Từ vụ cựu Bí thư Bến Tre nhận hối lộ, nhìn lại "quà tặng đặc biệt” biếu quan chức trong các đại án
Từ vụ cựu Bí thư Bến Tre nhận hối lộ, nhìn lại những "quà tặng đặc biệt” biếu quan chức trong các đại án
PV
Thứ sáu, ngày 30/08/2024 08:42 AM (GMT+7)
Từ vụ cựu Bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ nhận hối lộ, qua các đại án thấy ngoài tiền Việt và USD thì siêu xe, đồng hồ, gậy golf hoặc thậm chí là cổ phần của doanh nghiệp lãi cao cũng được tội phạm dùng làm quà tặng cho quan chức nhằm đạt mục đích của mình.
Vụ án Xuyên Việt Oil mới đây là lần hiếm hoi cơ quan điều tra xác định được quà tặng dành cho quan chức bao gồm xa xỉ phẩm. Cụ thể, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, ngoài nhận tiền mặt 1 triệu USD còn được Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Xuyên Việt Oil tặng quà.
Quà này bao gồm bộ gậy Golf hiệu Honma; đồng hồ Patek Philippe Plus, giá 421.000 USD và một xe Mercedes Ben - S450 Luxury, trị giá: 6.7 tỷ đồng. Do đó ông Lê Đức Thọ đã bị cáo buộc 2 tội danh, gồm "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi"
Bà Mai Thị Hồng Hạnh bị cáo buộc hối lộ hàng loạt quan chức Công thương, Tài chính.
Ngoài ông Thọ, bị can Nguyễn Lộc An, cựu Vụ Phó Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương, cũng được Mai Thị Hồng Hạnh tặng một đồng hồ Patek Philippe. Vị Vụ phó khai đã bán chiếc đồng hồ này với giá 23.000 USD.
Trong các vụ án kinh tế - tham nhũng trước đây, cơ quan tố tụng từng phát hiện hàng xa xỉ phẩm nhưng không làm rõ được. Như trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương khai tặng cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh một đồng hồ Rolex nhưng ông Vĩnh bác bỏ, cho hay đã mua của Dương với giá 1,1 tỷ đồng.
Trước câu hỏi, khi còn công tác ông Vĩnh là Tổng cục trưởng, lương 20 triệu còn vợ làm giáo viên, vậy tiền đâu mua đồng hồ, ông Vĩnh cho hay "kinh doanh cây cảnh" nên có tiền, thêm rằng việc "anh em mua bán của nhau là bình thường".
Trong vụ án Phan Văn Anh Vũ đưa hối lộ liên quan ông Nguyễn Duy Linh, cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an, phía điều tra thu giữ của ông Linh 2 điện thoại Vertu, 1 đồng hồ Patek Philippe, 1 thiết bị Golf Buddy. Tuy nhiên, ông Linh khai được tặng nhưng "không nhớ ai tặng" và không làm rõ được nguồn gốc của chúng.
Đa phần trong các vụ án khác, nhóm đưa hối lộ thường chỉ dùng quà tặng làm "vật dẫn" để đưa tiền, không có việc tặng các hàng hóa xa xỉ
Như ở vụ án Việt Á, Phan Quốc Việt khi cần tặng quà cho cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh liền hẹn gặp tại trụ sở để "trao đổi về công tác phòng chống dịch". Gặp nhau nói chuyện được 15 phút, anh ta mở ba lô lấy một túi quà màu xanh có in hotline của Công ty Việt Á.
Việt khai, bên trong túi có 200.000 USD cùng vài bộ khẩu trang và chai nước rửa tay khô dạng xịt do Công ty Việt Á sản xuất. Anh ta lấy các sản phẩm này ra, trao đổi về tính năng rồi lại bỏ vào trong, đưa cho ông Chu Ngọc Anh.
Khi đó, Việt nói: "Tụi em mới có được ít thanh toán, ghé cám ơn anh đã ủng hộ chúng em tham gia đề tài và hỗ trợ chúng em rất nhiệt tình. Nếu tình hình tốt, sắp tới em sẽ ghé thăm anh tiếp". Cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đáp lại: "Tớ cám ơn Việt" rồi đồng ý nhận chiếc túi màu xanh.
Một người khác nhận tiền của Phan Quốc Việt là Nguyễn Văn Trịnh, cựu Trợ lý Phó Thủ tướng. Người này khai đã giúp Công ty Việt Á được cấp số lưu hành, sản xuất test và còn dặn Phan Quốc Việt cứ làm các thủ tục để cấp số lưu hành với Bộ Y tế, Trịnh sẽ theo sát và chỉ đạo các bộ phận chuyên môn và: "Nếu có khó khăn, báo lại".
Trước khi Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành, ông Trịnh gọi cho Việt, nói: "Đã chỉ đạo dưới chuyên môn rồi" tức đã chỉ đạo Nguyễn Minh Tuấn, lúc đó là Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị Công trình để xét duyệt.
Tháng 5/2020, Phan Quốc Việt lại phải nhờ ông Trịnh khi Công ty Việt Á có khó khăn về vốn. Lần này, vị Trợ lý Phó thủ tướng tác động Nguyễn Nam Liên, khi đó là Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, để Việt Á được thanh toán 49 tỷ đồng từ nguồn của các ngân hàng tài trợ Bộ Y tế.
Đổi lại sự "giúp đỡ" trên, ông Trịnh hai lần được Phan Quốc Việt đưa tiền cảm ơn, đều tại một quán cà phê trên phố Vạn Phúc (Ba Đình, Hà Nội).
Lần đầu vào tháng 8/2020, hai người ngồi nói chuyện khoảng 30 phút về phòng chống dịch và sau đó, Việt tặng ông Trịnh một túi quà chứa sâm, cùng 100.000 USD.
Tháng 3/2021, Việt gặp lại ông Trịnh và "báo cáo" tình hình Công ty Việt Á phối hợp chống dịch tại Hải Dương. Lần này, anh ta cũng đưa cho ông Trịnh 100.000 USD gồm 10 tệp, mỗi tệp 100 tờ mệnh giá 100 USD.
Ngoài tiền, từng xuất hiện trường hợp doanh nghiệp tặng quà cho quan chức bằng cách cho góp cổ phần kinh doanh. Cụ thể, trong vụ án buôn lậu xăng dầu trên biển, cơ quan tố tụng xác định trùm Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn muốn "lợi dụng ảnh hưởng" của ông Phùng Danh Thoại, lúc đó là đại tá, Trưởng phòng Xăng dầu thuộc Cảnh sát biển, để buôn lậu nên rủ "góp vốn kinh doanh xăng dầu".
Ông Thoại đồng ý, đã góp 5 tỷ đồng trong giai đoạn tháng 5 – 7/2019. Nhóm gian thương sau đó buôn lậu xăng từ Singapore qua đường biển về Việt Nam. Trong vòng 16 tháng liên tục, nhóm này nhập hơn 198 triệu lít xăng, tiêu thụ thành công 196 triệu lít trị giá 2.794 tỷ đồng.
Qua đây, Hữu hưởng lợi bất chính 105 tỷ đồng, tương đương 40% lợi nhuận; nhóm của Viễn, gồm Thoại chia nhau 60%, tương đương 157 tỷ đồng. Ngoài ra tiền thu được còn được dùng cho việc hối lộ hàng loạt quan chức thuộc biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, công an.
Ông Phùng Danh Thoại được chia lợi nhuận 16 lần trong 16 tháng, lần ít nhất 250 triệu đồng, nhiều là 3,4 tỷ đồng. Tổng cộng, ông Thoại đã được Viễn chia 18,3 tỷ đồng. Ngoài ra, tháng 2/2020, do vị đại tá yêu cầu nên nhóm buôn lậu còn chuyển cho ông ta 4 tỷ đồng để thanh toán tiền mua ô tô Volvo XC90.
Viện kiểm sát cáo buộc, tổng số tiền ông Thoại hưởng lợi trong vụ án là 22,3 tỷ đồng, gấp 4,5 lần số vốn góp. Tại tòa, Phùng Danh Thoại thừa nhận được Đào Ngọc Viễn rủ "góp vốn kinh doanh xăng dầu" nhưng không biết là buôn lậu.
"Viễn nói bị cáo góp 5 tỷ đồng, mỗi năm sẽ được lãi suất vài tỷ đồng. Bị cáo sắp nghỉ hưu, thấy lãi suất như vậy là lớn nên bán nhà, gom tài sản góp vốn kinh doanh xăng dầu với nhóm Viễn, Hữu", ông Thoại khai.
Ông này nói thêm, từ tháng 9/2019 đến tháng 12/2020, khi Viễn nhận được tiền chia lợi nhuận từ Hữu sẽ chủ động xuống Hải Phòng để đưa tiền mặt cho Thoại.
Thời gian, địa điểm đưa không cố định nhưng thường, Viễn đưa tiền cho Thoại tại quá cà phê gần công ty ông ta. Khi Viễn chia tiền lợi nhuận cho Thoại, Viễn không nói cho Thoại biết cụ thể số tiền lợi nhuận trong tháng của cả nhóm nên Thoại không biết số tiền Thoại được chia tương ứng bao nhiêu phần trăm lợi nhuận của cả nhóm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.