Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên những ngôi sao showbiz thể hiện hành vi phản văn hóa trong ứng xử.
Về vấn đề này, PVa có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái và TS. Phan Quốc Việt.
PGS Nguyễn Thị Minh Thái: Khi bạo lực và sự ích kỷ lên ngôi
Trước đây, truyền thông cũng đã cung cấp nhiều câu chuyện về lỗi văn hóa, lỗi ứng xử trong một số tình huống cụ thể của Đàm Vĩnh Hưng, Ngọc Trinh, Lý Nhã Kỳ, Diễm Hương... Có nghĩa, chuyện của Trang Trần chỉ là giọt nước tràn ly, nếu nhìn vào cách một số nghệ sĩ đã ứng xử với cộng đồng. Ngắn gọn, đó là phát ngôn, cử chỉ, hành động... xuất phát từ tâm lý coi mình là trung tâm, muốn làm gì thì làm, nói gì thì nói và bỏ qua nguyên tắc tối thiểu về phép xã giao giữa người với người.
PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái
Nhìn rộng hơn, chuyện của Trang Trần cũng có thể coi là một điển hình cho cách ứng xử của một bộ phận khá lớn thanh niên trẻ. Chưa bao giờ, ta thấy xuất hiện nhiều những người trẻ có cách ứng xử ích kỉ, hoang tưởng, và thiên về bạo lực như thời gian Tết cổ truyền vừa qua. Nhìn vào con số thống kê của hàng ngàn vụ đánh nhau trong dịp Tết, cũng như những hình ảnh đầy bạo lực trong mùa lễ hội vừa bắt đầu, chúng ta cũng dễ nhận thấy đó là sự băng hoại giá trị đạo đức truyền thống. Bởi, với cách ứng xử của người Việt xưa, trong khung cảnh làng xóm cổ truyền thì lễ hội và lễ Tết là dịp để san sẻ những tình cảm cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, và từ đó nhân lên thành niềm vui chung cho mọi người nhân dịp Xuân về.
Trong xã hội hiện đại, gia đình, nhà trường và môi trường xã hội là ba "trường học" quan trọng nhất để hình thành nhân cách cho mỗi cá nhân. Nhưng hôm nay, điều đáng buồn là không chỉ môi trường xã hội mà hai "trường học" còn lại cũng đều đang... gặp vấn đề. Trong gia đình, trẻ em nhiều khi không được giáo dục cẩn thận về cách ứng xử, để rồi mang tâm lý hoang mang, ngơ ngác khi bước vào đời. Ở nhà trường, chỉ cần đọc báo mỗi ngày, đều có thể gặp những câu chuyện đau lòng về ứng xử thầy trò, thậm chí thày giáo và học sinh "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay " với nhau.
Trang Trần trong chương trình truyền hình “Cuộc đua kỳ thú”
Chỉ vài ngày trước vụ say rượu của Trang Trần, giới truyền thông đã dành nhiều khen ngợi Hồ Ngọc Hà, khi cô tới thăm các nạn nhân sau vụ tai nạn do xe hơi của mình gây ra. Với cách nhìn của tôi, cư xử của Hồ Ngọc Hà chỉ đơn giản là làm đúng nguyên tắc tối thiểu phải có, trong mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng và xã hội. Ngược lại, sau câu chuyện rầy rà, Trang Trần lại rất có thể bỗng trở thành nổi tiếng và được dư luận biết đến – nếu nhìn vào những tiền lệ từng xảy ra với một vài ca sĩ khác. Có đáng buồn không, khi những điều bình thường bỗng trở thành bất thường và ngược lại, trong cuộc sống hôm nay?
Tuy nhiên, từ góc nhìn khác, thể tất nhân tình hơn, thì ta nên khép lại chuyện Trang Trần ở đây, khi cô ấy đã biết rút kinh nghiệm sau vấp váp, xin lỗi các vị công an về ứng xử không phải phép của mình. Tôi biết Trang Trần là người tốt, chịu làm từ thiện cho cộng đồng, tự mình nuôi nấng mấy em bé cơ nhỡ và được nhiều bạn nghề thông cảm, yêu mến. Vậy tốt hơn hết hãy để cô ấy tự chịu trách nhiệm về bản thân sau câu chuyện này…
TS. Phan Quốc Việt: Nhiều người không xứng với chiếc áo lộng lẫy
Không kể Trang Trần là người nổi tiếng, dù cô ấy là bất cứ ai thì hành động của cô là không thể chấp nhận được và cần lên án. Ngành giáo dục vẫn nói, đầu tiên phải học làm người, trong khi chúng ta quá sa đà vào học làm nghề. Điều này khiến kỹ năng ứng xử của nhiều người không xứng với chiếc áo lộng lẫy về nghề nghiệp, địa vị họ khoác lên người.
Từ trường hợp Trang Trần nói riêng và những scandal của giới trẻ nói chung, tôi nghĩ phải đưa kỹ năng sống vào nhà trường và phải giáo dục từ nhỏ. Bởi, UNESCO có nêu khái niệm về “học”. Đó là: Học để làm người, học để biết, học để làm nghề và học để chung sống. Giáo dục chúng ta nặng học để biết và học làm nghề. Còn học để làm người và học để chung sống đang không được chú trọng đúng mức.
Môn Đạo đức (hay Giáo dục Công dân xưa) dạy ở nhà trường nặng về lý thuyết. Việc bắt các em phải học thuộc lòng thì dù đến 10 điểm Đạo đức cũng có thể là tội phạm. Quan trọng là thực hành văn hóa ứng xử. Nên thay vì Đạo đức, việc thực hành kỹ năng sống trong nhà trường là điều cần thiết để tránh tình trạng như người mẫu Trang Trần vừa qua.
Nhiều người vẫn tin vào sự “tự cân bằng” của văn hóa ứng xử. Nhưng, trên thực tế, việc tự cân bằng văn hóa xảy ra khi cá thể trong cộng đồng được quyền tự định vị. Song, giáo dục trong cả nhà trường và gia đình hiện nay đang là “bị định đoạt”. Những giáo điều, quan liêu, mệnh lệnh đang khiến con người khó tự định vị bản thân. Và đây cũng là căn cơ của việc các ngôi sao hay giới trẻ ngông cuồng, ứng xử thiếu văn hóa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.