Tượng đài điền kinh Việt Nam Bùi Lương qua đời, thọ 86 tuổi!

Minh Đức Thứ hai, ngày 01/07/2024 17:06 PM (GMT+7)
Vài ngày trước, tôi được biết thông tin tượng đài điền kinh Việt Nam Bùi Lương - người được làng điền kinh Việt Nam nể trọng, coi là vị thầy của những người thầy, mắc bệnh hiểm nghèo. Nhủ lòng sẽ qua thăm hỏi bác, chẳng ngờ, bác ra đi nhanh quá!
Bình luận 0

"Vĩnh biệt bố Bùi Lương"

Trong suy nghĩ của tôi, bác Bùi Lương là người vô cùng thân thiện, cởi mở, luôn sẵn sàng trả lời phỏng vấn báo chí với hy vọng truyền "lửa" nhiệt huyết, niềm đam mê thể thao nói chung và điền kinh nói riêng tới với cộng đồng.

Còn nhớ, thời điểm cách đây khoảng 5 năm, trong lần đầu tiên tôi đặt lịch phỏng vấn bác Bùi Lương về sự phát triển của phong trào điền kinh Việt Nam, bác hẹn lịch 7 giờ sáng ở một nhà khách ngay đầu làng cổ Phú Đô (Mỹ Đình, Hà Nội).

Tôi cảm thấy hơi bất ngờ vì hiếm có ai hẹn lịch gặp gỡ sớm như vậy. Tôi đến điểm hẹn đúng giờ mà nghĩ đi nghĩ lại mới mới dám gọi điện vì e làm phiền bác quá sớm. Ai ngờ khi bắt máy, bác đang trên đường cho các VĐV đội Bình Phước tập luyện chuẩn bị thi đấu giải: "Chờ một chút nhé, tôi sắp về tới nơi rồi đây, vừa xong buổi tập sáng cùng các cháu".

Thời gian qua đi, kể từ lần gặp đầu tiên đó, tôi còn gặp bác Lương nhiều dịp khác khi đi dự giải chạy Báo Hànộimới, giải Tiền Phong Marathon, hay tới nhà riêng của ông ở Hà Nội để lắng nghe những tâm sự chuyện đời, chuyện nghề. Lần nào gặp ông cũng tay bắt mặt mừng nhận ra ngay tôi chứ không cần giới thiệu lại.

Lần cuối cùng tôi liên lạc với bác Bùi Lương qua điện thoại để nghe bác chia sẻ kinh nghiệm sau vụ hai trường hợp chạy bộ bị đột tử ở Hà Nội hồi giữa tháng 10 năm ngoái. Câu đầu tiên là sự trăn trở đối với phong trào chạy bộ Việt Nam khi ông bày tỏ: "Những sự việc như này sẽ ảnh hưởng lớn tới tâm lý, tới phong trào chạy bộ rèn luyện sức khỏe trong quần chúng".

Tượng đài điền kinh Việt Nam Bùi Lương qua đời, thọ 86 tuổi!- Ảnh 2.

HLV Bùi Lương bên chiếc Cúp pha lê Giải Việt dã báo Tiền Phong lần đầu tiên năm 1958. Ảnh: Minh Đức

Ông lo lắng khi cho biết có những trường hợp sáng đi chạy lúc 4-5 giờ nhưng trước đó lại ngồi nhậu tới 2 giờ rạng sáng!

"Đã chạy bộ, chơi thể thao rèn luyện sức khoẻ, ngay trước đó không sử dụng rượu bia, thuốc lá thì tuyệt đối không hút. Ăn vừa đủ, sao cho ăn xong vẫn cảm thấy thèm ăn thêm 1 bát nữa nhưng thôi. Ngủ thì nên ngủ trước 23 giờ.

Ngay cả uống nước cũng không phải uống ừng ực khi mới chạy về, mà uống từng ngụm từ từ. Trước khi chạy bộ, bắt buộc phải khởi động toàn thân ít nhất 15 phút để cơ thể làm quen với trạng thái vận động.

Sau đó chạy nhẹ, tăng tốc độ quãng 50m khoảng ba lần, nghỉ ngơi một chút rồi mới chính thức bước vào đường chạy.

Tóm lại có ba giai đoạn: Khởi động, tập luyện (thi đấu) và hồi tĩnh đưa cơ thể trở lại trạng thái bình thường, giãn cơ sau khi kết thúc bài chạy. Tôi đi dự nhiều giải chạy thấy không ít người cứ tới địa điểm thi đấu là chạy luôn hoặc chỉ khởi động qua loa nên rất dễ dẫn đến chấn thương.

Đối với người bị bệnh tim mạch, khớp thì không chạy được nhưng vẫn nên vận động nhẹ, đi bộ, hít thở không khí, trạng thái cơ thể, tinh thần cũng sẽ tốt lên", Đó là những lời chia sẻ tâm huyết của "lão tướng" Bùi Lương - người cứ có cơ hội là cố gắng đưa ra những lời khuyên, hướng dẫn tận tình giúp mọi người chạy bộ sao cho đúng cách.

Những lời khuyên của ông càng thuyết phục hơn khi ở tuổi ngoài 80, ông vẫn rèn luyện hàng ngày. Và "bộ sưu tập" thành tích 9 lần giành HCV marathon năm 1961 và từ 1967 đến 1974 của ông luôn khiến tất cả phải trầm trồ.

Tượng đài điền kinh Việt Nam Bùi Lương qua đời, thọ 86 tuổi!- Ảnh 3.

Những bước chạy mang theo "chất thép" của huyền thoại marathon Bùi Lương cách đây hơn nửa thế kỷ. Ảnh: NVCC

Trong 20 năm trên đường chạy (1957-1977), VĐV Bùi Lương được ghi nhận là VĐV thi đấu liên tục và có thành tích lâu nhất trên thế giới.

Giã từ sự nghiệp thi đấu, trong 40 năm (1980-2020) làm công tác huấn luyện, ông được ghi nhận là HLV điền kinh có thời gian làm việc lâu nhất trên thế giới, liên tục phát hiện, đào tạo ra các VĐV trẻ từ con số 0 tới khi có thành tích nổi bật trên đấu trường trong nước và quốc tế. Có thể kể tên những học trò của ông như Đặng Thị Tèo (HCV marathon toàn quốc), Đoàn Nữ Trúc Vân (HCV 10.000m SEA Games 22), Nguyễn Chí Đông (HCB marathon SEA Games 22), Hoàng Nguyên Thanh (HCV SEA Games 31), Hoàng Thị Ngọc Hoa, Lâm Thị Thúy…

Cả đời gắn bó, tận hiến cho điền kinh Việt Nam, sự ra đi của "lão tướng" Bùi Lương vào ngày 30/6 khiến các tuyển thủ điền kinh Việt Nam vô cùng thương tiếc.

Tượng đài điền kinh Việt Nam Bùi Lương qua đời, thọ 86 tuổi!- Ảnh 4.

HLV Bùi Lương (đứng ngoài cùng bên phải) cùng lứa học trò đầu tiên của mình. Ảnh: NVCC

Trên mạng xã hội ngày hôm nay (1/7), nhiều VĐV đã chia sẻ dòng trạng thái tiễn biệt người thầy kính mến. Tuyển thủ điền kinh Việt Nam Nguyễn Văn Lai (6 HCV SEA Games trong đó có 4 HCV 5.000m SEA Games 27, 28, 29, 31 và 2 HCV 10.000m SEA Games 27, 31) viết: "Một ngày kia đến bờ/Đời người như gió qua…"

Mượn câu hát chào vĩnh biệt "bố" Bùi Lương. Bố đã sống, chiến đấu oanh liệt cho đến tận giây phút cuối cùng. Ở nơi thiên đường sẽ ngập ánh sáng, không còn đau đớn nữa bố nhé. Chỉ còn những hân hoan".

"Cô gái vàng" đi bộ Nguyễn Thị Thanh Phúc (17 HCV giải vô địch quốc gia, 5 HCV SEA Games 2011, 2013, 2015, 2022, 2023) xúc động viết:

"Con vĩnh biệt Bố. Tượng đài của điền kinh Việt Nam! Cảm ơn Bố và luôn nhớ những kỷ niệm đẹp trong những chuyến thi đấu và tập huấn! Bố luôn bảo khó lắm mới tìm ra được đứa Đi Bộ thay thế con Phúc à!

Chạy cùng Bố tại giải Đông Hà cách đây 3 tháng, vẫn là cách xoa đầu và ôm con vào lòng khen con miệt mài, kiên trì theo đuổi nghề! Luôn nhớ về Bố.

Hãy Yên Nghỉ Bố Nhé! Con sẽ là người truyền lửa, truyền cảm hứng đến cộng đồng như lời Bố dạy!"
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem