Từ vụ doanh nhân được tại ngoại sau 13 năm bị khởi tố: Quy định về thời gian tạm giam cụ thể ra sao?

Quang Minh Chủ nhật, ngày 30/06/2024 10:34 AM (GMT+7)
Theo luật sư, Điều 329 Bộ luật tố tụng hình sự quy định, nếu bị cáo đang bị tạm giam, bị xử phạt tù mà đến ngày kết thúc phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết thì HĐXX ra quyết định tạm giam bị cáo để đảm bảo việc thi hành án.
Bình luận 0

Doanh nhân được tại ngoại sau 13 năm bị khởi tố

Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP.Hà Nội vừa ký quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam với ông Nguyễn Huy Khang, sinh năm 1959, quê huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Ông Khang là bị cáo trong một vụ án lừa đảo và đã bị tạm giam tại Trại số 2 Công an Hà Nội từ ngày 21/2/2011. Đến nay, Chánh án Hà Nội xét thấy: "Không cần thiết tiếp tục tạm giam đối với bị cáo Nguyễn Huy Khang".

Trong vụ án của mình, ông Khang bị cáo buộc phạm tội lừa đảo cùng 2 đồng phạm gồm Nguyễn Đình Bang (SN 1951) và Hoàng Thị Xuân (SN 1963). Vụ án được khởi tố năm 2010, ông Bang bị bắt giam từ đó đến năm 2016 mới được thay đổi biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Trải qua nhiều lần điều tra bổ sung, vụ án được xét xử lần đầu năm 2016 nhưng tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm năm 2017.

Từ vụ doanh nhân được tại ngoại sau 13 năm bị khởi tố: Quy định về thời gian tạm giam cụ thể ra sao?- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Huy Khang (ảnh trái), sinh năm 1959, quê huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: X.A.

Ba năm sau, TAND TP.Hà Nội xử lại vụ án, vẫn kết tội ông Bang đồng phạm với Nguyễn Huy Khang về hành vi lừa đảo. Năm 2022, tòa cấp cao lại tuyên hủy án sơ thẩm do Hoàng Thị Xuân mới bị bắt.

Tháng 11/2023, Viện kiểm sát tiếp tục ra cáo trạng, cáo buộc 3 người có hành vi lừa đảo. Phiên tòa từng được mở năm 2024 nhưng phải hoãn.

Trước khi bị bắt tạm giam (ngày 21/2/2011), ông Khang là giám đốc Công ty phát triển công nghệ Thuận An.

Cả hai bản án sơ thẩm năm 2016 và năm 2020 đều tuyên phạt ông Khang 18 năm tù, phạt ông Bang 16 năm tù. Hiện, TAND TP.Hà Nội đang thụ lý và giải quyết sơ thẩm lần 3 theo đúng quy định của pháp luật.

Quy định tạm giam đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng

Luật sư Ma Văn Giang – Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho hay, theo quy định của pháp luật, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự 2015 quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Để làm rõ bản chất của vụ án, động cơ, mục đích của người thực hiện hành vi phạm tội thì thời hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. 

Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thời hạn tạm giam qua các giai đoạn được quy định như sau: Thời hạn tạm giam bị can để điều tra được quy định tại Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó, cơ quan điều tra tạm giam bị can để điều tra đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng không quá 4 tháng và có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 4 tháng.

Như vậy, thời hạn tạm giam để điều tra đối với tội đặc biệt nghiêm trọng (kể cả gia hạn) tối đa là không quá 12 tháng (trừ tội xâm phạm an ninh quốc gia).

Từ vụ doanh nhân được tại ngoại sau 13 năm bị khởi tố: Quy định về thời gian tạm giam cụ thể ra sao?- Ảnh 3.

Luật sư Ma Văn Giang – Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Ảnh nhân vật cung cấp.

Trường hợp cần thiết đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng không phải là tội xâm phạm an ninh quốc gia và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần nhưng không quá 04 tháng; trường hợp đặc biệt không có căn cứ để hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định việc tạm giam cho đến khi kết thúc việc điều tra (Khoản 6 Điều 173).

Ngoài ra, theo luật sư Giang, trường hợp Viện kiểm sát trả hồ sơ lại đề nghị điều tra bổ sung, theo quy định tại khoản 4 Điều 174 thì thời hạn tạm giam để điều tra bổ sung không quá 4 tháng bao gồm cả thời gian gia hạn.

Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử được quy định tại khoản 2 Điều 278 quy định là không quá 3 tháng 30 ngày (bao gồm cả thời gian gia hạn).

Theo quy định tại Điều 329 Bộ luật tố tụng hình sự, nếu bị cáo đang bị tạm giam, bị xử phạt tù mà đến ngày kết thúc phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết thì HĐXX ra quyết định tạm giam bị cáo để đảm bảo việc thi hành án. Thời hạn tạm giam là 45 ngày, kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp Thẩm phán chủ toạ phiên tòa trả hồ sơ lại đề nghị điều tra bổ sung, theo quy định tại khoản 4 Điều 174 thì thời hạn tạm giam để điều tra bổ sung không quá không quá 1 tháng.

Trường hợp, Hội đồng xét xử tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 174 thì thời hạn tạm giam để điều tra bổ sung không quá là không quá 1 tháng.

Đối với bán án bị kháng cáo, theo quy định tại Điều 347 thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử phúc thẩm không quá 90 ngày đối với Tòa án nhân dân cấp cao.

Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại mà thời hạn tạm giam đối với bị cáo đã hết thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định tiếp tục tạm giam bị cáo cho đến khi Viện kiểm sát hoặc Toà án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án. 

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên hủy bản án sơ thẩm, hồ sơ vụ án phải chuyển cho Viện kiểm sát hoặc Toà án cấp sơ thẩm để giải quyết theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự (Khoản 5 Điều 358 BLTTHS).

Sau khi Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại thì Cơ quan điều tra, Viện kiệm sát và Tòa án cấp sơ thẩm có thẩm quyền tiến hành điều tra, truy tố, xét xử lại vụ án theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này (khoản 1 Điều 360).

Trường hợp vụ án được điều tra lại, thời hạn tạm giam và gia hạn tạm giam được thực hiện theo quy định tại Điều 173 của Bộ luật tố tụng hình sự (Khoản 4 Điều 174 BLTTHS).

Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:

Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; Tiếp tục phạm tội; Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; Tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; Đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;

Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia (Khoản 4 Điều 119 BLTTHS).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem