Theo dõi thông tin về ngôi vị Hoa hậu Đại dương của Lê Âu Ngân Anh, TS Lê Hồng Sơn, Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp đã có những bình luận trên nhiều góc độ.
Thí sinh không có lỗi
. PV: Thưa ông, cuộc thi Hoa hậu Đại dương dù đã kết thúc, nhưng dư luận vẫn còn nhiều tranh cãi về người đăng quang, nhất là tính pháp lý liên quan đến yếu tố phẫu thuật thẩm mỹ. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào ?
+ TS Lê Hồng Sơn: Theo tôi sự kiện này thêm một lần nữa chứng minh rằng chuẩn mực, thể chế, quy chế của chúng ta đặt ra các tiêu chuẩn để các thí sinh được tham gia cuộc thi chưa cụ thể, rõ ràng. Cho nên cũng với quy chế, thể chế đó, lúc này Ban tổ chức (BTC) hiểu là thí sinh đủ điều kiện để tham gia cuộc thi, lúc khác lại nhận khuyết điểm để thí sinh đã giải phẫu thẫm mỹ tham gia cuộc thi. Đây là cách hiểu trắng đen, phải trái quay ngoắt 180 độ.
. Cụ thể kinh nghiệm rút ra là gì, thưa ông ?
+ Đây là bài học việc đặt ra thể chế phải cụ thể, rõ ràng. Để cho một thí sinh, một con người tham gia cuộc thi nào, cuộc chơi nào đó Ban tổ chức phải minh định được người đó có đủ điều kiện hay không ngay từ đầu.
TS Lê Hồng Sơn. Ảnh: Thu Nguyệt
. Nhưng thí sinh đã thừa nhận có phẫu thuật thẩm mỹ, vậy thí sinh cũng đã sai phạm quy định ?
+ Về quan điểm của tôi, thí sinh hoàn toàn không có lỗi, thí sinh ngay tình, trung thực, thẳng thắn, tham gia cuộc thi một cách vô tư, thoải mái. Bởi vì theo thông tin thí sinh đưa ra, khi vào cuộc chơi thí sinh đã khai ra việc giải phẫu thẩm mỹ và rút đệm mũi trước ở một cơ sở giải phẫu thẩm mỹ. Thí sinh không có lỗi gì ở đây.
Tước vương miện, BTC phải chịu trách nhiệm
. Vậy lỗi thuộc về BTC ?
+ Thí sinh đã thông báo cho BTC, nhưng BTC chấp nhận cho người ta tham gia cuộc thi thì như thế trách nhiệm của BTC chứ không phải của thí sinh. Trách nhiệm của BTC cho thí sinh tham gia một cách ngay tình, thì mọi hậu quả ban tổ chức phải chịu trách nhiệm.
. Trên thực tế đã có nhiều ý kiến cho rằng phải tước vương miện Hoa hậu của Ngân Anh, ông nghĩ gì nếu quyết định này được thực hiện ?
+ Việc tước vương miện hay không lại là việc của BTC, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch phải trao đổi làm sao thấu tình, đạt lý. Nhưng thí sinh đã tham gia cuộc thi ngay tình, trung thực, nếu có hậu qủa cuối cùng là tước vương miện của thí sinh, BTC phải chịu trách nhiệm.
. BTC cũng đã thừa nhận trách nhiệm của mình trong các báo cáo rồi thưa ông, vậy chịu trách nhiệm thêm một lần nữa có sao đâu ?
+ Không chỉ chịu trách nhiệm bằng việc xin lỗi, rút kinh nghiệm mà trách nhiệm đối với chính thí sinh, công luận, với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với thí sinh, khi tước vương miện của người ta sẽ tạo ra hậu quả cực kỳ lớn cho một công dân, một con người, cho nên nếu tước vương miện phải bồi thường thiệt hại cho người ta về danh dự, nhân phẩm, hậu quả các mặt mà thí sinh phải gánh chịu. Không chỉ BTC mà chuyên gia cũng có sự liên đới.
Lê Âu Ngân Anh trong thời khắc đăng quang.
Trách nhiệm của Bộ VH-TT&DL
. Vậy còn Bộ VH-TT&DL thì sao, đơn vị này có vô can khi để tạo ra sự việc như trên ?
+ Bộ VH-TT&DL có lỗi lớn nhất là đặt ra chuẩn mực, quy định thiếu cụ thể, thiếu chi tiết để tạo ra nhiều cách hiểu lúc này lúc khác khác nhau. Có thể giải thích như thế này, như thế kia. Bộ VH-TT&DL vào cuộc thiếu khẩn trương, kịp thời nên xử lý bây giờ vẫn đang là nửa vời.
. Khó khăn của việc xử phạt cũng đang có vấn đề là Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL hiện tại đang trống, thưa ông ?
+ Bộ không thể thiếu Chánh Thanh tra do nghỉ hưu nên không xử lý được, vì như vậy không đúng nguyên tắc về tổ chức nhân sự. Một khi Chánh Thanh tra nghỉ hưu phải có quyết định bổ nhiệm thanh tra mới để đảm bảo thi hành công vụ liên tục. Nếu vì lý do chưa có thì có Phó Thanh tra, được giao phụ trách để xử lý. Ngụy biện Chánh Thanh tra nghỉ hưu chưa xử lý là sai về nguyên tắc tổ chức nhân sự.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Viết Thịnh (Pháp Luật TP.HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.