạnh.
Ngày nay không thiếu những gia đình giàu có, thịnh vượng, vợ chồng giỏi giang con cái đẹp đẽ nhưng trong "chăn" đầy chấy rận, tiềm năng bất hạnh nằm ngay trong mái nhà này…
Xuân Diệu đã viết "Trong gặp gỡ đã có mầm li biệt"…
Khi anh mua được một cái xe Toyota Prado trị giá 2,9 tỷ sau bao nhiêu năm thèm muốn, chắt chiu, thậm chí vay mượn thêm chút ít, anh có quyền tự hào với hàng xóm khu phố và bạn bè vì anh vừa trải qua mấy chục năm đi làm bằng cái xe máy.
Nhưng có thể sẽ trở thành bất hạnh khi hai tháng sau, bỗng dưng anh hàng xóm nhỏ hơn vài tuổi, bạn thân của vợ anh nay mới chuyển đến kề nhà anh, không danh giá gì lớn nhưng vừa tậu cái xe Mercedess S600 trị giá 11 tỷ bạc mà cũng chỉ để vợ đi đón con.
Trong môi trường chữ nghĩa, có nhiều định nghĩa về hạnh phúc như "Hạnh phúc là đem hạnh phúc đến cho người khác" hoặc hạnh phúc là đấu tranh…
Trong triết học, có một định nghĩa sắc gọn hơn "Hạnh phúc là cái ta gọi là hạnh phúc". Tôi thích khái niệm này.
Một trung niên hạnh phúc vô cùng khi vừa bỏ được một cô vợ xinh đẹp, giỏi giang nhưng nếu chung sống thêm, anh sẽ tổn thọ.
Một ông khác hạnh phúc vô cùng khi mới cưới được cô vợ đã qua một lần đò, có ba đứa con riêng, anh vượt qua cuộc chinh phục khá quyết liệt cùng với vài "anh hào" khác.
Một ông già ngoài bảy mươi tuổi luôn phớt lờ những quảng cáo về y khoa, dược phẩm, ông ta ăn uống tự nhiên, ngủ tự nhiên, làm việc tích cực và vẫn vui sống khoẻ khoắn. Ông ta thấy hạnh phúc.
Để củng cố thêm ý nghĩa này xin mượn một bài thơ của Nhà thơ Bùi Minh Quốc tặng bạn mình trong chiến trường Quảng Nam:
Nhớ chăng em, cái mùa mưa đói quay đói quắt
Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng
Em xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưng
Môi tái ngắt, mái tóc mềm đẫm ướt
…Và em gọi đó là hạnh phúc.
Chúng ta ai cũng đã từng thực hành "Hạnh đầu đà". Nếu khái niệm một cách đơn giản Hạnh đầu đà là sống (Hoặc tu, hoặc thử sống) trong khổ hạnh (cũng là từ ngữ phổ thông) thì chúng ta đã từng sống theo xu hướng ấy.
"Giờ trái đất" là một ví dụ.
Đang sống ở đô thị với 90% trang thiết bị, công cụ chạy điện, đang dở dang một ca phẫu thuật, đang xem một chương trình truyền hình hấp dẫn thì bị cúp điện trong một giờ. Chỉ nói đến việc thực hành nó, thực tế là ta chấp nhận sống lùi lại ngàn năm, thời chưa có máy phát điện.
Hiện nay, sau khi đường cao tốc phát triển, rất nhiều người từ đô thị đầy tiện nghi quay về những tỉnh xa Hà Nội vài trăm km giữa vùng quê kiểng, xa khu công nghiệp, làm một cái trang trại nhỏ để sống và họ cảm thấy đó là hạnh phúc.
Họ vừa trải qua một chu trình từ nông thôn, thậm chí từ đồi rừng nghèo khó vượt qua từng bước, từng bước gian nan, trầy vi tróc vảy, ganh đua để có được hộ khẩu thành phố, căn hộ thành phố, lối sống thành phố rồi bây giờ quay lại điểm nói trên, họ thấy lúc này mới là hạnh phúc.
Một tháng nay báo chí, xã hội, dư luận miệt mài bàn về ông Thích Minh Tuệ. Tôi gọi đó là một cuộc thử nghiệm cá nhân của một người đang thẩm trắc một xu hướng, một thực chứng về cách sống không - hiện - đại.
Ông Thích Minh Tuệ muốn tìm những cảm xúc, những thành công, những thất bại (có thể).
Ông chấp nhận những "kiếp nạn" đến với mình bao gồm đói, rét, thị phi, lợi dụng, công kích, tán dương của người đời.
Nếu mai ngày vì một lý do nào đó mà việc thực hành, tu tập của ông Thích Minh Tuệ phải dừng lại thì tôi xem như ông cũng đã đi về đích của mình.
Sáu năm trời thực hành không thể là "diễn", không thể là cầu danh cầu lợi. Giá trị của ông đã được minh định ở những ý nghĩa cao cả hơn.
Nếu tôi được tin ông đột ngột bỏ tu, về với đời thường mỗi ngày thì tôi vẫn tôn trọng y như bây giờ, là tôi tôn trọng cái ông Thích Minh Tuệ đã làm được.
Không biết ông để lại cho nhân gian những gì (tuỳ ý hiểu của mỗi người). Với riêng tôi, tôi tiếp nhận một điều gần với chân lý: Cuộc sống đơn giản cũng là hạnh phúc.
Đến đây ông Thích Minh Tuệ đã là người hạnh phúc ở ý nghĩa ông đem hạnh phúc đến cho nhiều người khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.