Bức tường này chắc trên dưới trăm tuổi. Ngày đó, ba tôi đã kiếm gỗ trên mạn Lê Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) rồi gác rui mèn, kèo cột dựa vào 4 vách tường tổ tiên để lại để làm nên cái nhà ba gian. Mẹ tôi gánh đất đổ cho nền nhà cao lên. Khi bắt đầu nhận biết thế giới, tôi nghĩ "cái ổ" ấm và vui của mình gồm ngôi nhà ba gian có hai chái bếp ở hai đầu.
Tôi vẫn nhớ hai cái giường ngủ của ông bà nội dựa vào bức tường này. Cái ô trống ở giữa là lối đi xuống bếp của ông bà. Phía bức tường đối diện cuối nhà là chái bếp của ba mẹ tôi.
Một ngày bắt đầu bằng việc cả hai gian bếp đều đỏ lửa. Mẹ tôi nấu cơm sáng và cả cơm trưa cho các con để ra đồng sớm. Ông bà nội sẽ bắt đầu bằng nồi nước chè xanh, nấu món ăn vặt gì đó cho các cháu và nồi cháo sáng của ông bà.
Buổi sáng ngày đó bao giờ cũng như ngày hội với hình ảnh đôi chó ghếch chân ở sân giữa nằm đợi ăn. Mấy mẹ gà mái đủ màu lông vừa được mở chuồng là líu ríu gọi nhau rồi ùa vào hai sân bếp quẹt mỏ hóng bà nội và mẹ tôi bước ra vung tay rải nắm tấm ngô hoặc cám gạo.
Mấy đứa trẻ chúng tôi vừa để chân chạm đất là chạy ùa xuống bếp. Thường thì sang bếp ông bà nội trước, hớn hở cầm ngay bắp ngô, củ khoai bà để sẵn trong nồi rồi lại chạy sang bếp mẹ… kêu đói. Còn nhớ mẹ cười rất hóm: "Vừa ăn chưa ráo miệng đã kêu đói".
… Mấy chị em tôi hình như non nửa thế kỷ vẫn quẩn quanh bếp lửa, quanh bức tường rêu phong xưa cũ của tổ tiên. Sáng lạnh, trước khi hối hả lao ra ngõ vẫn giơ tay lên gần bếp lửa, hơ nóng.
Nhớ nhất những sáng mùa đông khói bếp quyện cùng sương sớm, những đứa trẻ vùi chân trần trong tro bếp, kiễng tay lên cao hong khói, hong hơi lửa cho ấm. Bà nội gói củ khoai nướng trong lá chuối khô rồi nhét vào cặp sách cho cháu; mẹ xách chiếc rổ áo len cũ, mới, to nhỏ lẫn lộn ướm vội cho từng đứa...
Buổi sáng của cả hè nóng, đông lạnh hay thu nhiều mưa và mùa xuân hớn hở của chúng tôi đều rộn ràng bước chân chạy qua chạy lại giữa hai gian bếp.
Buổi tối cũng không khác mấy, mấy đứa trẻ cứ bê bát cơm chạy qua chạy lại giữa hai gian bếp. Ông bà và mẹ đều cười: Bọn nó ăn hai mâm, hóng hai bếp cho chóng nhớn.
Ngày Tết, hai bếp nhập làm một. "Chúng nó" hóng ông giã giò, bà kho cá, mẹ rán nem, làm mứt dừa… Rồi chiều nào cũng ngó ra cửa chờ ba đạp xe từ nơi công tác về.
… Năm 1975, mẹ mất; ba có bếp ấm khác ở nơi công tác. Mấy năm sau ông bà nội mất. Những đứa trẻ cứ thế nhớn nhác lớn lên mà không kịp hiểu tại sao ngôi nhà ấm của mình bỗng dưng vắng người, vắng lửa, vắng khói.
Cho đến khi lớn lên, già đi, chúng tôi mới lờ mờ nhận ra rằng: Có những thứ trên thế gian này, dù đẹp đẽ, tưởng như bền chặt vô cùng cũng không thể nào tồn tại vĩnh viễn.
… Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, những ngày rộn ràng, tíu tít của những đứa trẻ chạy qua, chạy lại giữa hai gian bếp cứ như cuốn phim tài liệu tua đi tua lại trong tâm trí tôi nhiều lần. Như là quãng sống hạnh phúc, đẹp đẽ không bao giờ mất đi mà cũng không thể nào gặp lại.
Nền nhà cũ vẫn còn. Bức tường nối nhà chính và gian bếp của ông bà nội vẫn hiện diện cùng thời gian và bao thăng trầm của những cuộc đời và kiếp người. Rêu phong phủ kín bức tường nhưng ký ức thì tươi nguyên.
Những đứa trẻ ngày ấy, đi bốn phương trời rồi trở lại vườn xưa dựng lại nhà, gầy lại bếp, để ngày Tết tụ về cùng nhau mong ngóng 1 điều gì đó.
Khi chụm lại bếp củi, như vô thức ai nấy đều nhìn vào bức tường rêu, lối cũ. Mùi khói lại quyện chặt vào cây, vào đất, vào tâm trí của những đứa trẻ ngày xưa bây giờ tóc đã hai màu.
Tôi nghiện mùi khói, nghiện hơi lửa; nhớ quay quắt hình hài bếp cũ của mạ, của ông bà nội mỗi khi mưa đổ, đông về. Nhắm mắt lại, bước ra khỏi âm thanh, không gian hiện tại, bỗng cảm thấy như tiếng dép khẽ khàng xuống bếp của bà nội vẫn đâu đây. Rồi tiếng ông nội bắc nước, nấu sáng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.