Tục giữ rừng của người Cơ Tu

Thứ sáu, ngày 29/03/2013 10:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng nghìn năm qua, trong những mái nhà sàn, bên những khe suối, dưới những tán rừng, người Cơ Tu ở Quảng Nam vẫn sống âm thầm cùng những tập tục của riêng mình.
Bình luận 0

Rừng là nơi họ ở, săn bắt thú, lấy gỗ, là nơi nuôi sống họ… bởi vậy họ rất quý rừng, "tôn trọng" rừng; từ đó, những tập tục về rừng được họ quy định rất bài bản.

Rừng đối với người Cơ Tu không phải là rừng vô chủ; mà mỗi khoảnh rừng đều có chủ riêng để quản lý, khai thác, săn bắt. Trong làng, mỗi người được làng phân định một vạt rừng riêng. Ai từ nơi khác đến việc đầu tiên phải làm là "mua" rừng, "mua" đoạn sông, đoạn suối bằng vật có giá trị nhất của mình như con trâu, cái ché xưa, nồi đồng… và nhiều khi phải gả con gái cho nhà người có đất, có rừng. Thậm chí, người chưa có con cái thì phải hứa cho đứa con sau này của mình cho chủ rừng, chủ đất.

img
Một bản làng Cơ Tu (hình trái tim) được bao bọc bởi núi rừng ở xã Ga Ri, huyện Tây Giang, Quảng Nam.

Từ đó, cho thấy rừng với người Cơ Tu luôn có chủ, họ "truyền" rừng cho con cháu từ đời này đến đời khác. Tất nhiên, vì sống dựa vào rừng, nên họ không cấm việc khai thác, săn bắt; nhưng do tính cộng đồng làng xã cao, nên họ cấm không được phá rừng trái với luật tục quy định. Luật tục đó là gì?

Trước khi phát rừng làm nương rẫy, người Cơ Tu phải chọn ngày (âm lịch) tốt để "xin" thần đất, thần rừng. Họ đến địa điểm nơi mình định chọn phát rẫy (gọi là choóc a'rứih) và mang theo một con gà trống choai, không có gà thì mang theo một quả trứng, rồi làm lễ cúng xin thần đất thần rừng cho gia chủ được phát rẫy trong năm đó với diện tích bao nhiêu, phát tới đâu, để thần đất thần rừng biết mà "cho".

Gia chủ sẽ phát một vạt đất chừng 15m2, rồi khấn thần đất với đại ý xin thần rừng, thần đất, thần sông suối quanh đây, cho tôi được phát rẫy trong vụ này tại khu vực rộng từng này, dài tới kia có xin phép đàng hoàng. Nếu ưng thuận cho nằm mơ điềm lành, điều tốt trong vụ thu được nhiều lúa ngô. Nếu không thuận thì cũng báo chi biết điều ác để tôi tránh phát nơi đây để tìm nơi khác, mong thần linh ưng thuận cầu cho chúng tôi làm ăn tốt và nhiều sức khỏe".

Sau đó gia chủ còn phải chờ kết quả nằm mơ: Nếu mơ có điềm báo tốt thì ít ngày sau tiến hành phát đốt theo đúng những gì đã ước và tuyệt đối không để rừng cháy lan. Còn nếu mơ thấy điềm ác thì bỏ không phát tại khu vực đã xin mà phải đi tìm chỗ khác.

Luật tục Cơ Tu cũng cấm đốt phá rừng đầu nguồn, vì với họ rừng đầu nguồn là mạch nguồn nuôi sống con người, nếu phá thì trong làng dễ xảy ra dịch bệnh, chết chóc. Do vậy, ai phá rừng đầu nguồn phải chịu một khoản chi phí cho làng cúng, ít nhất phải có: 1 con heo to, 1 con dê và gộc rượu.

Qua thời gian, do giao thoa văn hóa với đồng bằng, do rừng ngày càng cạn kiệt bởi sự khai thác bừa bãi của những người dưới xuôi, cộng thêm đời sống kinh tế khó khăn… những tập tục này ngày càng mai một, nhưng phần đông Cơ Tu vẫn còn nhớ và thực hiện những luật tục này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem