TS Nguyễn Khắc Kiểm - Phó trưởng Khoa Ngoại lồng ngực (Bệnh viện K) cho biết, theo thống kê, trường hợp khối u nằm trong ống tủy phát triển ra ngoài trung thất (u rễ thần kinh - Dumbell) tại tủy ngực rất hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 2% các ca ung thư. Tuy nhiên, thương tổn của các khối u này thường phức tạp nặng nề, có thể dẫn tới các rối loạn cảm giác, vận động thậm chí liệt 2 chi do khối u chèn ép tủy.
Khối u "quả tạ" trong lồng ngực bệnh nhân Y. (Ảnh BSCC)
Trước đó, bệnh nhân Hứa Thị Y., 61 tuổi, nhập viện trong tình trạng tức ngực kéo dài, đau lưng và vai tay trong gần một năm, đã điều trị nhiều nơi nhưng không hiệu quả. Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện K Trung ương, được chẩn đoán là u thần kinh tủy sống, chỉ định phẫu thuật loại bỏ khối u nhằm giải phóng chèn ép tủy và chèn ép khoang trung thất.
Sau khi hội chẩn, các chuyên gia ung bướu trong bệnh viện, các bác sĩ nhận định đây là ca mổ phức tạp vì khối u hình quả tạ vừa nằm trong ống tủy ngực vừa nằm trong lồng ngực liên quan đến nhiều chức năng quan trọng như: vận động, cảm giác, phổi, buồng tim, các tĩnh mạch và động mạch lớn xuất phát từ tim.
Việc lựa chọn đường mổ cũng được tính toán kỹ nhằm đảm bảo lấy toàn bộ khối u và đảm bảo an toàn cho người bệnh. Trước đây, với những ca bệnh như trên, Bệnh viện K thường phải phối hợp với những khoa hoặc trung tâm phẫu thuật thần kinh của một số bệnh viện khác để tiến hành phẫu thuật.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2017, khoa Ngoại thần kinh của Bệnh viện K được thành lập đã tạo nên bước chuyển mới trong việc điều trị những khối u liên quan đến thần kinh, đặc biệt là những tổn thương phức tạp như trên liên quan đến nhiều chuyên ngành.
Theo TS Kiểm, việc phẫu thuật diễn ra căng thẳng vì phải tinh tế, tỉ mỉ để loại bỏ hoàn toàn khối u mà không gây biến chứng có thể gây liệt tuỷ... Chỉ một sơ suất nhỏ có thể ảnh hưởng đến tính mạng, hoặc gây biến cố liệt vận động cho bệnh nhân.
Sau 6 giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công, bệnh nhân tỉnh lại, cử động hai chân bình thường và tự thở bình thường. Đây là khối u lành tính, bệnh nhân ra viện sau 7 ngày phẫu thuật.
Bác sĩ Nguyễn Đức Liên - Trưởng khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện K T.Ư) nhận định, u tủy có triệu chứng khởi phát khá kín đáo và tiến triển chậm, dễ bị bỏ qua trong giai đoạn đầu. Vì đa số u trong tủy sống phát triển chậm ở giai đoạn đầu, bệnh nhân thường nghĩ do các nguyên nhân thông thường như đau lưng do thoái hóa đốt sống nên không đi khám hoặc chỉ khám qua loa, không chiếu chụp sâu để phát hiện khối u.
Các triệu chứng lâm sàng sớm của bệnh u trong tủy sống gồm: đau cột sống, thi thoảng đi lại khó khăn. Khi u phát triển đủ lớn thường gây các rối loạn chức năng thần kinh như rối loạn cảm giác, rối loạn vận động, rối loạn cơ tròn (gây tiêu, tiểu khó, táo bón), co cứng cơ, teo cơ và các triệu chứng khác. Trường hợp khối u ở cột sống ngực có thể gây ra đau ngực, hoặc ho kéo dài nếu khối u phát triển vào lồng ngực. Do vậy, khi có các triệu chứng đau lưng, mỏi vai tái diễn nhiều lần, người bệnh cần đến thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.