Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Đức Thọ - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre để điều tra tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, theo Điều 358 Bộ luật hình sự.
Động thái này được đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan liên quan.
Hồi đầu tháng 10, ông Lê Đức Thọ khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, bị cách tất cả chức vụ trong Đảng vì vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định.
Vi phạm của ông Thọ bị đánh giá mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, mất uy tín cá nhân.
Sau thông tin này, bạn đọc đặt câu hỏi, quy định về kê khai tài sản đối với cán bộ và số tài sản cán bộ kê khai không trung thực sẽ được xử lý thế nào?
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, kê khai tài sản theo quy định của Đảng được áp dụng đối với đảng viên giữ chức vụ. Nếu cán bộ đảng viên kê khai tài sản không trung thực, không đúng quy định sẽ bị xử lý kỷ luật đảng.
Trường hợp qua kê khai tài sản hoặc xác minh về tài sản của cán bộ công chức, viên chức, đảng viên mà phát hiện ra hành vi tham nhũng, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự.
Ông Cường phân tích, Điều 36 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định về phương thức và thời điểm kê khai tài sản, thu nhập như sau: Kê khai lần đầu được thực hiện đối với người đang giữ vị trí công tác quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 34 của Luật này tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành.
Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12 năm 2019; Người lần đầu giữ vị trí công tác quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 34 của Luật này, việc kê khai phải hoàn thành chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày được tiếp nhận, tuyển dụng, bố trí vào vị trí công tác.
Kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12 của năm có biến động về tài sản, thu nhập, trừ trường hợp đã kê khai theo quy định tại khoản 3 Điều này.
Kê khai hằng năm được thực hiện đối với người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12. Người không thuộc quy định tại điểm a khoản này làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác theo quy định của Chính phủ, việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12.
Về hình thức xử lý, theo vị chuyên gia, Điều 20 Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định, người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực, tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 Luật Phòng, chống tham nhũng.
Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che dấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.
Các hành vi vi phạm quy định tại Điều 20, các khoản 1, 2, 3 Điều này nếu cấu thành tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Ông Cường cho biết, như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, Uỷ ban kiểm tra Trung ương có căn cứ cho thấy ông Lê Đức Thọ đã kê khai tài sản không trung thực nên đã tiến hành xem xét kỷ luật Đảng bằng hình thức cách hết các chức vụ trong Đảng.
Đồng thời phát hiện ra tài sản không kê khai, kê khai không trung thực có dấu hiệu do phạm tội mà có nên đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét giải quyết.
Căn cứ vào kết quả thanh tra, kiểm tra, kết quả xác minh điều tra vụ án hình sự, đến nay cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy, hành vi kê khai tài sản không trung thực là do phạm tội mà có nên đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với ông Thọ về tội Lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.
Trường hợp ông Lê Đức Thọ bị chứng minh có tội, số tài sản bất minh trên sẽ bị tịch thu, sung công quỹ nhà nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.