Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Long Phú có 7/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2 xã có đông đồng bào Khmer sinh sống nhiều nhất của huyện là Tân Hưng và Long Phú, thực hiện đạt 17/19 tiêu chí; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc đáng kể.
Song hành với kết quả xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Hưng, Long Phú (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) là sự góp công, góp sức không nhỏ của đồng bào dân tộc Khmer.
Tuyến đường hoa kiểu mẫu vùng đồng bào Khmer ấp Trường Thọ, xã Trường Khánh, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng). Ảnh Sóc Ca.
Xã Trường Khánh hiện có 1.719 hộ đồng bào dân tộc Khmer, chiếm 51,57% dân số toàn xã. Sau khi hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) vào năm 2015, xã bắt tay ngay vào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Một trong những trọng tâm của chương trình là xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu. Khi đến với xã NTM Trường Khánh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những tuyến đường hoa rực rỡ, đủ sắc màu.
Các tuyến đường trục chính của xã không chỉ được xây dựng rộng rãi, sạch sẽ mà còn được điểm tô bởi những bông hoa nhiều màu sắc như hoàng yến, mười giờ, hoa giấy, chiều tím, nguyệt quế, hoàng anh… làm cho bức tranh làng quê đầy sức sống.
Sau gần 3 năm phát động, mô hình tuyến đường hoa kiểu mẫu được đông đảo người dân nơi đây tích cực hưởng ứng, được nhân rộng tại tất cả các ấp trong xã nông thôn mới Trường Khánh.
Anh Thạch Thanh Giang, người dân ấp Trường Thọ chia sẻ: “Lúc trước, tôi chỉ trồng hoa xung quanh nhà, nhưng khi được chính quyền địa phương phát động, tôi trồng thêm hoa dọc tuyến đường phía trước.
Không chỉ có gia đình tôi, mà nhà nào trên tuyến đường này cũng thường xuyên dọn cỏ rác, chăm sóc hoa, cùng chung tay xây dựng tuyến đường quê ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Mong rằng những tuyến đường hoa như thế này sẽ được nhân rộng nhiều hơn, để tạo cảnh quan cho làng quê thêm tươi đẹp”.
Đồng chí Thạch Dũ - Phó Chủ tịch UBND xã Trường Khánh, cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác vận động quần chúng tham gia xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp...
Địa phương xây dựng xóm, ấp ổn định về trật tự, an toàn xã hội, góp phần đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu, Đảng ủy xã chọn một tuyến đường hoa kiểu mẫu, với chiều dài trên 1.200m và phân công các đoàn thể xã phối hợp với Ban Nhân dân ấp thực hiện.
Không chỉ trồng hoa hai bên đường, mà chính quyền địa phương còn duy trì, sửa chữa, nâng cấp hệ thống đèn đường, lắp pa nô tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc hoa.
Nếu sau thời gian trồng, hoa tàn hay chết, bà con sẽ trồng lại để lúc nào trên tuyến đường hoa nông thôn mới cũng có hoa khoe sắc.
Những tuyến đường hoa đã làm thay đổi nhận thức của bà con về vệ sinh môi trường. Tại những nơi đã trồng hoa, không còn tình trạng bà con vứt rác bừa bãi, ai cũng có ý thức giữ vệ sinh chung.
Qua ấp Ko Kô, xã Tân Hưng, nơi có gần 99% hộ đồng bào Khmer sinh sống, tuyến Huyện lộ 26 là tuyến đường hoa kiểu mẫu.
Phía trước mỗi căn nhà có rất nhiều hoa mười giờ đủ màu đua nhau khoe sắc.
Đó là công trình do Chi hội Cựu Chiến binh, Chi hội Nông dân, hội viên Hội Phụ nữ ấp thực hiện và duy trì gần 2 năm nay, theo chỉ tiêu cảnh quan môi trường “xanh - sạch - đẹp” trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Chị Thạch Chanh Tha, người dân ấp Ko Kô bộc bạch: “Nhà đẹp, khang trang là một lẽ, nhưng nếu ngoài sân không sạch sẽ thì cũng bằng không.
Bởi vậy, gia đình tôi luôn tích cực giữ gìn vệ sinh môi trường. Hàng rào đẹp sẽ tôn thêm giá trị của ngôi nhà.
Tuyến đường hoa kiểu mẫu ấp Ko Kô, xã Tân Hưng, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng). Ảnh Sóc Ca.
Hàng rào cây xanh không khó làm, cũng không phải mất tiền, chỉ cần bỏ chút công chăm sóc, cắt tỉa là có được kiểu hàng rào mình mong muốn”.
Đồng chí Kim Sai - Bí thư Chi bộ ấp Ko Kô, cho biết: Trước khi thực hiện mô hình tuyến đường hoa kiểu mẫu, một số ít hộ dân còn thói quen phơi củi, để củi và phế liệu trên lộ giao thông nông thôn, lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ,…
Sau khi được tuyên truyền, bà con rất đồng tình ủng hộ, hào hứng thực hiện mô hình.
Đến nay, hai bên lề đường giao thông trong xóm được bà con thường xuyên vệ sinh, phát quang cây cỏ và chăm sóc hoa tươi tốt.
Mỗi tháng một lần, các hội, đoàn thể ấp sẽ tổ chức một ngày ra quân đồng loạt làm sạch các tuyến đường. Những hộ gia đình có hàng rào cây xanh đẹp, độc đáo sẽ được nhiều chị em đến tham quan, học hỏi để nhân rộng.
Cùng với việc vận động đồng bào Khmer tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, các xã còn tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, hình thành nên nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ đó, đời sống của đồng bào Khmer ở huyện Long Phú được nâng lên đáng kể, góp phần cùng với các cấp chính quyền địa phương hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.