Dùng chung để giảm ảo
Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT) phần mềm xét tuyển chung đã được Bộ GDĐT xây dựng và cho chạy thử thành công trên cơ sở dữ liệu có thật. Cụ thể, phần mềm này sẽ tập hợp tất cả các dữ liệu gồm: Kết quả đăng ký xét tuyển của thí sinh (TS), thông tin tuyển sinh của các trường (bao gồm ngành, chỉ tiêu, tiêu chí xét tuyển), kết quả thi THPT quốc gia của TS. Khi bắt đầu thực hiện xét tuyển, TS nào trúng tuyển vào từng trường sẽ được phần mềm nay xác định và loại ra khỏi danh sách xét tuyển các nguyện vọng sau. Vì vậy, hiện tượng TS ảo sẽ giảm.
Cảnh rút- nộp hồ sơ xét tuyển “như sàn chứng khoán” tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân mùa tuyển sinh 2015. Ảnh: Đức Minh
“Các trường có thể chủ động tải kết quả xét tuyển về từ hệ thống, giống như việc tải dữ liệu đăng ký xét tuyển về để xét tuyển như cách xét tuyển riêng rẽ trước đây (nhưng dung lượng tải sẽ nhỏ hơn vì chỉ gồm các TS trúng tuyển). Kho dữ liệu này sẽ được quản trị thống nhất, được bảo mật ở mức độ cao và đảm bảo tính chính xác tuyệt đối nên các trường không cần sử dụng phần mềm xét tuyển riêng nữa” – ông Trinh nói.
"Thí sinh cần bình tĩnh và biết cách chờ đợi, không nên hoang mang trước các sự cố tương tự về công nghệ. Chính việc thiếu bình tĩnh của các em và người nhà góp phần làm nên cảnh hỗn loạn tuyển sinh ở những mùa trước”.
PGS Phạm Quang Thế
|
Việc sử dụng phần mềm xét tuyển chung được Bộ GDĐT coi là giải pháp kỹ thuật hỗ trợ các trường thực hiện việc xét tuyển hiệu quả nhất, giảm tối đa tình trạng ảo. Những trường sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển sẽ được đi kèm với việc dùng phần mềm xét tuyển chung này.
Ông Trinh cho biết thêm, khi tổ chức xét tuyển chung, các trường sẽ phải thống nhất một số điểm trong quy trình xét tuyển để đảm bảo phần mềm có thể thực hiện được. Chỉ sau khi có dữ liệu đăng ký xét tuyển của TS các trường mới chuyển về Bộ, còn các công đoạn trước đó như quyết định phương thức xét tuyển, nhận đăng ký xét tuyển... các trường vẫn thực hiện bình thường.
Với việc có phần mềm dùng chung cả nước, việc xét tuyển theo các nhóm trường trước đó sẽ bị hủy bỏ. Về việc này, ông Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, Trường ĐH Bách Khoa sẽ “giải tán” nhóm tuyển sinh GX (theo nhóm trường) do trường chủ trì nếu Bộ cho rằng không còn cần thiết.
Lo ngại sập nguồn
Mặc dù Bộ GDĐT khẳng định đã tính toán rất kỹ và chạy thử phần mềm trên cơ sở dữ liệu thật một cách hiệu quả nhưng nhiều chuyên gia giáo dục, hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ vẫn rất lo ngại về tình trạng sập nguồn, nghẽn mạng có thể diễn ra.
Lo lắng này hoàn toàn có căn cứ khi mùa tuyển sinh năm 2015, Bộ GDĐT “độc quyền” công bố dữ liệu về kết quả thi THPT quốc gia, tình trạng TS cả nước không thể truy cập vào hệ thống dữ liệu để biết mình được bao nhiêu điểm. Ngày cuối cùng của đợt 1 xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015, nhiều trường ĐH đã biến thành “sàn chứng khoán” náo loạn vì TS và phụ huynh theo dõi kết quả xét tuyển. Có TS đã phải thuê xe cấp cứu để đi nộp hồ sơ.
Nói về vấn đề này, ông Đỗ Văn Xê – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho rằng, việc tuyển sinh là việc của các trường ĐH, CĐ, Luật Giáo dục ĐH đã quy định, Bộ GDĐT không nên làm thay việc của các trường. “Năm trước chúng ta đã có bài học rồi, sự cố về công nghệ thông tin hoàn toàn có thể xảy ra vì cơ sở vật chất thiết bị và trình độ công nghệ của các trường không đồng đều. Lúc đó, người chịu thiệt thòi là TS” - ông Xê nói.
Cũng theo ông Xê, nếu các trường ĐH, CĐ đảm bảo tự xét tuyển được thì Bộ GDĐT không nên can thiệp: “Việc tạo ra TS ảo là do Bộ cho phép TS một lúc xét tuyển quá nhiều nguyện vọng, bây giờ Bộ lại loay hoay tìm cảnh khắc phục TS ảo. Đây không phải là giải pháp triệt để” – ông Xê quả quyết.
Ông Kiều Xuân Thực – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp cũng lo ngại, chủ trương xét tuyển chung Bộ đưa ra nhưng các trường vẫn có quyền từ chối tham gia: “Nếu Bộ bắt buộc sẽ vướng vào quyền tự chủ của các trường, còn nếu có nhiều trường không tham gia thì việc xây dựng phần mềm chung sẽ không còn ý nghĩa”.
Ở một khía cạnh khác, PGS-TS Phạm Quang Thế - Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên lại cho rằng, phần mềm chỉ là công cụ giải quyết vấn đề nên việc xảy ra sai sót, sự cố là... bình thường. Điều quan trọng là phần mềm đó hỗ trợ được đến đâu trong việc lựa chọn được TS phù hợp với nguyện vọng xét tuyển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.