Tuyên Quang: Gỡ khó bằng sức mạnh nội lực

Thứ tư, ngày 31/08/2011 17:28 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Tuyên Quang đã triển khai thí điểm xây dựng mô hình này ở 7 xã trên địa bàn. Tuy nhiên, do đặc thù là các xã nông thôn miền núi, nên nhiều khó khăn đã nảy sinh ngay từ giai đoạn triển khai thí điểm.
Bình luận 0

Chưa có phần khung

Bình Xa (huyện Hàm Yên) là một trong 7 xã được tỉnh chọn triển khai thí điểm xây dựng NTM. Theo đề án về NTM đã đề ra, xã phấn đấu đến năm 2015 đạt được các tiêu chí của một xã ở trung du miền núi phía Bắc.

Theo đó, đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn được nâng cao; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại; có các hình thức sản xuất phù hợp, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ theo quy hoạch.

img
Trồng rừng là một trong những mũi nhọn về phát triển kinh tế của Tuyên Quang.

Ông Giang Mạnh Hùng- Chủ tịch UBND xã Bình Xa cho biết: "Trong 19 tiêu chí, đến nay xã mới chỉ đạt được 6 tiêu chí, để đạt được 13 tiêu chí còn lại trong 3-4 năm tới là rất khó khăn đối với một xã miền núi còn nghèo như Bình Xa".

Toàn xã hiện có hơn 1.500 hộ, trong đó gần 90% dân số làm nông nghiệp, tuy nhiên khả năng khai thác đất, đặc biệt là đất sản xuất nông nghiệp còn yếu, chưa quy hoạch thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, nên tỷ lệ hộ nghèo của xã còn chiếm tỷ lệ cao (gần 30%). Bên cạnh đó, các hình thức tổ chức sản xuất trên địa bàn xã chủ yếu là kinh tế hộ, không có trang trại.

Hiện nay, công tác làm đường giao thông ở Bình Xa đang gặp rất nhiều khó khăn. Do đặc thù địa hình miền núi, các hộ gia đình sống không tập trung nên tiêu chí 100% bê tông hoá là không thể thực hiện được. Cả xã có 97km đường giao thông, nhưng từ đầu năm đến nay, mới có… 6km được bê tông hoá. Bên cạnh đó, số hộ gia đình có đủ 3 công trình vệ sinh ở xã còn ít, vấn đề xử lý môi trường ở các hộ gia đình còn nhiều lúng túng, chủ yếu thải trực tiếp ra môi trường.

Vẫn có lối ra

Ông Nông Huy Tùng- Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết: "Bình Xa là một xã miền núi có địa bàn rộng lớn, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc, là khu vực hiện có trình độ phát triển ở mức thấp về nhiều mặt, do vậy việc xây dựng NTM là hết sức cần thiết. Với điểm xuất phát thấp, nhưng với phương châm "dựa vào nội lực người dân là chính".

Bình Xa cũng đã quy hoạch xong 4 khu chăn nuôi tập trung như: Khu chăn nuôi gà thả vườn tại thôn Đồng Cỏm; Khu chăn nuôi lợn đen tại thôn Đèo Ảnh; Khu chăn nuôi lợn thịt hướng nạc ở thôn Đo và Khu chăn nuôi lợn sinh sản hướng nạc ở thôn Tân Bình.

Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng cho đến thời điểm này, ở Bình Xa đã có hơn 10 hộ gia đình hiến đất làm đường với tổng diện tích gần 2.000m2. Điển hình là gia đình ông Nông Văn Noọng (dân tộc Tày), ở thôn Đồng Chùa 1, đã tự nguyện hiến gần 500m2 đất làm đường.

Ông Noọng cho biết: "Trước đây, con đường dẫn vào bản rất hẹp, gây khó khăn cho việc đi lại, mùa màng đến kỳ thu hoạch phải vận chuyển bằng xe kéo tay vì ô tô không vào được. Khi xã có chủ trương bê tông hoá đường giao thông nông thôn, tôi đã bàn bạc với gia đình và tự nguyện hiến đất vườn và ao để làm đường".

Đối với vấn đề kinh tế, Nhà máy Đường Bình Xa tại thôn Tân Bình 2 với diện tích gần 10ha đã hoàn thành xong khâu giải phóng mặt bằng và chuẩn bị khởi công xây dựng sẽ là một cú "huých" thúc đẩy kinh tế, xã hội của Bình Xa phát triển. Theo đó, diện tích mía nguyên liệu từ 65ha sẽ tăng thêm 140ha, chắc chắn sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem