Có căn cứ để trả hồ sơ?
Chiều 18/10, sau 5 ngày xét xử sơ thẩm vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang, kết thúc phần tranh tụng giữa Viện Kiểm sát với luật sư và các bị cáo, Hội đồng xét xử công bố nghỉ nghị án từ ngày 21/10 và sẽ tuyên án vào ngày 25/10.
Thay mặt Hội đồng xét xử, bà Vương Thị Thu Hà, Phó Chánh án Tòa hình sự, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang, thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa công bố, Hội đồng xét xử nghỉ nghị án từ ngày 21/10 và sẽ tuyên án vào ngày 25/10 tới.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.
Trước đó, trong phiên tòa ngày 17/10, Viện Kiểm sát đã đề nghị tòa tuyên bị cáo Nguyễn Thanh Hoài 8-9 năm tù; Vũ Trọng Lương 7-8 năm tù; các bị cáo Triệu Thị Chính và Lê Thị Dung cùng mức án 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù; bị cáo Phạm Văn Khuông 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù, cho hưởng án treo.
Trước ngày tòa tuyên án, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi liệu tòa có trả hồ sơ để điều tra bổ sung giống như vụ ở Sơn La, bởi thực thực vụ việc ở Hà Giang vẫn còn nhiều điểm chưa được làm sáng tỏ.
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, vụ án này đang xét xử sơ thẩm, đã kết thúc phần tranh tụng và chuyển sang phần nghị án.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, sau khi nghị án, tòa án có thể trở lại phần xét hỏi (nếu còn có những tình tiết, chứng cứ chưa được làm rõ), cũng có thể trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tuyên bán án để kết tội các bị cáo.
Theo dõi diễn biến phiên tòa những ngày vừa qua, luật sư Cường cho rằng, cả vụ án xảy ra tại tỉnh Sơn La và tỉnh Hà Giang đều có căn cứ để trả hồ sơ, điều tra bổ sung để làm rõ nhiều vấn đề có liên quan đến động cơ, mục đích thực hiện hành vi phạm tội và trách nhiệm của một số cá nhân có liên quan...
Trong trường hợp vụ án còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ mà tòa án đã vội vàng tuyên bản án khiến sót người, lọt tội hoặc dấu hiệu oan sai, có thể bản án đó có thể bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Khi đó tòa án cấp phúc thẩm có thể hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại hoặc điều tra lại.
Bởi vậy, có lẽ tại thời điểm này, các thẩm phán và hội thẩm nhân dân rất áp lực trong việc đánh giá chứng cứ, đây là vụ án rất phức tạp. Thậm chí có thể nói rằng rất khó bởi các bị cáo và những người có liên quan đều là những người có trình độ, có địa vị xã hội...nên quyết định thế nào để giải quyết đúng đắn vụ án, đảm bảo một quyết định sáng suốt là vấn đề thực sự trăn trở.
Pháp luật quy định tòa án xét xử hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm, bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật ngay nên hội đồng xét xử sơ thẩm sẽ phải thận trọng, sẽ cân nhắc câu chuyện có thực hiện quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ một số tội danh và trách nhiệm của một số cá nhân khác hay không....
Theo vị luật sư, về nguyên tắc đánh giá chứng cứ là phải đánh giá một cách khách quan, đặt trong bối cảnh cụ thể, phải xâu chuỗi sự việc thông qua nhiều chứng cứ khác nhau để làm rõ hành vi và ý thức chủ quan của những người trong các mối quan hệ, giao dịch đó...
Bị cáo Triệu Thị Chính.
Đối với những chứng cứ tin nhắn có liên quan tới bà Triệu Thị Trinh mà cơ quan điều tra đã thu thập được trong quá trình điều tra. Trước tiên, Hội đồng xét xử phải đánh giá về tính hợp pháp của những chứng cứ này, sau đó mới đánh giá đến giá trị chứng minh của các chứng cứ.
Cần làm rõ trách nhiệm của vợ Chủ tịch tỉnh
Điều kiện để trở thành chứng cứ là những tin nhắn đó phải đảm bảo tính khách quan, tính liên quan và được thu thập hợp pháp, có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Cơ quan công tố tỉnh Hà Giang khẳng định, các tin nhắn đến và đi nêu trên được cung cấp bởi Tập đoàn bưu chính viễn thông (VNPT) và được giám định bởi Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, thể hiện rõ là “nhờ nâng điểm chứ không phải xem điểm”.
Theo thông tin của Viện KSND tỉnh Hà Giang, bà Nguyễn Thị Nga (chuyên viên Sở Tài chính Hà Giang, vợ của ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh.) là người đầu tiên và cũng là người nhắn tin nhiều nhất đến số điện thoại của bị cáo Chính nhờ giúp đỡ.
Như vậy, theo quan điểm của Viện kiểm sát tỉnh Hà Giang, hành vi phạm tội là đã rõ, thời gian nhắn tin, nội dung các tin nhắn phản ánh nội dung về việc nhờ nâng điểm chứ không chỉ là hỏi điểm sau khi đã chấm và công bố.
Tuy nhiên, bản thân bà Chinh không thừa nhận hành vi phạm tội, cho rằng mình bị oan. Bởi vậy, Hội đồng xét xử sẽ xem xét vấn đề này trên cơ sở khách quan, toàn diện và đầy đủ các chứng cứ đã được tranh luận, làm rõ tại phiên tòa....
Nếu bà Chinh không phủ nhận những thông tin qua nội dung tin nhắn, việc thu thập chứng cứ điện tử được thực hiện hợp pháp, những chứng cứ này có giá trị chứng minh, có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Hội đồng xét xử sẽ đánh giá về việc bà Chinh có khả năng tác động nâng điểm hay không? Thời điểm người khác nhắn tin, gọi điện nhờ "xem điểm" là xem điểm trong bài thi sau khi chấm "lần đầu" hay nhờ xem điểm số đã được Bộ GD&ĐT kiểm duyệt và công bố?
Nếu việc nhờ xem điểm khi kỳ thi kết thúc, thông tin đã chuyển về Bộ GD&ĐT, và Bộ đã thông báo điểm của từng thí sinh, vậy có thể bà Chinh trình bày là có căn cứ.
Còn trường hợp nhờ xem điểm vào thời điểm bài thi còn đang chấm, chưa lên điểm, chưa báo cáo Bộ GD&ĐT thì quan điểm của Viện kiểm sát là có căn cứ.
Còn đối với các phụ huynh, người nhà của các thí sinh: Nếu họ thừa nhận đã đưa tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất cho người có chức vụ quyền hạn đối với kỳ thi đó hoặc có chứng cứ rõ ràng chứng minh điều đó thì tiếp theo cần làm rõ việc đưa tiền nhằm mục đích gì?
Nếu chỉ để hỏi thông tin về điểm số trước vài ngày so với thí sinh thông thường, không nhằm tác động thay đổi kết quả thi, có nhất thiết phải cảm ơn đến số tiền lớn như vậy hay không? Đời sống và mức thu nhập của những người này thế nào? Họ có thường xuyên cảm ơn, hậu tạ những người đã giúp đỡ mình hậu hĩnh như vậy hay không?
Có làm rõ những yếu tố trên mới làm rõ động cơ, mục đích của việc đưa tiền. Ngoài ra, cũng cần đánh giá "lòng tốt" bất thường của các bị cáo trong việc nâng điểm". Nếu quen biết sơ sơ, quan hệ bình thường có phải liều mình, cố ý vi phạm pháp luật hình sự để giúp đỡ "vô tư" người khác hay không?
Theo luật sư, nghi ngờ không chỉ là để nghi ngờ, mà còn là để tìm ra sự thật. Tất cả các giả thiết đều phải được đặt ra và đánh giá một cách khách quan, công tâm thì mới giải quyết đúng đắn vụ án.
Những nghi ngờ, trăn trở là động lực thúc đẩy hội đồng xét xử đi đến kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, việc kết luận thế nào vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, trong đó có nguyên tắc chứng minh tội phạm, nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng...
Để kết tội một bị cáo thì cần có đầy đủ các căn cứ, chứng cứ theo quy định pháp luật. Nếu có dấu hiệu bị cáo phạm tội khác hoặc người khác phạm tội, cũng cần phải điều tra, xác minh làm rõ để đảm bảo nguyên tắc công bằng.
Đồng quan điểm với luật sư Đặng Văn Cường, luật sư Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, nếu vụ việc còn nhiều điểm chưa sáng tỏ, tòa nên trả hồ sơ để củng cố thêm chứng cứ, làm sáng tỏ trách nhiệm của những người liên quan, tránh bỏ lọt tội phạm. Đặc biệt là làm rõ trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Nga (chuyên viên Sở Tài chính Hà Giang, vợ của ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh) xem bà này có phải là đồng phạm hay không.
Còn trong trường hợp ngày mai tòa tuyên án nhưng sau đó phát hiện người phạm tội mới hoặc bị cáo trong vụ án hiện tại phạm thêm tội khác vẫn có thể khởi tố vụ án bổ sung giai đoạn 2 hoặc khởi tố bị can đối với những người này để điều tra, truy tố và xét xử ở giai đoạn 2 của vụ án nhằm đảm bảo các quy định của pháp luật về thời hạn tố tụng cũng như quyền lợi chính đáng của bị can, bị cáo trong vụ án.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.